Đường dẫn truy cập

Sau gần 2 tháng, nạn nhân vụ cháy ở Khương Đình chưa được nhận 130 tỷ đồng cứu trợ


Người dân đứng gần hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, 13/9/2023.
Người dân đứng gần hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, 13/9/2023.

Nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội các ý kiến phê phán Mặt trận Tổ quốc của thủ đô Hà Nội về sự chậm trễ tới gần 2 tháng trong phân phối tiền từ thiện, tiền cứu trợ lên đến 130 tỷ đồng cho các nạn nhân của một vụ cháy chung cư mini, theo quan sát của VOA.

Đối mặt với dư luận như vậy, hôm 1/11, một đại diện của Mặt trận Tổ quốc Hà Nội (MTTQ HN) nói với báo giới rằng “phương án hỗ trợ dự kiến sẽ được công bố hôm 6/11”. Trong cơ cấu chính trị Việt Nam, nơi đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, MTTQ là cánh tay của đảng quản lý hàng loạt các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo…

Như VOA đã đưa tin, một tòa chung cư mini bị cháy lúc gần nửa đêm hôm 12/9 ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, làm 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương, trong tổng số hơn 150 người sinh sống ở đó.

Ngay sau vụ cháy, những người và tổ chức có lòng hảo tâm đã đóng góp tiền từ thiện, tiền cứu trợ lên đến 130 tỷ đồng, tính đến lúc MTTQ ngừng nhận vào ngày 16/10, theo các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam và Quân Đội Nhân Dân.

Trên mạng xã hội, một số người đưa ra ước tính rằng nếu số tiền đó chia đều cho khoảng 45 hộ dân tại chung cư, mỗi hộ sẽ được nhận gần 2,9 tỷ đồng, đủ để họ tìm mua căn hộ chất lượng khá để có nơi ở mới, sớm ổn định và khôi phục cuộc sống.

Tuy nhiên, đã 1 tháng 3 tuần trôi qua kể từ vụ cháy, những người sống sót mới chỉ được nhận các khoản trợ giúp ít ỏi và tiếp tục “ngóng chờ” khoản cứu trợ chính, theo các phóng sự của Tiền Phong, VNExpress và một số báo khác.

Một gia đình của người đàn ông có tên là Nguyễn Công Huy nói với VNExpress rằng họ đã nhận được 160 triệu đồng hỗ trợ trước mắt từ chính quyền phường Khương Đình để tạm trang trải cuộc sống.

Một nữ bác sĩ có tên là Vũ Thị Nhung cho VNExpress biết rằng mỗi người trong gia đình bà nhận được 40 triệu đồng hỗ trợ trước mắt từ thành phố và 7 triệu từ chính quyền quận Thanh Xuân.

Nói với báo chí hôm 1/11, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ HN Nguyễn Sỹ Trường cho hay ngay trong những ngày đầu tiên sau vụ cháy, cả 3 cấp phường, quận và thành phố của MTTQ đã hỗ trợ các nạn nhân với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng; sau đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 22/9 duyệt chi 9,4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

Ông Trường lý giải về việc phải mất thời gian xem xét và chưa phân chia số tiền 130 tỷ đến những người sống sót, đó là: “Mỗi nạn nhân có một hoàn cảnh khác nhau nên cần phải tính toán, rà soát, đánh giá sao cho công bằng, phù hợp nhất”. Ông cho biết thêm rằng “Dự kiến phương án hỗ trợ sẽ được công bố ngày 6/11”, các báo Việt Nam đưa tin.

Trước đó, hôm 31/10, ở tầm quốc gia trong cơ cấu của MTTQ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trương Thị Ngọc Ánh nói với báo giới rằng việc phân bổ tiền cứu trợ “cần có thời gian lên phương án, phân loại các nhóm đối tượng” vì trong số những người sống sót, “có người cần mua nhà, có người muốn về quê”, v.v… nên “cần phân loại để có chính sách hỗ trợ phù hợp”.

Vẫn bà Ánh đưa ra nhận xét là hơn 1 tháng chưa phân bổ tiền cứu trợ “không phải là lâu đâu”, theo tường thuật của Thanh Niên, Tuổi Trẻ và nhiều báo khác.

Theo quan sát của VOA, các phát biểu của hai quan chức thuộc bộ máy MTTQ, đặc biệt là bà Ánh, bị nhiều người - bao gồm cả các Facebooker có nhiều ảnh hưởng như Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Như Phong, Tống Nguyên, Trần Quốc Quân, v.v… - chỉ trích trên mạng xã hội. Họ bày tỏ thấy “bàng hoàng” về “sự vô cảm” của giới chức MTTQ.

Ông Tống Nguyên nêu quan điểm trên trang cá nhân rằng tiền từ thiện của người dân là để họ giúp đỡ lẫn nhau, đó không phải là tiền của nhà nước để mà một tổ chức thuộc chính quyền đứng ra phân chia.

Ông cho rằng chỉ cần một ngày để xác định mức hỗ trợ rồi phát theo danh sách, sau đó người được cứu trợ có toàn quyền tự do quyết định về số tiền họ được các nhà hảo tâm cho, tặng. Bình luận về sự trì hoãn của MTTQ trong phân phối tiền cho các nạn nhân, ông Nguyên đặt câu hỏi “Cứ như thế này thì từ nay ai còn muốn làm từ thiện nữa đây?”

Nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong kể lại trên trang cá nhân kinh nghiệm mà ông đã có trong hàng chục năm khi đi cứu trợ, hỗ trợ những người gặp khó khăn, đó là “chưa bao giờ giao hàng và tiền cho MTTQ tỉnh và huyện” bởi một lý do đơn giản là ông “không tin họ”.

Ông Phong viết thêm rằng nếu giao cho tổ chức đó, hàng sẽ bị “bớt xén”, bị “om dưa” cả tháng - tức bị giữ lại trong kho - và “nhiều khi bị phân phối không theo đúng kế hoạch”.

Cũng không tín nhiệm MTTQ nói riêng và các tổ chức thuộc bộ máy chính quyền và nhà nước Việt Nam nói chung, doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân viết trên trang của mình rằng ông “không tin số tiền mình đóng góp qua các cơ quan này sẽ đến tay người cần cứu trợ, thậm chí một phần nhỏ. Nếu có cũng đến rất chậm”. Ông cho biết ông thường chung tay đóng góp từ thiện qua các nhóm bạn bè uy tín.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhắc nhở bà Ánh thuộc MTTQ VN rằng đã 7 tuần trôi qua kể từ khi hàng chục người “chết thảm” trong vụ cháy chung cư và cả hai cơ quan MTTQ cấp thành phố Hà Nội và lẫn cấp quốc gia “không được phép coi 130 tỷ đồng đó” là của họ. Ông nhấn mạnh: “Lần này làm không tử tế thì lần sau chả ai dại gì mà đưa tiền cho mặt trận nữa!!!”

Một nghị định của chính phủ Việt Nam ban hành năm 2021 quy định chung rằng việc tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố… có thời gian kéo dài không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu kêu gọi quyên góp. Bên cạnh đó, thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ thời điểm dừng tiếp nhận quyên góp.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG