Tin về nhà máy điện hạt nhân của Nhật bị hư hại khiến phóng xạ lan tràn và các nhân viên tại nhà máy này cho tháo 11 ngàn tấn nước đầy phóng xạ ra biển làm cho cả thế giới lo ngại. Dân chúng ở những quốc gia kế cận, trước nhất là Nam Triều Tiên, đã sợ hãi đến nỗi không dám mua cá ăn khiến khu chợ cá ế ẩm, buồn thiu.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, tuy cách xa nước Nhật cả một đại dương bao la, dân chúng Mỹ cũng xôn xao lo ngại. Nhiều người đổ xô đi mua Potassium Iodide, một thứ được coi là có tác dụng ngăn ngừa phóng xạ gây ung thư tuyến giáp, nhất là cho trẻ nhỏ dễ gặp nguy cơ nếu bị nhiễm xạ.
Hôm thứ Ba 5 tháng Tư, các giới chức y tế công cộng của Hoa Kỳ đã trấn an giới tiêu thụ về mức độ an toàn thực phẩm tại Hoa Kỳ, trong đó có cả hải sản, giữa lúc có tin nói rằng người ta đã bắt được cá nhiễm phóng xạ ở mức độ cao trong vùng biển cách xa nhà máy điện hạt nhân bị hư hại của Nhật đến gần 80 kilomét.
Theo cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm, cơ quan Bảo Vệ Môi Trường và Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh của Hoa Kỳ xác nhận rằng chưa hề có cá bị nhiễm phóng xạ xuất hiện tại Hoa Kỳ. Các cơ quan này bày tỏ tin tưởng rằng hệ thống theo dõi mức phóng xạ của Hoa Kỳ sẽ khám phá ngay được dù chỉ một con cá bị nhiễm xạ đến mức đủ để gây nguy cơ cho sức khỏe con người.
Giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh của Hoa Kỳ tại Atlanta, ông Thomas Frieden, cho biết ông dự kiến là sẽ tiếp tục phát hiện những dấu vết của phóng xạ trong nước, không khí và thực phẩm tại Hoa Kỳ trong những ngày tới, nhưng ở "mức độ rất thấp không gây ra quan ngại cho sức khỏe công chúng."
Cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm FDA của Hoa Kỳ vẫn theo dõi những sản phẩm nhập khẩu từ Nhật đã cho biết sẽ có những hạn chế thêm về việc nhập khẩu sau khi chính quyền Nhật lượng định lại các chính sách của họ. Những hạn chế đối với việc tiêu thụ các sản phẩm tại nội địa Nhật có thể được mở rộng để bao gồm thêm nhiều thị trấn nữa, và Hoa Kỳ cũng sẽ thay đổi để mở rộng thêm những hạn chế về nhập khẩu từ Nhật.
Mặc dù đã có những lời bảo đảm như vậy từ các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ, dân chúng Mỹ vẫn rất lo sợ.
Ông Eric Ripert, đầu bếp chính tại nhà hàng ăn bán hải sản cao cấp tại quận Manhattan, thành phố New York, cho biết cách nay mấy ngày ông đã mua một dụng cụ dò phóng xạ để dùng trong việc bếp núc. Ông cho biết ông muốn bảo đảm là những gì mà mọi người ăn phải được an toàn. Ông cho biết nhân viên của ông dùng dụng cụ này để lọc tất cả mọi loại thực phẩm được đem vào nhà hàng nấu cho khách, bất kể nguồn gốc từ đâu. Ông cũng đã ngưng không mua hải sản nhập khẩu từ Nhật. Ông nói rằng không ai biết là các dòng nước bị nhiễm xạ sẽ trôi tới đâu, nên kiểm soát như vậy cho chắc.
Tại Hoa Kỳ có 4% thực phẩm nhập khẩu đến từ Nhật. FDA đã hạn chế một số nhập khẩu. Cơ quan này cũng đang làm việc với các giới chức hải quan để kiểm soát cá và các loại thực phẩm khác đến từ Nhật để tìm xem có bị nhiễm phóng xạ hay không.
Phát ngôn viên của FDA, bà Siobhan, cho biết cho tới nay, việc sàng lọc đó đã nhận diện được 7 mặt hàng cần phải xét nghiệm thêm, để xem phóng xạ phát hiện được có vượt quá mức bình thường hay không. Trong số này có trà và các chất tạo mùi vị. Bà cho biết 3 trong số những mặt hàng này đã được thông qua để đưa ra thị trường, và 4 mặt hàng khác còn đang đợi kết quả thử nghiệm.
Giáo sư Nicholas Fisher dạy về ngành khoa học hải dương tại đại học Stony Brook nói rằng theo hướng dẫn về an toàn phóng xạ, mỗi năm một người có thể tiêu thụ khoảng 15 ký lô cá nhiễm chất phóng xạ cesium 137 phát hiện trong cá ở Nhật mà vẫn không có vấn đề gì về sức khỏe.
Ông Lee Nakamura, một đối tác tại sạp cá trong siêu thị Tokyo Fish Market ở Berkeley, bang California, ước tính rằng cứ mỗi 5 khách hàng đến sạp mua hải sản lại có một người hỏi về vấn đề cá có thể nhiễm phóng xạ, nhưng ông chưa thấy chuyện này có ảnh hưởng gì đến việc buôn bán của ông. Ông cho biết hiện nay thì mọi người rất cẩn thận, dè dặt trong vấn đề thực phẩm, nhất là hải sản, bị nhiễm phóng xạ, cả ở Nhật lẫn ở Hoa Kỳ, nên các sản phẩm đều được xét nghiệm thật kỹ trước khi được đem bán cho khách.
Vì thế mà ông Scott Rosenberg, chủ nhân nhà hàng Sushi Yasuda, một tiệm ăn cao cấp bán sushi ở quận Manhattan, thành phố New York, cho biết ông dự tính sẽ mua một dụng cụ để phát hiện phóng xạ và sẽ cho lên trang web để cho khách hàng biết về chuyện thử nghiệm trước khi dọn món ăn cho khách. Ông muốn bảo đảm với khách rằng thức ăn của nhà hàng không bị nhiễm phóng xạ.
Những lãnh vực khác trong ngành công nghệ thực phẩm cũng đang vất vả tìm cách làm sao đối phó với mối lo ngại của dân chúng về thực phẩm nhiễm xạ một dấu vết rất nhỏ của phóng xạ phát xuất từ Nhật được các dụng cụ tinh vi phát hiện trong nước và không khí ở nhiều bang. Tại các bang Washington và Arizona một dấu vết rất nhỏ của phóng xạ được phát hiện trong sữa khiến những nông gia nuôi bò lo ngại.
Tất cả những dấu vết của phóng xạ được phát hiện tại Mỹ quá nhỏ, thấp xa dưới mức được coi là nguy hiểm, nhưng các công ty sản xuất thực phẩm hiểu rất rõ rằng giới tiêu thụ cần được trấn an.
Phó chủ tịch về an toàn thực phẩm của công ty Earthbound Farm, một công ty lớn chuyên cung cấp các loại rau để trộn xà lách cho thị trường theo phương pháp trồng trọt tự nhiên, dùng phân chuồng, cho biết công ty đang chuẩn bị thử nghiệm đất và rau để xem có dấu vết của phóng xạ hay không.
Chuyên gia tham vấn về an toàn thực phẩm Cliff Coles cho công ty Earthbound Farm và nhiều công ty sản xuất thực phẩm khác cũng như các công ty nhập khẩu thực phẩm, cho biết ông đã đặt mua hai dụng cụ phát hiện phóng xạ và dự tính mang theo khi dến các ruộng rau, cà chua và ớt ngọt sẽ được trồng trong mùa xuân này. Ông cho biết cũng sẽ làm việc với các nông gia để bảo đảm rằng phân bón chế từ cá mà họ dùng để bón ruộng sẽ phải được thử nghiệm xem có bị nhiễm xạ hay không.
Và sự lo ngại nhiều về phóng xạ lại giúp đưa tới việc tiêu thụ mạnh một sản phẩm thường được nhập khẩu từ Nhật, đó là rong biển. Một số khách tiêu thụ coi rong biển là một nguồn thiên nhiên chứa nhiều iodine bình thường, có thể giúp bảo vệ tuyến giáp chống lại chất iodine phóng xạ.
Cửa hàng thực phẩm Central Co-op tại thành phố Seattle, bang Washington cho biết số bán của nhiều loại rong biển đã tăng vọt đến nỗi những đại lý cung cấp hàng cho các cửa tiệm bắt đầu phải chia theo định số vì họ không thể bắt kịp với mức cầu.
Tuy nhiên các khoa học gia đang lưu ý mọi người nên thận trọng, không nên ăn quá nhiều rong biển, và cho biết lượng phóng xạ từ Nhật lan tới Mỹ quá nhỏ không đáng lo ngại. Cũng theo các khoa học gia, một số người sẽ gặp rắc rối về sức khỏe nếu như họ tiêu thụ quá nhiều rong biển.
Thêm vào đó, các khoa học gia nói rằng iodine phóng xạ có thể sẽ tích tụ ở mức độ cao trong rong biển khi mà ngày càng có nhiều nước nhiễm xạ từ các lò phản ứng hạt nhân của Nhật thải ra biển. Lúc đó người ta sẽ lo ngại về những loại rong biển mới nhập khẩu từ nước này.
Tai họa tại nhà máy điện hạt nhân của Nhật đã gây nên nỗi lo sợ cho toàn thế giới về ô nhiễm phóng xạ từ không khí, đất, đến nguồn nước, thực phẩm trong đó có nông phẩm và hải sản. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ đề cập đến nỗi lo của dân chúng Mỹ đối với vấn đề này mặc dù Hoa Kỳ cách xa Nhật cả một đại dương hàng ngàn kilomét.