Đường dẫn truy cập

Bệnh bón cơ năng nơi trẻ em


Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi sẽ trả lời thắc mắc của bà Hồ Ngọc Thi ở Quy Nhơn về bệnh bón cơ năng nơi trẻ em.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Bà Hồ Ngọc Thi ở Quy Nhơn có gửi một email cho chúng tôi, nguyên văn như sau:

"Tôi có cháu trai năm nay 04 tuổi, xin hỏi về việc đi ngồi của cháu: một lần đi ngồi của cháu từ 06 ngày có khi lên 10 ngày mới đi, đi phân thì bình thường, nhưng để lâu quá phân bị cứng và dồn to nên có khi đi có máu dính trên phân. Hồi từ 01 tuổi cháu thường bị viêm họng uống kháng sinh nhiều bị bón, mỗi lần đi ngồi bón đau nên cháu sợ đi ngồi, mãi đến thời gian sau khi có dấu hiệu đi ngồi thì cháu ráng nín lại sợ đau. Vậy xin hỏi Quý Bác sỹ trả lời giúp cháu: Dùng thuốc gì để cháu đi ngồi thường xuyên không để lâu như hiện nay từ 06 ngày trở lên, liệu để như vậy có ảnh hưởng gì sức khoẻ về sau nầy không? hay là cứ để như vậy lớn lên là hết hay sao? và chế độ ăn uống cho cháu ra làm sao?"

Chúng tôi đã chuyển email của bà cho bác sĩ Hồ văn Hiền và được bác sĩ giải thích như sau:

Bịnh bón cơ năng: Functional constipation and Hirschsprung Disease

Bón ở trẻ em thường gặp nhưng chữa chứng này một cách hiệu quả không phải là dễ. Ở đây tôi chỉ bàn về trường hợp bón cơ năng (functional constipation), nghĩa là bón không phải do những nguyên nhân khác như ruột bất bình thường hay suy tuyến giáp trạng.

1) Như thính giả nói trong thư, một số cháu chừng 1 tuổi bị đau lúc đi cầu, nên nhín lại và làm bón.

- Một số trẻ vì tiêu chảy (vd sau khi uống trụ sinh gây ra tiêu chảy) hoặc bón phân cứng gây ra vết nứt ở hậu môn (anal fissure), đi cầu rất đau. Và vì đau nên em lại không muốn đi cầu (stool withholding). Nếu cần nhờ bác sĩ khám hậu môn cháu xem có bình thường không. Nếu dùng thuốc cho phân mềm lại, đồng thời cho em ngồi trong nước ấm nhiều lần mỗi ngày, thì từ từ vết nứt lành lại. Nếu không bớt cần nhờ bs chữa trị.

- Trẻ cũng có thể nín đi cầu vì phụ huynh tập chúng ngưng xài tả gắt gao quá nên chúng sợ đi cầu thì bị phạt, quỡ mắng. Bé cũng có thể ham chơi quá, hoặc đến chỗ lạ, cầu tiêu không sạch, ngại nên nín đi cầu.

2) Phụ huynh hỏi bón như vậy để lâu có ảnh hưởng lâu dài gì không. Nếu chỉ là bón cơ năng, tuy không gây ra hậu quả gì nguy hiểm, bịnh bón ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đứa trẻ: hay đau bụng, đi cầu đau hậu môn, có khi vì phân cứng và khô tụ lại trong trực tràng, nên các chất tiết của ruột len lỏi chảy ra ngoài làm cha mẹ cháu tưởng là tiêu chảy kéo dài, khó giữ vệ sinh vùng hậu môn… Ngoài ra, theo một ý kiến của một số bác sĩ, ít nhất ở phái nữ, bịnh nhân bón dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn.

Chữa bón:

1) Thay đổi chế độ ăn uống:

- Uống nhiều sữa bò quá (lượng sữa gây bón tùy theo người), hoặc những thức ăn làm bằng sữa (dairy products) như fromage, yaourt... có thể gây bón. Nếu cần có thể thay thế bằng sữa đậu nành.

- Uống ít nước quá, nhất là nếu trời nóng, mồ hôi ra nhiều. Nên cho trẻ uống 2-3 ly nước lạnh hoặc nước trái cây mỗi ngày. Nước trái cây loại có nhiều sorbitol (apple juice, prune juice) giúp phân giữ nước, mềm và bé dễ đi cầu.

- Ăn đồ ăn có ít sợi xơ (như gạo xay kỹ, bột mì tinh chế, cà rốt) cũng dễ bón. Nên thử cho cháu ăn gạo lứt (còn vỏ bọc, nhiều cám), bánh mì làm bằng bột xay hạt lúa mì nguyên vẹn, còn giữ phần cám và cái mầm của hạt (whole wheat bread), đậu (beans), rau cải (cà chua tươi), cháo nấu với rau cả, vừa có chất xơ vừa cung cấp nhiều nước...

- Trẻ 1-5 tuổi cần chừng 10 gram chất sợi xơ (fiber)/ngày, người lớn chừng 30 gram /ngày.
-
Những thuốc như Metamucil cung cấp lượng sợi xơ cần thiết nếu ăn không đủ chất này.

2) Khuyến khích em bé đi cầu:

- Mỗi buổi sáng, cho em bé uống một ly nước và cho em ngồi lên ghế toilet vài phút để khuyến khích em đi cầu. Ghế ngồi toilet cần vừa tầm cở em, cho em ngồi ở thế thoải mái, đừng hối thúc nhiều nhất là đừng hăm dọa.

- Có thể khuyến khích đi cầu sau bữa ăn hoặc lúc thấy em muốn nín đi cầu (stool withholding).

Thuốc trị bón:

1) Phần chính là những thuốc làm phân mềm, giữ nước trong phân (hyperosmotic laxative), hoặc làm trơn phân (lubricant):

1. Philip’s Milk of magnesia, hơi khó uống (pha 1-2 muỗng cà fê với milk shake mỗi ngày )
2. Dầu khoáng (mineral oil), có thể pha với nước cam. trẻ 5-11 t: 1-3 muỗng cà fê (5-15 ml)/ ngày (có thể chia ra 2-3 lần)
3. Docusate (Colace, Surfak), làm trơn: 3-6t uống 1-2 muỗng cà phê/ ngày
4. Lactulose (cần toa bs ở Mỹ): 7.5 ml (1 1/2 tsp sau khi ăn sáng)
5. Polyethylene glycol (Miralax); gần đây được thịnh hành trong giới bs trẻ em ở Mỹ. Người lớn (hoặc trên 20 kg cân nặng) 17 gram (cái nắp chai có mức lường ghi là 17 gram) pha trong 8 oz nước hoặc nước trái cây, uống mỗi ngày. Trẻ dưới 20 kg ít hơn, tùy bs, ví dụ trẻ 10 kg chừng 8 gram/ngày.

2) Có những thuốc kích thích ruột già (laxative stimulant), có thể gây đau bụng, ói,… như Senna (Senokot): 1-5 tuổi uống ½ hoặc 1 muỗng càfê, trước khi đi ngủ.

Bisacodyl (trong Correctol, Dulcolax)

3) Nếu bón cấp tính, phân tụ lại nhiều quá cân thanh toán trước khi bắt đầu thuốc nhuận trường:

-Trẻ dưới 18 tháng dùng thuốc nhét đít (rectal suppository) làm bằng glycerin (glycerin suppository)
-Trẻ trên 18 tháng-9 tuổi: dùng thuốc bơm trực tràng Pediatric Fleet Enema.
-10 tuổi trở lên: Fleet Enema người lớn.

Một số bs, y tá dùng sữa (whole milk) trộn với molasses (nước đường đen, mỗi thứ 50%) bơm hậu môn để rữa ruột trực tràng (M&M enema). Cần có bs hoặc chuyên viên y tế theo dõi, vì các thuốc bơm trực tràng cho trẻ em có thể gây rối loạn cân bằng máu và tim mạch, có thể nguy hiểm đôi khi chết người.

Bịnh Hirschsprung: (Hirschsprung Disease) (phình đại tràng bẩm sinh do thiếu tế bào hạch=congenital aganglionic megacolon)

* Sau khi nhận được email của phụ huynh trên đây thì chúng tôi nhận được câu hỏi qua điện thoại về một bé 5 tuổi bị bón tương tự, nhưng có cho biết chi tiết quan trọng là cháu bị bón từ lúc mới sanh. Trong đoạn trả lời trên tôi chỉ nói về bón cơ năng (functional constipation), tức là những trường hợp ruột bịnh nhân không có bịnh, rối loạn, một bất thường gì về cơ thể học. Tuy nhiên, bé trai năm tuổi bị bón từ lúc mới sanh thì là một tình huống khác, cần bàn tới khả năng có thể bị bịnh gọi là Bịnh Hirschsprung hoặc là congenital aganglionic megacolon.

Trong đoạn cuối của ruột già của chúng ta, tức nhiên là khoảng gần hậu môn đi ngược lên, trong vách ruột có những tế bào thần kinh gọi là ganglion cells (“tế bào hạch thần kinh”) phụ trách làm cho những tế bào cơ trong ruột già co lại, tạo nên những nhu động (peristalsis) đưa đẩy phân đi về phía hậu môn và thải phân ra ngoài lúc cần thiết (nghĩa là lúc ruột già đầy phân). Chừng 5000 trẻ em ra đời thì có một em thiếu các tế bào ganglion cell này ở trong một đoạn ruột già của mình. Con trai bị nhiều 4 lần hơn con gái và đặc biệt triệu chứng bón thường xuất hiện rất sớm, ngay trong những ngày đầu đời như trường hợp thứ hai bàn ở đây. Nói chung, nếu trẻ sơ sinh không đi cầu 48 giờ sau khi sanh là bác sĩ nhi phải để ý xem em có bị bịnh ruột già loại này hay không.

Ruột già các em này do đó bị hẹp lại ở khúc thiếu tế bào ganglion này. Phân từ phần trên ruột già, đi về phía hậu môn, ngang qua khúc ruột hẹp đó thì bị tắt nghẽn lại, phía trên thì ruột phình ra, phía ruột dưới thì vẫn teo lại, nên phân bài tiết ra thường chỉ là những lọn phân đường kính nhỏ, hoặc kéo dài ra thành những dải ruban dẹp và mỏng. Lúc bác sĩ khám trực tràng bằng ngón tay (rectal exam), thường thấy trực tràng bịnh nhân Hirschsprung trống không có phân, khác với bịnh nhân bón cơ năng thì trực tràng đầy phân.

Điểm này phụ huynh có thể quan sát được, vì phân ở đây khác với phân trong bịnh bón cơ năng thường gặp. Trong bón cơ năng, phân bị chặn lại ở hậu môn, lúc đi cầu được, bịnh nhân cho ra lượng phân rất lớn, có thể làm nghẽn cầu tiêu, và như trên đã nói, phân đã lỏng ra thành nước, dò rĩ ra khó giữ vệ sinh vùng hậu môn. Theo lời phụ huynh hỏi được thu lại nghe không rỏ lắm, hình như mẹ bịnh nhân nói em đi ra nhiều nước, có máu, thì riêng điểm này, khác với mấy điểm trước, có vẻ thiên về định bịnh bịnh bón cơ năng thay vì bịnh Hirschsprung.

Tóm lại, chúng ta phân tích để chúng ta có một ý niệm tổng quát về những định bịnh nặng nhẹ có thể xảy ra, chỉ với mục đích thông tin. Nên nhờ bác sĩ nhi khoa hoặc bs chuyên về đường ruột xem xét em lại cho kỹ. Khả năng em bé bàn ở đây bị bịnh aganglionic megacolon có thể thấp, tuy nhiên bác sĩ cần hỏi bịnh sử cẩn thận và cha mẹ bịnh nhân cần lục lọi trí nhớ và hồ sơ quá khứ để cho những tin tức cần thiết và quan trọng Bác sĩ có thể khám trực tràng, sau đó nếu thấy cần, cho chụp quan tuyến ruột bịnh nhân sau khi bịnh nhân đã uống hoặc bơm chất cản quang qua hậu môn vào ruột già (barium enema). Nếu cần có thể nội soi ruột già và làm sinh thiết (biopsy) trực tràng (rectal biopsy) phía gần hậu môn. Nếu đúng là bs Hirschsprung thì cần nhờ đến bs giải phẩu cắt bỏ khúc ruột thiếu tế bào thần kinh làm ruột tắt nghẽn và nối lại.

Chúc bịnh nhân và gia đình may mắn.

BS Hồ Văn Hiền
(Hien V. Ho, MD, FAAP)

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý vị về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG