Kenya là một quốc gia từng được đánh giá là một trong những nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Rất tiếc là kể từ năm 2002 cho đến nay đất nước này đã không những không tiếp tục bước tới được mà còn phải lùi lại trên nhiều lĩnh vực. Tất cả cũng chỉ vì sự tranh giành quyền lực của những nhân vật chóp bu, thủ lãnh của những bộ lạc lớn ở Kenya.
Có lẽ đây là một trong những điều mà tôi đã biết thêm được từ khi đặt chân đến mảnh đất này. Khác với Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng, ở Phi Châu phần lớn các nước đều vẫn còn bị ảnh hưởng và chia rẽ rất nhiều vì lý do khác biệt chủng tộc và bộ lạc. Nhất là bộ lạc. Chỉ cần đi qua một làng khác là bạn đã qua một bộ lạc khác, nói ngôn ngữ khác, có văn hóa khác, phong tục khác và vì vậy tức thì sẽ có sự kỳ thị vì cách suy nghĩ “họ khác với mình”.
Ở Uganda tôi đã thấy rõ điều này và hôm nay nhân dịp sang Kenya tôi vội đọc lướt qua phần lịch sử cận đại của Kenya thì thấy nó cũng được nhắc lại y như thế. Một phần vì thật sự có những dị biệt khá lớn giữa những bộ lạc ở Khu Vực Đông Phi (East African Region) bao gồm các nước Congo, Rwanda, Sudan, Tanzania, Burundi, Uganda và Kenya. Nhưng phần lớn là bởi lẽ khi những quốc gia này được thành lập và cai trị, nhà cầm quyền thuộc địa đã không để ý đến điều này mà đôi khi còn cố ý dựng lên để tạo chia rẽ và nhờ đó dễ cai trị người dân bản xứ hơn.
Từ lúc dùng vũ lực để cướp đất làm thuộc địa, các nước Anh, Pháp đã phân chia những vùng đất này, hợp nó vào nhau hoặc chia cắt nó ra, hoàn toàn tùy vào sự cảm hứng, tính toán và thỏa hiệp giữa hai bên. Có rất nhiều lắn ranh biên giới đã được vạch ra rất ư là ngăn nắp, cứ thẳng một dòng từ đông sang tây, từ bắc xuống nam mà không hề đả động gì đến sự chia rẽ hoặc hợp nhất vô lý giữa các bộ lạc đã có mặt từ ngàn đời trước.
Không tin các bạn thử nhìn lên bản đồ của lục địa Phi Châu xem tôi nói có đúng không. Đặc biệt là ở khu vực phía Bắc và Đông Phi nơi tôi hiện có mặt. Không cần phải thông minh xuất chúng hoặc cần có sự hiểu biết sâu rộng, chỉ cần bạn biết duy nhất điều này thì bạn cũng có thể hiểu rõ đôi chút tại sao ở vùng đất này luôn có nhiều biến động, giết chóc, nội chiến, thổ phỉ tràn lan.
Vì suy cho cùng không phải một sớm một chiều mà chúng ta, những người ở thời đại này, có thể thay đổi những hệ quả của hơn một trăm năm bị đô hộ và chia rẽ từ thế kỷ trước. Và cho đến bây giờ những hệ quả ấy cũng khó mà có thể hàn gắn và vượt qua. Như vấn đề phân chia biên giới chẳng hạn.
Nhưng mà thôi. Đấy là chuyện của người ta. Chỉ cần biết là tôi có thể nhanh chóng thực hiện những công việc mà tôi được giao phó, tiếp tục tìm cách phát triển những chương trình đào giếng tìm nước sạch cho những người tỵ nạn ở đây để từ đó thấy được thêm và hiểu được thêm họ là ai và mình là ai, chỉ cần biết thế là tôi đã đủ vui và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại nay đây mai đó. Sáng nay thấy vẫn còn ở Kampala nhưng tối nay là tôi sẽ có mặt ở thủ đô Nairobi thủ phủ của cả Khu Vực Đông Phi nổi tiếng giàu có và đông dân nhất.
Chắc là một lần nữa tôi lại sẽ có nhiều chuyện để kể cho bạn nghe.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.