Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn ở tiểu bang Nevada là chuyên viên về nguyên tử tạo điện, tốt nghiệp từ trường MIT của Mỹ. Ông đã từng làm việc với các nhà máy điện hạt nhân giống như nhà máy Fukushima của Nhật. Theo ông tai nạn tại nhà máy Fukushima quá bất ngờ:
“90 hay 95% là có dự báo trước, nhưng có 5% là cái không thể ngờ được, nên mới có những biến chuyển ghê gớm như vậy.”
Theo ông, nhà máy lấy nhiệt từ nguyên tử ra bằng nước đun sôi, giống như nhà máy Fukushima, đã được thiết kế kỹ càng:
“Các thanh nhiên liệu được bảo vệ bằng ba bốn lớp an toàn khác nhau, lớp vỏ đầu làm bằng chất zirconium, sau đó lại có một lớp sắt không rỉ có bề dày 5 centimet và nặng từ 500 đến 1.000 tấn, sau đó lại có một dry well (giếng khô) tức là một cái nhà bằng xi măng cốt sắt dày một thước hai thước.
Khi nhìn vào ảnh của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ta thấy ở dưới chân có một cái vòng tròn, giống như bánh donut, thì cái đó gọi là wet well (giếng ướt) trong đó người ta chứa nước.
Khi nào nhà máy bị bể, hay bình bị bể thì nước đun sôi có nhiều chất phóng xạ sẽ chui xuống dưới wet well, làm cho áp suất giảm đi. Khi áp suất giảm đi thì sẽ không có chuyện rò rỉ ra bên ngoài.
Tôi đã từng chui vào trong các wet well đó trong thời gian xây dựng nhà máy.
Bên ngoài wet well lại còn một cái nhà phụ (secondary building), đứng ngoài ta có thể nhìn thấy, giúp che mưa nắng, và giữ lại các chất phóng xạ bình thường, bởi vì khi làm việc thì luôn luôn phát ra chút xíu phóng xạ, thành ra nó được giữ ở trong cái nhà đó. Nhà này được giữ một áp suất thấp; tức là chỉ có không khí bên ngoài chui vào được, nhưng không khí bên trong không chui ra ngoài được.
Tuy nhiên, đó là trường hợp bình thường, khi có tai nạn lại là một chuyện khác. Khi có tai nạn thì nhà phụ này có thể sập, bay đi và nếu có chất rò rỉ ra bên ngoài thì chất này có thể ra thẳng ngoài không khí. Nhưng phần chính giữ cho phóng xạ khỏi ra ngoài là giếng khô, chứ không phải nhà đó.”
Khi thiết kế như vậy, người ta chỉ sợ những ống dẫn nước, mà đường bán kính có thể tới một mét, bị lung lay và vỡ ra. Khi vỡ ra thì tâm lò gặp nguy hiểm, các thanh nhiên liệu có thể không có nước làm lạnh, và nóng lên một cách nhanh chóng, trong vòng nửa tiếng, có thể từ lên từ 600 lên đến 3.000 độ F (1.500 độ C). Nếu vẫn chưa có nước, thì có thể lên 4.900 độ F (2.000 độ C). Ở nhiệt độ đó, ngay cả uranium cũng nóng chảy.
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn nói rằng, nhà máy này chỉ chịu được trận động đất khoảng 8,2 độ Ritchter, khi gặp gần 9 độ như đã thấy thì quá mạnh.
Nhưng động đất quá mạnh đó vẫn chưa làm hỏng bất cứ phần nào cách thiết kế của các ống nước và các lớp bảo vệ an toàn. Điều nguy hiểm nhất mà người ta không lường trước được là hệ thống máy bơm nước:
“Người ta có hai loại máy, máy bơm nước ở áp suất cao để phun thẳng vào tâm lò; và loại áp suất thấp, giống như áp suất trong hồ bơi của mình. Họ không ngờ rằng các nguồn điện để chạy máy bơm không hoạt động.
Có 3 nguồn điện, một là từ bên ngoài dẫn vào từ các nhà máy điện ở xa dẫn vào, hai là các máy diesel, và ba là bộ pin gồm mấy trăm cái pin thật lớn, có chứa điện dẫn, để có thể làm việc được cho các máy móc nhỏ hơn.
Họ không thể ngờ các máy đó, vì có sóng thần nên không thể hoạt động được.
Nhưng tôi cũng nghĩ rằng cái đó không đúng đâu, bởi vì thường thường các máy móc của họ nằm trong nhà kín và ở độ cao, thì sóng thần có tràn vào cũng chưa có thể làm hỏng được các máy đó.
Tôi nghĩ các máy đó không hoạt động được, vì các ống dẫn nước lên không có. Lấy ví dụ một máy bơm lấy nước ở hồ bơi lên để chữa nhà cháy mà hồ bơi cạn thì anh không có nước để bơm lên. Tôi nghi ngờ có hiện tượng đó, hay sóng thần đã làm hư hại tất cả hệ thống cung cấp nước.”
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn nói rằng muốn tránh tai nạn thì phải cố gắng bơm thật nhiều nước vào chỗ cần nước. Nhưng khổ một nỗi là chỗ cần nước lại che rất kín.
Ông cũng không rõ người Nhật tìm được cách nào nối ống nước để có thể bơm vào tâm lò, mặc dù nước biển vào sẽ làm hỏng hết lò, nhưng trong trường hợp nguy hiểm này phải chấp nhận thôi.
Ông tin rằng các chuyên viên của Nhật có đủ kỹ năng để giải quyết tai nạn này:
“Nhật Bản là nước rất văn minh, các kỹ sư được đào tạo rất bài bản, họ lại có một tinh thần khoa học kỹ thuật rất cao.”
Khi được hỏi liệu chất phóng xạ ở Nhật có thể bay đến Mỹ hoặc các nước châu Á hay không, ông cho biết:
“Trên nguyên tắc thì có nhưng rủi ro đó không đáng kể. Vấn đề phát tán các chất trong không khí là chuyện bình thường. Từ Nhật Bản qua Mỹ là một vòng địa cầu. Ngày xưa người ta thử bom nguyên tử trên mặt đất mà bụi phóng xạ của nó còn chưa giết được ai, huống chi vụ này chỉ có tính cách địa phương và chỉ ảnh hưởng trong vòng hai ba chục cây số mà thôi.”
Các sự kiện dẫn tới vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima