Tôi có một thằng bạn khá thân tên Duy. Nhân lễ tưởng niệm lần thứ 35 ngày Sài Gòn sụp đổ, cách đây khoảng một tháng chúng tôi đã có cá với nhau là đứa nào viết một bài “op-ed” (thư gửi tòa soạn) bằng tiếng Anh được các báo hoặc trang mạng đăng lên thì đứa kia sẽ phải đãi một chầu ăn, mắc bao nhiêu cũng được.
Nhưng đến tuần trước thì Duy đã skype (tên một hệ thống điện thoại miễn phí qua internet) báo cho tôi biết là hắn không thể nào thực hiện được ý đồ này vì… quá bận. À! Chưa đánh mà coi như là mình đã thắng được 50%. Tôi đã nghĩ vậy.
Thế là cả đêm thứ hai tuần trước tôi đã cố cặm cụi viết cho xong bài “op-ed” để gửi các báo. Tính ra tôi đã tốn ít nhất là 4 tiếng đồng hồ để viết xong bài này mặc dù nó chỉ ngắn khoảng độ 600 chữ. Bài viết nói về việc những người ký giả ngoại quốc nổi tiếng vừa trở lại Việt Nam để hồi tưởng lại năm xưa nhân ngày kỷ niệm 35 năm chiến tranh chấm dứt. Tôi đã đặt câu hỏi là nếu như ngày xưa cách đây 35 năm về trước họ đã có thể tường trình, phê phán về mọi khía cạnh của Miền Nam Việt Nam thì tại sao bây giờ hơn 35 năm sau họ lại không thể tường trình cũng như thế nhưng không bị cắt xén và kiểm duyệt. Nhất là về những vấn đề liên quan đến nhân quyền và những gì nhà cầm quyền Việt Nam không muốn người dân được biết như việc họ ngăn chận facebook hoặc cho đánh sập những trang mạng có nội dung "chống phá chế độ".
Nếu phải tự cho điểm bài mình viết thì bài “op-ed” của tôi có tựa đề là “A Case of Amnesia” (Một Trường Hợp Lãng Trí) có thể được cho điểm trên trung bình!
Nhưng khốn nỗi tôi cũng muốn cho các bạn đọc Việt Nam chia xẻ những suy nghĩ của tôi về vấn đề này. Thế là qua ngày hôm sau, sau khi gửi nguyên bản bằng tiếng Anh cho các báo và những ký giả Mỹ mà tôi biết, tôi đã bày đặt dịch bài viết này sang tiếng Việt với tựa đề là “Có Thể Họ Cố Quên”. Tôi đã nghĩ nếu như chính tôi là tác giả thì bài viết cũng sẽ được dịch theo đúng như ý tôi muốn và một điều chắc chắn là nó cũng sẽ được cho điểm trên trung bình (vì tôi sẽ là người chấm điểm mà lị!)
Thế vậy mà không các bạn ạ. Sau hơn 6 tiếng vật lộn với chữ nghĩa và công việc dịch thuật có thể nói chưa bao giờ tôi cảm thấy văn chương của mình nó tệ đến thế. Bài dịch bằng tiếng Việt của tôi không những không thể nói lên hết những gì tôi đã nói được bằng tiếng Anh mà quan trọng hơn, câu cú, vần điệu đều có một vẻ gì đó rất gượng gạo, không tự nhiên như những bài blog mà tôi thường viết với nguyên bản bằng tiếng Việt. Nói tóm lại nếu phải tự cho điểm thêm một lần nữa thì tôi sẽ cho nó dưới trung bình!
Từ đó tôi đã nghiệm ra được một điều là sẽ khó mà chúng ta có cùng một cảm nhận về bất cứ vấn đề gì nếu như ngôn ngữ sử dụng khác nhau. Kể cả trường hợp khi chỉ có một người duy nhất cảm nhận. Một vấn đề nếu được nói bằng tiếng Anh sẽ được hiểu khác hơn khi được nói bằng tiếng Việt. Như tôi chẳng hạn sẽ không thể nào tâm sự với bạn bè thân thiết về những vấn đề như tình dục bằng tiếng Việt vì không hiểu sao tôi thấy nó ‘kỳ kỳ’ sao ấy không thể nào tự nhiên bằng tiếng Anh được.
Cũng có thể vì tôi là một thằng không biết cách dịch chuẩn. Nhưng đối với riêng tôi câu nói “I want to kiss you” không thể nào sẽ có được y cùng một cảm nhận như câu nói ‘Anh muốn hôn em’ cho cả người nói lẫn người nghe.
Trở lại với bài viết “Có Lẽ Họ Cố Quên”, điều duy nhất an ủi là cuối cùng cũng đã có một vài tờ báo mạng cho đăng và vì thế chắc chắn là trong tương lai gần đây tôi sẽ được Duy đãi cho một chầu ăn để không bỏ công hơn 10 tiếng đồng hồ vật vã với chữ nghĩa.
Riêng đối với những bạn đọc xa gần muốn tự đánh giá về bài viết này cho cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, đơn giản nhất là các bạn nên lên facebook của chính tôi, Trịnh Hội!
See you there. Mình hẹn gặp nhau ở đó nhé.
Mmm. Không hiểu tôi dịch như thế này có chuẩn không nhỉ?
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.