Đường dẫn truy cập

Mỹ cứu trợ Nhật Bản và tinh thần của người Nhật trong tai họa này


Người Nhật rất nghiêm chỉnh xếp hàng chờ đợi, từ chuyện thực phẩm cho tới mua xăng, chữa bệnh, xin thuốc
Người Nhật rất nghiêm chỉnh xếp hàng chờ đợi, từ chuyện thực phẩm cho tới mua xăng, chữa bệnh, xin thuốc

Kính thưa quí vị, bất cứ thiên tai ghê gớm nào trên thế giới, từ động đất, lụt lội, đói kém cho đến những tai họa khác xảy ra người ta đều thấy nước Mỹ đi hàng đầu trong công cuộc cứu trợ. Nhưng trong tai họa mới đây xảy ra tại Nhật, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, người ta nhận thấy cứu trợ có phần hơi chậm hơn so với sự giúp đỡ nhanh chóng của Hoa Kỳ cho các nước khác. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ gửi đến quí vị một số chi tiết về việc cứu trợ của Mỹ dành cho Nhật và tường thuật của ông Đỗ Thông Minh, cư dân tại Tokyo về những đóng góp cứu trợ của Hoa Kỳ và các tổ chức người Việt ở hải ngoại, cũng như tư cách và tinh thần kỷ luật cao độ của người dân Nhật trong lúc xảy ra tai biến.

Trận động đất cực mạnh với con sóng thần khủng khiếp ập vào nước Nhật cách nay vài tuần lễ gây tàn phá vượt mức tưởng tượng và làm hư hỏng những lò phản ứng hạt nhân đang reo rắc tang thương cho đảo quốc này. Hoa Kỳ cũng đã góp phần cứu trợ nước đồng minh thân thiết. Tuy nhiên sự hưởng ứng của người dân Mỹ cho vấn đề cứu trợ ở Nhật xem ra chậm hơn so với trận động đất nặng tại Haiti năm ngoái.

Theo tờ báo Mỹ the Chronicle of Philanthrophy thì tính cho đến ngày 16 tháng Ba, 6 ngày sau khi xảy ra động đất và sóng thần, người dân Mỹ đã quyên góp được 64 triệu đô la để cứu trợ nạn nhân thiên tai ở Nhật. Tuy nhiên so với cùng một khoảng thời gian 6 ngày đầu như thế sau trận động đất Haiti, người Mỹ đã quyên góp được 210 triệu đô la.

Một số người cho là vì nước Nhật giàu có và là một cường quốc kinh tế trên thế giới nên việc quyên góp cứu trợ cho nước này tương đối chậm hơn. Một du khách đến thủ đô Washington đồng tình:

"Tôi không nghĩ đến chuyện này mấy vì tôi coi như chính phủ Nhật cũng mạnh như chính phủ Hoa Kỳ."

Ông Daniel Borchoff, Chủ tịch Viện Từ Thiện Mỹ, nói rằng thực sự Nhật Bản có nguồn lực để đối phó với thiên tai, nhưng những đóng góp từ thiện cũng rất quan trọng để giúp cho các nạn nhân trở lại với đời sống bình thường và tự túc được trong tương lai. Ông nói:

"Nhật là quốc gia phát triển rất cao với lợi tức bình quân ngang với Hoa Kỳ, và họ chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong việc đối phó với thiên tai, nhưng trợ giúp hơi chậm một phần cũng vì người ta chưa rõ nhu cầu trung hạn và dài hạn của các nạn nhân như thế nào."

Và những người sống sót sau thiên tai cho biết họ thiếu thốn đủ mọi thứ.

Người đàn ông Nhật 73 tuổi này cho biết mọi người thiếu nước uống, rau và vitamin C, và vấn đề nhà vệ sinh là một chuyện rắc rối nghiêm trọng.

Cô Mari Kuraishi hiểu rõ những nhu cầu cấp thiết đó vì cô có gia đình ở Nhật. Cô là đồng sáng lập viên của GlobalGiving Foundation, một tổ chức trên mạng quyên góp và phân phối tiền tặng giữ thẳng cho những dự án phát triển khắp thế giới.

Cô đã dẫn đầu những nỗ lực gây được hơn 1 triệu đô la kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng Ba. Cô cho biết:

"Nước Nhật giàu, tổ chức giỏi, lại có nhiều nguồn lực, thế mà vẫn có thật nhiều người đáp ứng. Đối với tôi, đây thật là điều tuyệt diệu."

Người đứng đầu tổ chức Liên Hiệp Công Dân Mỹ gốc Nhật, ông Floyd Mori cho biết tổ chức của ông bắt đầu trợ giúp cho các nỗ lực cứu trợ:

"Từ tất cả mọi góc độ, chúng tôi thấy mọi người đều muốn giúp đỡ. Một số là những người tặng tiền mặt trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ."

Không chỉ có các cơ quan từ thiện, nhiều công ty điện thoại, viễn thông của Mỹ như Verizon, AT&T, Sprint cũng đang góp phần trợ giúp bằng cách đề nghị cho gọi điện thoại miễn phí từ Mỹ sang Nhật trong nhiều tuần lễ. Trên trang Facebook, mọi người từ khắp nơi trên thế giới sử dụng mạng xã hội này đề nghị mở cửa đón nhận những người Nhật nào cần nơi tạm cư.

Và thưa quí vị, ông Đỗ Thông Minh, một nhà nghiên cứu đã sống rất lâu ở Nhật, cho biết thêm về những cứu trợ của Hoa Kỳ:

"Chúng tôi được biết là không quân Hoa Kỳ đã chở khoảng 6 tấn thuốc gồm khoảng 80 loại thuốc khẩn cấp tới, đồng thời các cơ quan thiện nguyện khác đang quyên tiền cũng như mới đang bắt đầu gửi người đến giúp thôi."

Ông Đỗ Thông Minh cho biết là người Việt ở nước ngoài cũng bắt đầu tham gia vào công cuộc quyên góp cứu trợ nạn nhân thiên tai ở Nhật:

"Chúng tôi được biết Hội Đồng Liên Tôn ở Houston, hội Người Việt tại Nhật, Hội cựu du học sinh Việt tại Nhật cũng như ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng người Việt tại San Jose, ở Orange County. Rồi ở Pháp cũng có những buổi lễ cầu nguyện hoặc những cuộc lạc quyên. Cộng đồng người Việt ngay tại Nhật cũng có những cuộc lạc quyên và cũng có những người đã đến tận nơi để làm công tác cứu trợ."

Là người sinh sống tại Nhật và có mặt tại Tokyo vào giờ phút này, ông Đỗ Thông Minh cho biết thêm về những câu chuyện liên quan đến tư cách và tinh thần kỷ luật cao độ của dân chúng tại đây:

"Mọi người cũng thấy là người Nhật rất nghiêm chỉnh xếp hàng chờ đợi, từ chuyện thực phẩm cho tới mua xăng, chữa bệnh, xin thuốc cho tới chuyện xếp hàng giữ chỗ để đến nơi tỵ nạn tốt hơn v..v.. Tất cả đều nghiêm chỉnh xếp hàng, kể cả vấn đề cúp điện thì cả Tokyo và 8 tỉnh lân cận người ta đều xếp hàng chờ xe điện. Quí vị thử tưởng tượng, bình thường đi từ ngoài vào ga xong lên xe điện mất chừng vài phút thôi. Bây giờ đến giờ cao điểm, buổi tối về chẳng hạn, có khi phải chờ một tiếng, hai tiếng đồng hồ, nhưng mọi người đều chấp hành, hầu như không có cãi vã, không chen lấn. Đặc biệt nhất là một lá thư của anh Hà Minh Thành, một người Việt làm cho cảnh sát Nhật. Cách đây mấy ngày anh có đi cùng với một phóng viên Trung Quốc. Trong lúc đi làm phóng sự như vậy, anh và phóng viên này thấy là tiền giấy, tiền 10 ngàn yen của Nhật tung tóe ở một khu nhà đổ nát. Anh ước lượng là số tiền có thể lên tới vài chục triệu yen, tương đương với vài trăm ngàn đô la, mà không thấy ai nhặt. Chính anh phóng viên Trung Quốc phải nói rằng 50 năm nữa có thể Trung Quốc trở thành quốc gia số một trên thế giới về kinh tế nhưng không bao giờ trở thành một cường quốc đúng nghĩa, bởi vì không bao giờ người dân Trung Quốc có được cái tinh thần như vậy của người Nhật vào ngày hôm nay."

Ngoài tinh thần tự trọng, tư cách và kỷ luật, lòng can đảm của người dân Nhật cũng đáng để cho thế giới khâm phục. Mời quí vị nghe tiếp câu chuyện với nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh:

"Có 50 người được gọi là cảm tử trong đội quyết tử tham gia công tác xịt nước vào lò hạt nhân bị hư hại, họ chấp nhận độ phóng xạ cao, có thể rất nguy hiểm nhưng họ đã cố gắng làm trong suốt bao nhiêu ngày qua và vẫn tiếp tục. Họ được báo chí Anh, Mỹ, kể cả Trung Quốc coi như là những Samurai của thời đại, không những cứu nước Nhật mà có thể cứu cả thế giới bởi vì họ đang giúp giải quyết mối lo của nhân loại. Như chúng ta thấy bờ tây Hoa Kỳ cũng đang nhốn nháo. Việt Nam, Trung Quốc, các nước chung quanh đều nhốn nháo lo sợ phóng xạ nguyên tử. Đó là công việc của những người này. Họ từ giã gia đình, vợ con và chấp nhận có thể phải hy sinh mạng sống."

Thưa quí vị với một tinh thần như thế, chúng ta có thể gần như đoan chắc được là những phẩm vật và tiền bạc cứu trợ sẽ thực sự đến tay những nạn nhân cần đến nhất mà không bị suy suyển vì tham nhũng.

Bạn có thể giúp đỡ ra sao

Nhiều cơ quan cứu trợ đang gây quỹ giúp đỡ nạn nhân trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Dưới đây là một số cách giúp đỡ.

Các cơ quan cứu trợ đang gây quỹ

Các cách giúp đỡ khác

VOA Express

XS
SM
MD
LG