Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên viếng thăm Nhật Bản kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần tại nước này hôm 11 tháng Ba. Tại một cuộc họp báo tiếp theo sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, ông Sarkozy cảnh báo rằng những gì xảy ra tại Nhà Máy Điện Hạt Nhân Fukushima có thể gây hậu quả cho toàn thế giới.
Ông Sarkozy nói rằng, cần phải sửa chữa lại tình trạng khác biệt giữa các nước trong lãnh vực bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân vì không có một tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề này. Ông Sarkozy cho biết, với sự hợp tác của Thủ tướng Nhật Bản, ông dự tính tổ chức một hội nghị giới chức hạt nhân những nước trong nhóm G20 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân do Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế tổ chức trong tháng Sáu. Ông nói rằng, việc này sẽ bảo đảm là đưa ra được những tiêu chuẩn quốc tế về an toàn hạt nhân trong năm nay.
Thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan, đã cám ơn Pháp về sự giúp đỡ của họ, nhưng nói rằng, ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là ngăn chặn cho cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima không trở nên tệ hại hơn.
Ông Kan nói rằng, một khi tình hình đã được chế ngự tới một mức độ nào đó thì chính phủ Nhật sẽ phải phân tích xem lý do tại sao tai nạn này đã ngày càng lớn hơn. Ông Kan nói, qua việc nghiên cứu này, Nhật Bản sẽ phải xem xét biện pháp nào có thể thực hiện để ngăn ngừa những tai họa như vậy tái diễn và việc này phải được quốc tế thoả thuận. Sẽ có thêm 20 chuyên viên kỹ thuật hạt nhân của Pháp tới Nhật Bản để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima.
Pháp là nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối G20 năm nay, và cũng là nước lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều nhất thế giới, có 58 lò phản ứng sản xuất 75% lượng điện tiêu thụ trong nước. Tổng thống Sarkozy nói rằng, những ai yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện Fukushima nên thực tế hơn.
Ông Sarkozy nói rằng mọi người đang làm việc tích cực để giảm bớt khí thải CO2 từ việc sản xuất điện. Nhưng không có nhiều giải pháp để giảm bớt khí thải, đó là lý do tại sao đây không phải là vấn đề chọn lựa, mà là vấn đề an toàn hạt nhân, bởi vì không có biện pháp thay thế. Ông nói rằng, những kế hoạch năng lượng thay thế không thể thế chỗ được cho các nhà máy điện hạt nhân, vậy thì những tiêu chuẩn an toàn phải được củng cố.
Các chuyên viên kỹ thuật báo cáo rằng, trong khu vực đại dương kế cận nhà máy điện Fukushima, mức phóng xạ lên cao nhất là khoảng 4 ngàn 385 lần mức giới hạn luật định.
Nhưng cơ quan an toàn hạt nhân của Nhật Bản khẳng định rằng, sự kiện này không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, vì mọi người đã được di tản ra khỏi vùng lân cận và hoạt động đánh cá cũng đã bị cấm trong khu vực này.
Hãng tin Kyodo của Nhật nói rằng, nhà chức trách đã không thể thu nhặt tới 1 ngàn xác người bị nhiễm xạ ở bên trong vùng phải di dản.
Số tử vong được xác nhận trong trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng Ba đã tăng lên tới hơn 11 ngàn 400 người với 16 ngàn 500 người vẫn còn mất tích.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề nghị đưa ra những tiêu chuẩn quốc tế mới về an toàn hạt nhân, và cảnh báo rằng những rò rỉ phóng xạ tại Nhà Máy Điện Hạt Nhân Fukushima của Nhật Bản có thể ảnh hưởng tới toàn thể thế giới. Thông tín viên Henry Ridgwell tường thuật từ Tokyo cho đài VOA rằng, ông Sarkozy kêu gọi giới chức hạt nhân của những quốc gia công nghiệp hóa trong nhóm G20 thảo luận về vấn đề này trong một hội nghị được tổ chức vào tháng Năm năm nay.
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1