Mấy hôm nay có khá nhiều bạn bè và người thân của tôi tổ chức lễ mừng sinh nhật, ngày nào tôi cũng gửi lời chúc mừng nên tôi lại có một vài thắc mắc mà không biết là nó có đáng… thắc mắc hay không?
Thứ nhất, các bạn có bao giờ hỏi tại sao chúng ta lại cần tổ chức mừng sinh nhật không? Nó thật sự có ý nghĩ gì đối với mỗi người khi một năm đã vừa trôi qua với bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống?
Thứ hai, các bạn có bao giờ hỏi tại sao chúng ta lại cần phải chia xẻ với bạn bè và người thân? Những lời chúc của họ có thật cần lắm không hay chỉ là những lời nói xã giao, chúc tụng bình thường mỗi khi chúng ta gặp nhau ở những buổi tiệc tùng đình đám?
Thứ ba, tại sao chúng ta lại có tục lệ là phải thắp nến, sau đó thầm ước nguyện điều gì đó trước khi nhắm mắt và cố thổi cho tất cả các cây nến phải tắt nếu như muốn điều ước ấy trở thành sự thật? Tục lệ đó đến từ nước nào, từ lúc nào và tại sao nó quan trọng đến độ ai cũng cần phải có mặt quây quần bên người tổ chức sinh nhật, phải hát bài hát ‘happy birthday’ cho to, nến vừa tắt xong thì vỗ tay, chụp hình, ăn bánh sau đó mới được cho về?
Cũng có thể đây là những câu hỏi rất vớ vẩn vì đối với cá nhân tôi thì sinh nhật của mình chưa bao giờ được cho là một ngày quan trọng. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa có một lần tổ chức party sinh nhật và tôi nghĩ về sau này nó cũng sẽ y như thế. Tôi thấy thứ nhất là không cần thiết và thứ hai, quan trọng hơn là thêm một tuổi đời thật sự nó chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Điều cần biết không phải là chúng ta đã sống được bao nhiêu năm trong đời mà là trong khoảng thời gian ấy chúng ta đã làm được gì cho gia đình và xã hội.
Nhưng tôi cũng lại thường cắc cớ tự hỏi tại sao trong văn hóa Việt Nam chúng ta không chú trọng vào sinh nhật mà lại là ngày giỗ. Tại sao chúng ta không tổ chức tiệc vui mừng, chúc phúc khi những người thân còn sống như trong dịp sinh nhật được văn hóa Âu Mỹ ưa chuộng mà đợi đến khi họ chết rồi chúng ta mới tổ chức ngày tưởng niệm, kể toàn chuyện tốt về họ cho nhau nghe, cho họ ăn những món ăn ngon nhất được để trong những tô sứ, chén kiểu mắc tiền nhất mà lúc sinh tiền chưa chắc họ đã được cho ăn. Làm như thế để làm gì? Tại sao văn hóa Á Đông thường e ngại không khuyến khích chúng ta thực hiện câu hát nổi tiếng hiện thời của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đó là:
Nếu có yêu tôi thì cứ yêu tôi bây giờ
Đừng để ngày mai đến lúc tôi lìa đời!
Rõ là tư tuởng tôi có phần lấn cấn phải không bạn?
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.