Ai nấy đều biết rõ một sự thật hàng chục năm nay là nạn tham nhũng ở khắp nước ta ngày càng phát triển không có cách gì ngăn chặn được. Đến chủ tịch nước mới cũng phải than: Cả một bầy sâu tham nhũng!
Đã có nhiều nghị quyết chống tham nhũng, có cả Luật phòng chống tham nhũng, có cả Ủy ban phòng chống tham nhũng từ trung ương xuống các cấp, nhưng con quái vật tham nhũng vẫn lớn nhanh, hoành hành, thò vòi tội ác ra khắp nơi, khiêu khích toàn xã hội. Có nhà kinh tế tính rằng con quái vật này mỗi năm ngốn đến trên dưới 20 % tài sản quốc gia, khoét sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội, làm trầm trọng thêm sự bất công kinh hoàng, kẻ bất tài vô đạo giàu sụ một cách láo xược trên lưng gầy còm của người lao động lương thiện, trên cảnh nheo nhóc của trẻ em nghèo kiệt sữa, của các bà mẹ đi bới rác để nuôi con.
Người ta đã gọi nạn tham nhũng như là kẻ thù nội xâm tàn bạo nhất, đã tuyên chiến với nó như tuyên chiến với kẻ thù dân tộc, đã cam kết với xã hội là sẽ thẳng tay trừng trị mọi kẻ tội phạm, không trừ một ai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Chính người đứng đầu chính phủ hiện tại, khi vừa vào nhiệm kỳ thứ hai làm thủ tướng đã cam kết với Quốc hội, với toàn dân cách đây hơn 5 năm là ông và chính phủ của ông sẽ phòng chống tham nhũng “một cách quyết liệt, thật quyết liệt”. Ông còn giải thích «quyết liệt» nghĩa là không nhân nhượng với kẻ thù nội xâm này, là coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, ở hàng đầu của chính phủ. Ông còn kêu gọi toàn dân, toàn đảng giúp chính phủ phát hiện, tố cáo, tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh quyết liệt này.
Trên thực tế 5 năm nay, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn ỳ ạch, trầy trật, có thể nói là đủng đỉnh, không hề «quyết liệt» chút nào. Vụ bê bối Vinashin là một kỷ lục về lãng phí và tham nhũng. Vụ xây dựng khu công nghiệp Dung Quất là một vụ phá của vô tội vạ nữa với quy mô kỷ lục. Vụ PMU 18 khởi tố từ tháng 1-2006 trải qua hơn 6 năm, qua 2 kỳ đại hội đảng vẫn còn lây bây chưa biết bao giờ kết thúc, chỉ vì dính líu đến Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Việt Tiến, người đỡ đầu cho vợ chồng Đặng Hoàng Hải là con gái và con rể của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, được các mạng Blog tự do gọi là “công chúa và phò mã cộng sản”.
Gần đây, báo Mỹ, Úc, Nhật Bản luôn nhắc đến những vụ án tham nhũng ở các nước đó có dính sâu đến các quan chức cộng sản Việt Nam. Vẫn là vụ PMU 18 mở rộng ở Nhật Bản, vụ in tiền Securency ở Úc dính đến viên đại tá công an Lương Ngọc Anh và nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, vụ Lexus Technologies ở Texas, Hoa Kỳ, tất cả đều liên quan đến các công chức cộng sản cao cấp, nhưng tất cả đều bị buông trôi, thả lỏng, trái hản với điều đã ghi trong Luật chống tham nhũng là “khẩn trương hợp tác với các nước để điều tra và xét xử các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài”.
Trong kỳ họp đầu của Quốc hội khóa XIII, 2 vấn đề nóng bỏng nhất trong dư luận cử tri là báo cáo của chính phủ về tình hình Biển Đông và về tình hình chống tham nhũng đều bị coi thường và bỏ qua. Đây là 2 món nợ với cử tri, với công dân, nợ quá nặng, quá lâu, không thể lờ tịt, trì hoãn mãi.
Thật ra, có thể hiểu chữ “quyết liệt” theo một kiểu cách khác, đó là quyết tâm, quyết chí…tê liệt trong tinh thần và hành động chống tham nhũng. Vì ông thủ tướng đã nổi tiếng là con người hiền hậu, không nỡ thi hành kỷ luật một ai dưới quyền mình.
Và cũng theo tinh thần ấy, ông chủ tịch Quốc hội mới cũng đã có câu nói nổi tiếng là “kỷ luật mọi cán bộ phạm pháp thì còn lấy ai để làm việc”.
Còn một lý do nữa là Luật phòng chống tham nhũng hiện hành tỏ ra quá khắt khe, khi quy định rằng tham nhũng lên đến mức 1 tỷ đồng VN (bằng 50 ngàn đôla Mỹ ) là có thể bị tử hình. Nếu thi hành luật nghiêm thì có hàng ngàn cán bộ cấp cao của đảng CS phải rụng đầu đến hàng chục lần. Thí dụ như viên Đại tá Lương Ngọc Anh nhận hối lộ đến 17 triệu đôla trong vụ Securency ở Úc, nghĩa là bằng 340 tỷ đồng, sẽ phải rụng 340 cái đầu mới hết tội. Vụ Securency lâm vào tê liệt phải chăng vì lẽ 17 triệu đô ấy đã được chia chác ở cấp cao, nếu phơi hết mặt tội phạm ra thì không còn ai đứng đầu nhà nước này nữa?
Nhìn ra nước ngoài, chẳng lẽ nhóm 14 vị vua tập thể trong nước không biết rằng nhóm độc tài độc đảng ở Tunisia và Ai Cập đều bị truy tố và có thể bị tù chung thân cả nút về tội đàn áp người yêu nước xuống đường ôn hoà và tội cắt từng mảng ngân sách và ngân khố cho đảng và phe nhóm cánh hẩu một cách phi pháp, tùy tiện? Họ không biết giật mình sờ lên gáy mình hay sao?
Nhìn sang nước Cuba, họ hãy tìm hiểu nghị quyết mới ra tay chống tham nhũng, tuyên chiến với quốc nạn biển thủ tài sản quốc gia mà Chủ tịch Raul Castro vừa công bố sau khi đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội Mác-xít, rằng “từ nay bọn tham nhũng bị coi như những phần tử phản cách mạng, phản quốc, phản nhân dân”, sẽ bị nghiêm trị thẳng tay, một loạt phiên tòa đang được mở ra để hỏi tội những quan chức cấp cao của đảng CS làm giàu dựa vào quyền lực. Nhà trí thức ngay thẳng Esteban Morales từng tố cáo tham nhũng quyết liệt thật sự bị vào tù 3 tháng nay vừa được trả tự do trong niềm hứng khởi của toàn xã hội.
Nhìn sang Ấn Độ, quần chúng phẫn nộ trước nạn tham nhũng dai dẳng, ông Anna Hazare người cựu chiến binh 78 tuổi dấn thân tuyệt thực chống tham nhũng vừa được xã hội suy tôn thành biểu tượng lành mạnh hóa xã hội. Xã hội Ấn Độ đang bùng nổ phẫn nộ chống bất công lan rộng, chống bọn làm giàu phi pháp.
Những người cầm đầu chế độ ở nước ta tuy lo sợ sự phẫn nộ và khinh miệt của quần chúng trước hệ thống tham nhũng và thảm cảnh bất công xã hội, nhưng họ bị kẹt, vì túi ai cũng căng phồng do ăn, do múc của dân quá nhiều rồi, đành chỉ biết hô hào suông chống tham nhũng thật «quyết liệt», nhưng trên thực tế hành động họ cùng nhau đồng tâm «quyết…liệt», nghĩa là «tê liệt» đến mức hoàn toàn. Đó là điều dễ hiểu.
Nhưng tinh thần của nhân dân, của người yêu nước thì chỉ «quyết» mà không «liệt».
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.