Bà Aditi Sharma điều hợp bản phúc trình, do tổ chức Liên Minh Quốc Tế Sẵn Sàng cho việc Trị Liệu công bố hôm Thứ Hai cho biết:
“Đây là năm mà các quốc gia trong khối G-8 cũng như trên khắp thế giới đã hứa là mọi người đều được tiếp cận với việc điều trị bệnh AIDS và đây là một Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ chủ yếu. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà chúng ta đang phải phấn đấu cho sự sống còn cho các chương trình điều trị mang lại thành công trên khắp thế giới.”
Liên Minh Quốc Tế Sẵn Sàng cho việc Trị Liệu đã theo dõi kỹ lưỡng về tình hình bệnh AIDS tại 6 quốc gia Kenya, Malawi, Swaziland, Ấn Độ, Latvia, và Venezuela.
Bà Sharma nói rằng trong những quốc gia này việc trợ giúp cho các nạn nhân HIV/AIDS ngày càng giảm dần:
“Chúng tôi thấy rằng ngày càng hay xảy ra trường hợp thiếu thuốc, thuốc đặc trị chống virut cũng như những loại thuốc điều trị các vụ nhiễm trùng và bệnh lao phổi. Chúng tôi cũng thấy các bệnh nhân mới không được nhận vào các chương trình điều trị bởi vì đã có mức trần và những hạn chế do các cơ quan hay các chính phủ viện trợ quy định.”
Bà Sharma nói rằng vấn đề khó khăn này là nguồn tài trợ. Các chính phủ cắt giảm ngân sách phòng chống HIV/AIDS của họ, và nguồn tài trợ từ các tổ chức cấp viện quan trọng cũng cạn kiệt.
Bản phúc trình nói rằng Quỹ Thế Giới Chống Bệnh AIDS, Bệnh Lao, và Bệnh Sốt Rét sẽ cần 20 tỷ đô la trong ba năm sắp tới để đáp ứng những mục tiêu Thiên Niên Kỷ liên quan tới sức khỏe, nhưng tổ chức này cho biết, ngân sách chắc sẽ thiếu hụt ít nhất 7 tỉ đô la.
Hôm Thứ Hai, ông Michel Kazatchkine, Giám đốc điều hành quỹ này, nói rằng tổ chức của ông thiếu hụt tài nguyên sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chánh trên thế giới.
Kế Hoạch Khẩn Cấp Về Bệnh AIDS của Tổng Thống Hoa Kỳ là ngân quỹ chính của Mỹ để tài trợ cho công tác chống bệnh AIDS.
Dưới thời Tổng Thống George W. Bush, ngân quỹ tài trợ cho công tác chống bệnh AIDS của Mỹ gia tăng.
Trong năm 2009. Tổng Thống Barack Obama đã hứa dành 48 tỉ đô la cho công tác chống bệnh AIDS trong giai đoạn 5 năm - nhưng mức gia tăng chi tiêu trong từng năm đã giảm dần đi và mục tiêu đó khó mà đạt được.
Bà Sharma nói rằng một vấn đề quan trọng là ngân khoản đó bị chuyển hướng để giải quyết những vấn đề sức khỏe khác như vấn đề tử vong của sản phụ. Sau đây là ý kiến của bà Sharma:
“Thế giới cần và có thể đủ khả năng gia tăng đầu tư vào cả hai lãnh vực HIV/AIDS và sức khỏe của sản phụ, trong hệ thống y tế. Ta không thể đầu tư vào lãnh vực này mà bỏ lơi lãnh vực kia.”
Theo ước tính thì có hơn 30 triệu người trên thế giới nhiễm virút HIV. Theo Liên Hiệp Quốc thì hơn một nửa trong tổng số 9 triệu rưỡi người cần điều trị bệnh AIDS không có được thuốc chữa.
Quỹ Thế Giới Chống Bệnh AIDS, Bệnh Lao, và Bệnh Sốt Rét cho biết, kể từ năm 2005 tới nay họ đã cứu được gần 5 triệu sinh mạng bệnh nhân bị nhiễm HIV.
Một tổ chức quốc tế về bệnh AIDS nói rằng sự cắt giảm ngân sách chi tiêu cho bệnh AIDS có nghĩa là chứng bệnh này lại có thể tái phát và trở thành một bản án tử hình cho dân chúng tại các quốc gia đang phát triển. Tổ chức này nói rằng mức tối đa về con số các bệnh nhân được điều trị đã được quy định và và kho dược liệu sắp cạn kiệt.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1