Ông Keijiro Matsushima đi dạo vào buổi hoàng hôn dọc theo bờ sông Ota tại Hiroshima-dừng lại ngước nhìn lên vòm bom A là một trong ít những cảnh tượng nhắc nhở đến những kinh hoàng xảy ra tại thành phố này.
Ông Keijira là một học sinh 16 tuổi tại một trường học thuộc Hiroshima khi vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, ông nhớ là nhìn lên trời và thấy hai chiếc máy bay oanh tạc của Mỹ bay trên thành phố.
Ông Matsushima nói: “Tôi chỉ nghĩ, ‘những chiếc máy bay thật đẹp, sáng ngời trong ánh nắng ban mai’. Nhưng ngay sau đó là một tia chớp chói lòa và một làn sóng chấn động và hơi nóng bao phủ tôi.”
Ông Matsushima mô tả những người ông thấy khi ông chạy ra khỏi thành phố.
Ông nói: “Nhiều người bị phỏng nặng từ đầu đến chân. Làn da xám đen màu than bị lột khỏi mặt, cánh tay và cổ của họ.”
Có khoảng 45.000 người chết vào ngày bom nguyên tử nổ tại Hiroshima. Tuy nhiên những tháng, năm và thập niên tiếp theo, con số người chết tiếp tục gia tăng lên đến khoảng 166.000 người.
Ông Matsushima nói tiếp: “Ngay cả những người khỏe mạnh, hầu như không thương tích, không có vết bỏng, trông bình thường-nhưng lại ngả bệnh bất thình lình với một số những triệu chứng lạ lùng. Như sốt cao, hay chảy máu ở nướu răng, hay có nhiều đốm trên thân thể. Và ngay cả bác sĩ cũng không biết phải chữa trị như thế nào. Mọi người chỉ gọi đây là bệnh của bom A thế thôi.”
Trong những thập niên kế tiếp, những chứng bệnh này được công nhận là những hình thức của bệnh do phóng xạ gây ra.
Hiện nay, nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sóng thần làm hư hại, đang phát ra một làn sóng phóng xạ mới tại nhiều nơi ở Nhật Bản. Chính phủ đã di tản tất cả mọi người cư ngụ trong vòng bán kính 20 kilômét chung quanh nhà máy. Tại Tokyo, cách Fukushima 250 kilômét về phía nam, cha mẹ được cảnh báo không cho trẻ em uống nước máy sau khi thấy có độ phóng xạ cao trong nước.
Những người sống sót Hiroshima và Nagasaki, được gọi là ‘hibakusha’ đã trở thành nguồn thông tin chính về hậu quả của việc bị nhiễm phóng xạ. Giáo sư Masaharu Hoshi của trường đại học Hiroshima đã trải qua 3 thập niên nghiên cứu những người sống sót này. Ông nói mối lo ngại lớn nhất hiện nay là mức phóng xạ lên cao bất thình lình tại nhà máy Fukushima.
Giáo sư Hoshi nói với nhà máy Fukushima, một kịch bản là mọi người bị nhiễm xạ dần dần trong một thời gian dài. Đây chưa hẳn là một vấn đề. Tuy nhiên nếu sau đó có một vụ nổ hạt nhân, và mọi người bị nhiễm xạ trong vòng vài ngày. Viễn cảnh này thực sự làm ông sợ hãi.
Giáo sư Hoshi nói ông sợ là có những thông tin bị che dấu không cho dân chúng biết tình hình nghiêm trọng đến như thế nào.
Ông nói chẳng hạn như chính phủ nói mọi người sống ngoài vòng bán kính 30 kilômét quanh nhà máy có thể an toàn ở nhà. Tuy nhiên vẫn có những nơi nguy hiểm ngoài khu vực 30 kilômét. Ông nói ông tin vùng 80 kilômét chung quanh nhà máy theo như khuyến cáo của chính phủ Mỹ là một tính toán tốt hơn nhiều.
Ông Keijiro Matsushima nói người Nhật đã sớm quên những cảnh hãi hùng của bom nguyên tử sau năm 1945.
Ông nói: “Mọi người nghĩ khi năng lượng hạt nhân còn được sử dụng cho mục tiêu hòa bình thì ổn thỏa. Tuy nhiên lẽ ra chúng ta nên học bài học về sự tàn khốc của năng lượng hạt nhân từ những kinh nghiệm của Hiroshima và Nagasaki.”
Tuy nhiên ông Matsushima nói mối đe dọa từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhắc nhở Nhật Bản về những gì đã xảy ra trước đây và cả nước Nhật hiện lo ngại về những gì có thể xảy ra kế tiếp.
Ông Matsushima nói: “Tôi sợ từ rày về sau chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi phải cố gắng làm hết sức để phục hồi và đứng lên. Vâng chúng tôi có thể làm được.”
Chính trong tinh thần đó mà những người lính cứu hỏa và những kỹ sư đang chiến đấu để ngăn ngừa tai họa tại Fukushima được mọi người coi là những anh hùng. Nhật Bản biết rất rõ hậu quả sẽ như thế nào nếu họ thất bại.