Số phận của nhà độc tài Libya đã ngả ngũ. Tuy quân nổi dậy chưa tận diệt hay bắt sống được Gadhafi, ông này đã bỏ nhà cửa, dinh thự, kho tàng, thủ đô để hòng thoát thân.
Mới cuối tháng 8, chính Gadhafi còn lên đài phát thanh Tripoli kêu gọi nhân dân bảo vệ ông ta, chiến đấu đến cùng để quét sạch lực lượng nổi dậy mà Gadhafi gọi là «lũ chuột bẩn thỉu, tay chân bọn đế quốc phương Tây». Đến nay, đầu tháng 9, báo Pháp chơi chữ lại, đưa tin: «bọn Gadhafi đang lẩn trốn như một bầy chuột». Vợ con Gadhafi xin tỵ nạn ở Algeria. Con trai Gadhafi xin vào Niger. Triều đại Gadhafi đã cáo chung.
Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp CNT rời từ thành phố Benghazi ở phía Đông sang thủ đô Tripoli ở phía Tây, được 60 nước và Liên Hợp Quốc công nhận như một chính phủ hợp pháp, đã có những cơ quan quốc phòng, ngoại giao, hành chính, kinh tế, tài chính, giao thông, dầu mỏ, giáo dục, y tế…sắp chuyển sang thành một chính phủ đàng hoàng. 8 tháng nữa một quốc hội sẽ được bầu trên cơ sở nền dân chủ đa nguyên đa đảng. Libya đang đổi đời.
Mới vài tháng trước nhiều nhà bình luận quốc tế còn bi quan về triển vọng của nước Libya, lo ngại rằng một kiểu nội chiến sẽ diễn ra dai dẳng như ở Iraq, Afghanistan, rằng liên quân ủng hộ lực lượng nổi dậy sẽ sa lầy kéo dài, do những đặc điểm của Libya: ý thức quốc gia còn sơ khai, xã hội công dân là con số không, tệ sùng bái cá nhân Gadhafi sâu nặng, không có tổ chức chính trị, xã hội nào ngoài tổ chức chính quyền và quân đội của nhà độc tài điên.
Một tuần nay, các nhà báo nước ngoài có mặt ở Libya viết nhiều bài phóng sự, bình luận sinh động, lạc quan, coi Libya là «hiện tượng đẹp, mới lạ của mùa Xuân Bắc Phi», «một bông hoa đặc sắc nở bên bờ Địa Trung Hải», «một cuộc Cách mạng thành công độc đáo».
Họ có quá lời chăng? Riêng về mặt quân sự, đã có nhiều phân tích sâu sắc trên báo Pháp, Anh và Hoa Kỳ. Các nhà bình luận chuyên về khởi nghĩa, nổi dậy, chiến tranh du kích, về tình báo, do thám, về vũ khí mới, về chiến lược chiến thuật…có một loạt đề tài mới mẻ, cùng nhau khám phá, trao đổi rất xúc tích và phong phú.
Cuộc chiến Libya quả thật không giống ở đâu khác. Một cuộc chiến còn nặng về bí mật. Một cuộc chiến nhiều bên, cài vào nhau, không có chiến tuyến rõ ràng, minh bạch. Trên mặt đất, trong thành phố, trên bở biển, trong sa mạc, trên không trung. Mặt trận quân sự, kinh tế, tài chính, ngoại giao, tình báo đan xen nhau. Tại Liên Hợp Quốc, trong Hội đồng Bảo an, tại Tòa án Hình sự Quốc tế TPI, tại tổ chức Liên Phi châu, Liên đoàn Ả rập.
Nét mới cơ bản nhất của tình hình Libya là một số nước dân chủ đã áp dụng phương châm «quyền can thiệp» và «nghĩa vụ can thiệp» vào một nước khác - kể cả bằng hành động quân sự -, khi chính quyền nước đó đàn áp tàn bạo nhân dân yêu nước của chính nước họ.
Trước đây, các chính quyền độc đoán phản nhân dân thường nấp sau bức bình phong «chủ quyền quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm» để tàn sát nhân dân nước họ mà không ai động đến chúng. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền đã bác bỏ nguyên tắc bất khả can thiệp ấy, viện cớ rằng có những tình hình đặc biệt, khi các chế độ độc đoán tàn bạo giết hại hàng loạt nhân dân họ đòi tự do thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn. Cộng đồng thế giới là một cộng đồng văn minh, nhân ái, quan tâm đến nhau, có trách nhiệm với nhau, cho nên có quyền can thiệp, thậm chí có nghĩa vụ cao quý can thiệp để cấp cứu nhân dân đang bị tàn sát, đồng thời trừng phạt bọn tội phạm tàn ác đã mất chính danh cầm quyền.
Nét đẹp thứ hai là nhân dân Libya cũng như mọi dân tộc khác đều mong muốn được tự do, bình đẳng, an bình và hạnh phúc. Nhóm Gadhafi độc đoán, ích kỷ, tàn bạo suốt 42 năm ròng không những không dập tắt nổi khát vọng ấy, trái lại đã kích thích sự thức tỉnh và khát vọng tự do của phần lớn nhân dân Libya vẫn có nhiều mối quan hệ với cộng đồng thế giới xung quanh. Điều này giải thích sự thay đổi kỳ diệu của tâm lý xã hội trong 6 tháng qua. Số người xuống đường nổ ra có lúc còn đông hơn, mạnh hơn cả Tunisia và Ai Cập ở cạnh. Họ lập tức cầm vũ khí, xây dựng rất nhanh những đơn vị du kích thành thị, tự trang bị cả lựu đạn, súng ngắn cho đến súng máy, cao xạ, súng cối; từ tháng 3, tháng 4 năm 2011 đã biên chế thành nhiều tổ, đội đặc công của từng phố, khu phố, quận, để từ tháng 7 đã có biên chế nhiều tiểu đoàn, có bộ chỉ huy từng vùng, mặt trận, có cả đội cơ giới, đội xe tăng và xe bọc thép mũi nhọn. Công tác tham mưu và hậu cần cho lực lượng vũ trang phát triển theo.
Nét đẹp thứ ba là sự can thiệp quân sự của khối liên minh bạn bè của nước Libya mới rất mạnh mẽ và có hiệu quả. Công việc này còn được giữ kín, sẽ được bạch hóa dần sau khi cuộc chiến chấm dứt. Như riêng không quân Pháp đã xuất kích đến 12 ngàn lượt, với những máy bay tiêm kích mũi nhọn lợi hại Pirate và Rafale. Tổ chức FAC – Forward Air Control và SAS – Special Air Service của liên quân Anh – Pháp rất có hiệu quả trong trinh sát mục tiêu và phục vụ chỉ huy. Cần chỉ ra thái độ chính trị rõ ràng quả đoán của một số nước dân chủ phương Tây, sớm và rõ nhất là Pháp và Anh, đã là lực lượng nòng cốt của khối Bắc Đại Tây Dương, cho máy bay tiêm kích, trực thăng võ trang và máy bay do thám ngay từ tháng 3 năm 2011 khóa chặt vùng trời Libya, làm tê liệt không quân của Gadhafi, tiêu diệt chỉ trong 2 tuần lễ 80 % tiềm lực không quân được xây dựng từ 40 năm nay. 12 sân bay quân sự bị đánh phá tơi bời. Các đơn vị ra đa, truyền tin, sở chỉ huy đều bị đánh rất trúng. Những máy bay quan sát, do thám và vệ tinh quân sự của Hoa Kỳ đã góp phần không thể thiếu. Lực lượng không quân của Ý, Canada, Bỉ, của Na Uy rồi Đan Mạch cũng góp thêm sức cho Liên minh.
Từ đầu tháng 6, yếu tố quân sự mới có ý nghĩa quyết định xuất hiện. Các nước liên minh cử vào chiến trường Libya một số chuyên gia tình báo, thông tin, huấn luyện, tham mưu, đông đảo nhất là Pháp, Anh, rồi Canada, Ý, Hà Lan, có cả Ả rập Xê Út và Qatar. Cùng với 800 chuyên viên quân sự tay nghề cao này là chừng ba vạn tấn vũ khí thích hợp, trong đó có vũ khí của Đức, Thụy Điển và Ba Lan…Họ chia ra nhiều tổ huấn luyện quân khởi nghĩa xử dụng vũ khí, trinh sát các loại mục tiêu, phối hợp chặt chẽ giữa trên không và dưới mặt đất, thống nhất một số danh từ quân sự, tiếng lóng thường dùng nhất để đàm thoại thông suốt.
Đã có nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi: Gadhafi thất trận nhanh, triệt để là do chiến công của lực lượng du kích Libya hay do chiến công của khối NATO? Nhiều nhà bình luận quân sự đã trả lời trên báo le Monde diplomatique (Pháp) và Der Spiegel (Đức) cho rằng cả 2 bên góp phần ngang nhau. Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Liên minh yểm trợ Libya không được dùng bộ binh chiến đấu trên chiến trường Libya. Do đó cầm súng, nổ súng trên mặt đất, chiếm lĩnh trận địa là các chiến sỹ Libya, huấn luyện cho họ, hướng dẫn cho họ, chỉ mục tiêu cho họ là chuyên viên NATO; diệt những cứ điểm như xe tăng, xe bọc thép, ụ súng máy, ụ súng cối, ụ pháo phần lớn cũng là do máy bay tiêm kích và trực thăng vũ trang NATO hạ từng điểm một. Nhiều khi chính các chiến sỹ khởi nghĩa lại chỉ cho không quân liên quân các mục tiêu biến động cụ thể trên chiến trường. Mỗi bên tạo điều kiện qua lại cho nhau. Hai bên đều là tai mắt của nhau, làm thành chiến thắng chung, dẫn đến hiệu quả cao. Công cụ để liên lạc nhanh nhậy với nhau là hàng nghìn điện thoại di động bé nhỏ, có thể chụp ảnh, truyền ảnh, ghi âm, truyền thanh nhanh nhậy thuộc thế hế mới nhất.
Một cuộc chiến tranh rất mới, trên trời dưới đất hợp đồng nhịp nhàng, chính xác, ăn khớp, đầy sáng tạo, chưa từng có ở đâu. Lực lượng Gadhafi bị định vị, săn đuổi sát, truy đến cùng, mất tinh thần, vỡ vụn, tan nhanh. Để cuối cùng, nhà bình luận quốc tế Bernard Henry Levy nhận định trên tuần báo le Point (Pháp): tình hình không dây dưa, lại ngả ngũ nhanh, nhà độc tài thét ra lửa một thời Gadhafi «sau vài tháng chỉ còn là con hổ giấy», tệ hơn nữa chỉ còn là một bầy chuột.
Bài báo kết luận: trong thời đại này mọi chế độ độc tài đều có thể thành hổ giấy.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.