Tình hình Libya đang ở thời kỳ kết thúc. Kết thúc cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân lật đổ ách độc tài tham nhũng kéo dài 42 năm. Mở ra thời kỳ nước Libya dân chủ đa nguyên, như dự thảo Hiến pháp mới được Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp CNT công bố tại thủ đô Tripoli.
Đầu tháng 8-2011, nhà độc tài Moammar Gadhafi còn lên màn vô tuyến hô hào toàn dân cầm súng quét sạch "bọn chuột bẩn thỉu"– là quần chúng nổi dậy – đầu tháng 9 này, chính Gadhafi cho vợ con xin tỵ nạn ở Algerie, còn bản thân và phe cánh thì dấu kín tung tích, biết rằng đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố và truy nã ráo riết.
Các nhà báo Pháp, Anh, Đức, Nhật, Hoa Kỳ có mặt tại Tripoli tự do 1 tuần nay đều tỏ ra bất ngờ một cách hào hứng. Trước đây họ lo ngại rằng tình hình chiến sự ở Tripoli sẽ kéo dài, một cuộc trả thù đẫm máu giữa các phe phái thân và chống Gadhafi sẽ diễn ra trong hỗn loạn, vì lẽ ý thức quốc gia, đoàn kết dân tộc còn yếu, ý thức thượng tôn luật pháp lại càng thiếu, các cơ chế nhà nước còn rất sơ khai, không có hiến pháp, không có quốc hội, không có tổ chức quần chúng, xã hội công dân là con số không, tinh thần bộ tộc còn rất nặng.
Ấy vậy mà những điều bất ngờ kỳ diệu đã xảy ra. Chính chế độ độc đoán bất nhân tàn bạo của Gadhafi đã góp phần thức tỉnh cả một dân tộc, nhen nhóm lòng yêu nước, trau dồi khái niệm quốc gia và xã hội. Các cuộc phỏng vấn của báo Pháp, Đức như Le Monde, Der Spiergel…với một số trí thức, sinh viên ở Tripoli cho thấy một cục diện mới rất đáng mừng. Không có cảnh cướp phá các cửa hàng. Thanh niên các khu phố tự đảm nhiện trật tự an ninh từng khu phố. Các chợ từ nhỏ đến lớn lần lượt mở. Viên chức công sở chuyên môn cũ tiếp tục làm việc và nhận lương. Cuộc sống mới đang hồi phục.
Cuộc họp của 60 nước “Bạn của nước Libya mới” ở Paris đầu tháng 9 này là một cú hích quan trọng cho sự nghiệp hồi sinh. Các nước phương Tây cam kết giúp tiếp về quân sự - tuy không đưa bộ binh chiến đấu vào – cho đến khi bắt được Gadhafi.
Các nước quyết định tháo khoán ngay gần 10 tỷ đôla vốn là tài sản của Libya cho Hội đồng CNT chi dùng cho việc khôi phục đất nước. Số tiền các nước cam kết viện trợ khẩn cấp còn cao hơn, khoảng 15 tỷ đôla. Với số dân chỉ hơn 6 triệu, các số tiền này là rất có giá trị. Chương trình làm việc của chính quyền mới tập trung vào việc giữ gìn trật tự xã hội, đoàn kết dân tộc, khôi phục hệ thống điện, nước, giao thông, các bệnh viện, trường học. Hàng loạt trí thức, giáo sư, bác sỹ, sinh viên Libya từ Pháp, Anh, Ý, Hoa Kỳ về nước cùng với hơn chục ngàn trí thức dân chủ ở tù trở về đang là nòng cốt quý của chính quyền mới.
Trong 8 tháng nữa sẽ có bầu cử đa nguyên có quan sát quốc tế để bầu ra một quốc hội mới. Giữa niềm vui chung của thế giới, của châu Phi và thế giới Ả Rập.
Mối quan hệ giữa các nước với nước Libya mới - nước Libya hậu Gadhafi - sẽ tùy thuộc ở thái độ chính trị của từng nước đối với cuộc thức tỉnh lịch sử của nhân dân Libya vừa qua. Các nước liên minh ủng hộ mùa Xuân Bắc Phi không những dẫn đầu trong yểm trợ cuộc chiến đấu vừa qua còn đang dẫn đầu trong viện trợ nhân đạo, viện trợ kinh tế, viện trợ tái thiết đất nước trên quy mô lớn. Đó là những nước Pháp, Anh, Ý, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Hoa Kỳ. Tất nhiên, ân đền oán trả, để đáp lại, nước Libya sẽ dành cho các nước này những phần quan hệ thuận lợi hậu hỹ nhất.
Còn Việt Nam? mối quan hệ Việt Nam-Libya ra sao? Không có quan hệ giữa nhân dân 2 nước, giữa các ngành, các giới. Hội hữu nghị Việt Nam – Libya là hội duy nhất, nhưng chỉ riêng giữa các quan chức cầm quyền. Libya là nơi Việt Nam xuất khẩu lao động xa xôi nhưng dễ dãi. So với Malaysia, Đài Loan, Trung Đông, lao động Việt Nam được đối xử khá tốt, ăn ở tươm tất, lương trả đúng hạn, vì Libya ít dân, giàu tài nguyên, nhiều dự trữ ngoại tệ. Nhưng điều tệ hại là thái độ của chính quyền Việt Nam cứng đờ, kiểu giáo điều, cứ phải theo chân Bắc Kinh, lại còn khinh thường miệt thị lực lượng nổi dậy, nên đang có nhiều trắc trở.
Sáu tháng nay, báo chí lề trái, các blogger tư do ở trong nước tỏ cảm tình với quần chúng yêu nước xuống đường ở Libya bao nhiêu thì báo chí lề phải, đài phát thanh, Thông tấn xã VN luôn tỏ ra dè dặt, còn có lúc tỏ ra mặn mà với nhóm độc tài, theo quán tính cũ.
Điều rất dại dột là ngay sau khi khối Bắc Đại Tây Dương NATO cùng Hoa Kỳ thực hiện nghị quyết 1973 của Liên Hợp Quốc, khóa chặt bầu trời Libya, trừng phạt máy bay, xe tăng, trạm thông tin, sở chỉ huy của Gadhafi, thì viên đại sứ Việt Nam ở Tripoli là Đào Duy Tiến trong tháng 7 và tháng 8, vẫn 3 lần phát biểu trên mạng internet của Sứ quán ở Tripoli theo xu hướng ủng hộ cuộc chiến đấu của chính phủ để phục hồi an ninh trật tự. Ngay sau đó báo Quân đội Nhân dân nhanh nhẩu đăng tin quân chính phủ chiếm lại Misrata, và còn đưa lời của Gadhafi kêu gào “toàn dân chống quân phiến loạn”.
Tất cả những chi tiết trên được báo phương Tây kể lại, cũng được cơ quan ngoại giao của Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp ghi nhận. Điều dại dột hơn nữa là bộ ngoại giao Hà Nội còn lưu ý phía chính quyền mới là ngày 27/ 8 trụ sở đại sứ quán Việt Nam ở Tripoli bị “cướp phá”. Các nhà báo Pháp, Anh bật cười. Anh đứng về phía bọn tội phạm, bọn sát nhân, chống lại người yêu nước thì ai còn có nghĩa vụ bảo vệ anh? Còn kêu la nỗi gì! Đến nay, Hà Nội đã chính thức công nhận chính quyền mới ở Libya chưa? và coi lực lượng nổi dậy là chính đáng, chính nghĩa hay chưa? Tại cuộc họp tại Paris mới đây, để ngỏ cho mọi nước có thiện chí với nước Libya mới đến tham dự, có 60 nước tham dự, Việt Nam vẫn im thin thít. Một sự chậm trễ dại dột, một sự bất động như kẻ còn mơ ngủ. Lý do là Bắc Kinh vẫn trù trừ, viễn cớ tình hình chưa chín (!).
Những người cầm quyền trong nước có biết rõ hay không là mấy năm qua Việt Nam đã phải nhập mỗi năm một số lớn dầu từ Libya, chiếm đến hơn 1/ 3 số dầu nhập khẩu, với giá khá hữu nghị; hầu hết số dầu ấy được vận chuyển qua trung gian của các công ty hàng hải Trung Quốc. Từ nay việc mua bán này sẽ không thể như xưa. Vì cả Bắc Kinh và Hà Nội đều vẫn lạnh nhạt với chế độ mới, lưu lại những tỳ vết không đẹp khó quên, lại ở giữa thời điểm của những thử thách hiểm nghèo.
Nước Libya mới đang hồi sinh khá nhanh, là nét khỏe và đẹp của cuộc Cách Mạng mới bên bờ Địa Trung Hải. Nhà bình luận nổi tiếng Bernard Henry Levy tửng đi Tunisia, Ai Cập và Libya 6 lần trong 8 tháng nay vừa viết bài phóng sự chỉ rõ tình hình Libya chuyển mình là không thể đảo ngược; một sự chuyển mình mang tính thời đại, khi cả thế giới tiến bộ nhận trách nhiệm hành động tiếp sức cho nhân dân một nước khao khát tự do, theo phương châm "quyền can thiệp” và “nghĩa vụ can thiệp” (droit d’ingérence et devoir d’ingérence) - một phương châm có gốc nhân bản, nói lên mối quan hệ chí cốt giữa người và người trên toàn địa cầu. Phương châm nhân bản này đang được phổ cập sẽ làm thay đổi tận gốc thế giới hiện đại khởi đầu từ mùa Xuân này. Từ nay mọi chế độ độc đoán đều chỉ là hổ giấy.
Những nhà nghiên cứu lý luận, nghiên cứu chính sách của các học viện, các viện khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các viện quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, văn hóa ở trong nước hãy nghiên cứu nghiêm chỉnh tình hình Libya, cuộc thức tỉnh mùa Xuân của thế giới Ả Rập để hiểu rõ tình hình, điều chỉnh các chính sách cho thích hợp, không thể cứ theo những giáo điều sáo mòn, những chính sách lỗi thời, chỉ dẫn đến thua thiệt bẽ bàng cho đất nước.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.