Josh Dwonch vừa ăn mừng sinh nhật thứ 3. Như phần lớn những đứa bé lên 3 khác, Josh là một đứa trẻ tràn trề sinh lực. Nhưng đối với Josh và cha mẹ em, bất cứ bước tiến nào cũng được coi như một phép lạ.
Cha của Josh, ông Andy Dwonch, giải thích: “Chúng tôi được cho biết là cháu đã được chẩn đoán và xác định là mắc hội chứng tắc nghẽn đường mật. Chúng tôi bị chấn động mạnh. Thành thực mà nói, chúng tôi đã mất hết bình tĩnh, bởi vì trước đó chúng tôi đã nắm chắc rằng không bao giờ sẽ nghe những lời chẩn đoán ấy.”
Theo thống kê, cứ 10 ngàn trẻ sơ sinh trên khắp thế giới, lại có 1 em mắc hội chứng tắc nghẽn đường mật.
Bác sĩ Evan Nadler là một chuyên gia làm việc tại Trung tâm Y Tế Nhi đồng Quốc Gia ở thủ đô Washington. Ông cho biết hội chứng này hủy hoại các ống dẫn mật.
Bác sĩ Nadler cho biết tiếp như sau: “Với thời gian, điều sẽ xảy ra là các ống dẫn mật sẽ hoàn toàn bị hủy hoại hoặc bị sơ, tới lúc đó dòng chảy của mật từ gan sẽ bị chặn, một thời gian sau, nếu tiếp tục không được chữa trị, thì cuối cùng gan sẽ không còn hoạt động nữa, nếu không áp dụng cách điều trị nào.”
Bé Josh đã được giải phẫu để nối gan vào ruột non, để mật có đường chảy. Phương pháp này giải quyết vấn đề, ít ra trong tạm thời.
Ông Dwonch giải thích: “Các bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần chúng tôi, rằng ngay cả sau khi đã thực hiện thành công cuộc giải phẫu mang tên là Kasai, vẫn có triển vọng một ngày nào đó trong tương lai, Josh vẫn cần được ghép gan.”
Sau cuộc giải phẫu, gia đình của bé Josh đã trở về Jerusalem, nơi cha mẹ Josh đang phục vụ một tổ chức nhân đạo.
...Tất cả mọi chuyện đều êm xuôi cho tới vài ngày trước Lễ Giáng sinh năm ngoái, lúc gia đình Dwonch đang trên máy bay trực chỉ Hoa kỳ.
Ông Andy Dwonch kể: “Trên chuyến bay, Josh bị sốt nhẹ. Thực tình mà nói, chúng tôi không lấy gì làm lo cho lắm.”
Thế nhưng đó chính là điểm khởi đầu cho một giai đoạn đầy thăng trầm đối với gia đình ông bà Dwonch.
Sau khi lui tới bệnh viện khám bệnh nhiều lần, bé Josh được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng thuộc Đại học Stanford ở bang California, và được ghi tên vào đầu danh sách các bệnh nhân chờ được ghép gan.
Cùng lúc, người ta khám phá ra rằng mẹ của Josh, bà Albana, có thể hiến tặng lá gan của mình cho Josh vì được cho là tương hợp. Bà cho biết cảm tưởng khi nhận được tin đó:
“Tôi thở phào nhẹ nhõm. Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng cảm thấy một chút sợ hãi và lo lắng, bởi vì đây sẽ là một cuộc giải phẫu kéo dài nhiều giờ, nhưng trên hết, tôi lo lắng là sau khi cuộc giải phẫu xong xuôi, tôi không còn sức để chăm sóc con tôi. Và nhà tôi, anh Andy sẽ phải một mình chăm sóc cho 2 bệnh nhân một lúc, thay vì chỉ chăm sóc cho một người mà t hôi.”
Tuy nhiên vào giờ chót, có tin mừng là đã có một gia đình không trực thuộc đồng ý hiến tặng lá gan mà Josh cần đến.
Cùng ngày, sau một cuộc giải phẫu kéo dài 10 tiếng đồng hồ, Josh có một lá gan mới và được trao một cơ hội thứ nhì để tiếp tục sống khỏe mạnh.
Bác sĩ Evan Nadler thuộc Trung tâm Sức khỏe Nhi Đồng, cho biết: “Sau khi mổ xong, những đứa trẻ như Josh có thể sống một cuộc đời hoàn toàn bình thường.”
Bác sĩ Nadler nói chưa có ai biết được vì sao hội chứng tắc nghẽn đường mật xảy ra, nhưng có hai lý thuyết để giải thích hội chứng này.
Bà Susan Robinson là Phó giám đốc đặc trách các chương trình tại Hội Bệnh Gan Hoa Kỳ. Tổ chức này chuyên quyên tiền để nghiên cứu bệnh gan.
Bà Robinson nó rằng trong chương trình gây quỹ, Hội mời gọi sự tham gia của các cộng đồng trên khắp nước, để mọi người dự phần vào các buổi quyên tiền và giúp phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về bệnh gan trên khắp nước.
Ông bà Dwonch nghe về một trong các hoạt động của Hội đặt tên là “Đi bộ vì Lá Gan”, được tổ chức tại thành phố Seattle, thế là hai vợ chồng tổ chức một nhóm để cùng tham gia cuộc đi bộ và quyên tiền cho Hội.
Bà Dwonch nói: “Cả hai chúng tôi đều thấy rằng không có gì có ý nghĩa hơn đối với chúng tôi, là dấn thân hành động để hỗ trợ tất cả các bệnh nhân mà cuộc đời bị tác động không ít thì nhiều vì các chứng bệnh gan khác nhau.”
Cha của Josh, ông Andy nói ông lấy làm cảm kích vì Josh đã được tặng một lá gan, và nhờ đó đã được cứu mạng. Ôâng nói rằng canh cánh trong lòng, ông luôn luôn giữ hình ảnh của gia đình đứa bé xấu số đã qua đời, và cảm tạ nghĩa cử của họ tặng lá gan của con cho Josh.
“Điều rất quan trọng là phải nhớ rằng một gia đình đã vừa trải nghiệm một sự cố rất đau lòng, để có thể tặng món quà quý báu ấy cho bé Josh.”
Mỗi khi nhìn con chạy nhảy, cười nói, vui đùa, hai vợ chồng ông bà Dwonch cảm thấy vô cùng hạnh phúc, thỉnh thoảng họ vẫn chưa hoàn toàn tin rằng những ngày tháng lo âu cùng cực, cuối cùng đã qua đi.
Thưa quý thính giả, Josh Dwonch là một bé trai 3 tuổi mắc bệnh gan trầm trọng có nguy cơ tử vong. Bệnh được chẩn đoán từ khi Josh còn là một đứa trẻ sơ sinh. Là nhân viên cứu trợ nhân đạo, cha mẹ của Josh đã phải đương đầu với nhiều thách thức khi thi hành nhiệm vụ, thế nhưng không có kinh nghiệm nào khả dĩ giúp họ chuẩn bị đương đầu với những thử thách trong cuộc đấu tranh để cứu mạng của đứa con yêu dấu. Thông tín viên Keida Kostreci tường thuật câu chuyện của Josh và cha mẹ em trong Tạp chí Khoa học và Đời sống do Hoài Hương phụ trách.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1