Một kế hoạch trồng rừng qui mô lớn đang được thực hiện vùng tây bắc có nhiều bạo động của Pakistan. Theo tường thuật của thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA tại Islamabad, giới hữu trách dự định trồng 1 tỉ cây trước cuối năm 2018 để gầy dựng lại những cánh rừng bị tàn phá và cung cấp hàng vạn công ăn việc làm cho người dân.
Với dự án có tên “Sóng Thần Một Tỉ Cây”, gọi tắt là BBT theo tiếng Anh, giới hữu trách Pakistan hy vọng gia tăng diện tích rừng từ 20% đến 22% tại quốc gia có tỉ lệ phá rừng cao nhất Á châu. Họ cũng hy vọng cuộc sống của 13 triệu người sẽ được cải thiện nhờ dự án này.
Dự án, được thực hiện tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, là một chương trình lớn của Đảng PTI nằm dưới sự lãnh đạo của ông Imran Khan, một chính khách từng là ngôi sao cricket. Ông Faizul Bari, giám đốc dự án, cho biết mục tiêu của kế hoạch trồng rừng nhiều tham vọng này là cải thiện môi trường và thúc đẩy sự lớn mạnh của khối người được gọi là “doanh gia môi trường” cỡ nhỏ.
Ông nói “20.000 vườn ương tư nhân sẽ được thành lập để sản xuất 500 triệu cây con và các thanh niên sẽ được khuyến khích để lập vườn ươm sau khi được huấn luyện kỹ lưỡng.”
Tuy dự án bị chỉ trích là khởi động một cách chậm chạp, chính quyền tỉnh cho biết họ đã trồng 18 triệu cây trong năm nay và có 250 triệu cây con đã được chuẩn bị sẵn sàng để mang ra trồng.
Kế hoạch có kinh phí gần 300 triệu đô la này được tài trợ bởi ngân sách chính quyền tỉnh cùng với những khoản tiền có được từ việc mang bán gỗ lậu bị tịch thu.
Công ăn việc làm là một bộ phận chính của chương trình ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa nghèo khó, nơi có 40% diện tích rừng của Pakistan.
Để bảo vệ rừng, giới hữu trách thuê nhân viên bảo vệ và ký hợp đồng với nhiều vườn ương tư nhân để tăng cường các hoạt động kinh tế xoay quanh dự án trồng rừng.
Nỗ lực này, theo dự liệu, cũng sẽ góp phần gia tăng lượng nước dự trữ ở Pakistan, nơi tình trạng khô hạn mỗi lúc một nghiêm trọng hơn, giảm thiểu nạn xói lở đất và tăng cường sản xuất nông nghiệp.
Lãnh tụ đảng PTI, ông Imran Khan, cho đài VOA biết rằng dự án này sẽ làm gia tăng các hoạt động đầu tư qua việc xây dựng các doanh nghiệp để bảo vệ rừng và trồng rừng.
Ông nói “Đây là một dự án có tính chất sáng tạo vì có sự tham gia lần đầu tiên của các cộng đồng địa phương. Chúng tôi kêu gọi họ lập vườn ương và sau đó trồng cây, bảo vệ cây, rồi cũng từ những cộng đồng đó chúng tôi thuê nhân viên bảo vệ để bảo vệ cây và bảo vệ rừng.”
Ông Trương Cánh Sinh, Chủ tịch Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, đã đến thăm Pakistan để phát động chiến dịch BTT. Diễn tiến này giúp cho Khyber Pakhtunkhwa trở thành tỉnh hoặc thực thể dưới cấp quốc gia duy nhất được thu nhận vào chương trình có tên Thách thức Bonn.
Ông Trương Cánh Sinh đã tán dương ông Imran Khan và đảng của ông này về việc thực hiện chiến dịch trồng rừng. Ông nói “Việc này hết sức tốt và rất thích đáng đối với Thách thức Bonn, là chương trình nhắm tới những mục tiêu khác bên cạnh việc trồng cây. Phục hồi những vùng đất bị xuống cấp và bị phá rừng là một vấn đề cơ bản nhất của nhân quyền – quyền có lương thực, nơi ở, nước sạch và một sinh kế bền vững.”
Thách thức Bonn, được thành lập năm 2011, nhắm tới mục tiêu phục hồi 150 triệu héc ta đất bị phá rừng và bị xuống cấp vào năm 2020. Cho đến nay có hơn 20 nước đáp ứng thách thức này qua việc bày tỏ ý định phục hồi hơn 60 triệu héc ta vào năm 2020. Theo dự liệu, sẽ có thêm những cam kết mới trong thời gian tới đây.
Ông Khan cho rằng việc chuyển đổi sang sự tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn và là một việc hết sức quan trọng “xét trên quan điểm bảo tồn môi trường và giảm thiểu tác động và thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu.”
Tuy nhiên, các giới chức chính quyền tỉnh thừa nhận rằng những băng đảng mafia gỗ “có rất nhiều ảnh hưởng”, có sự tiếp tay của các giới chức lâm nghiệp tham ô, tạo ra một thách đố lớn cho nỗ lực này.
Ông Khan cho biết ông đã đáp máy bay bay qua những khu vực có những thung lũng cực kỳ xinh đẹp và chính mắt nhìn thấy nạn đốn gỗ lậu đã biến những đỉnh núi thành “những khu mộ của cây thông.”
Ông nói “Thách thức lớn nhất là bọn mafia gỗ. Bọn chúng rất mạnh. Có sự dính líu của các chính khách. Có sự dính líu của quan chức chính quyền. Tôi nghĩ rằng một số lượng cây cối trị giá từ 3 đến 4 tỉ đô la đã bị khai thác bất hợp pháp trong 10 năm qua. Nhiều khu rừng đã hoàn toàn bị đốn sạch.”
Nhưng ông Khan cho biết chính phủ của đảng ông là chính phủ đầu tiên có hành động chống lại những quan chức cấu kết với bọn mafia gỗ. Ông nói rằng trong 6 tháng vừa qua chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã cách chức nhiều quan chức, kể cả người đứng đầu công tác bảo tồn rừng của Ty Lâm nghiệp, và bỏ tù một số người khác nhằm diệt trừ những đường dây khai thác gỗ lậu.
Ông Khan nói “Nếu không có hành động chống lại bọn chúng thì bất kể là chúng tôi làm gì, chúng tôi có thể trồng 1 tỉ cây trong vòng 5 năm, nhưng những thiệt hại mà bọn chúng gây ra, với tốc độ mà bọn chúng đang làm, tôi e rằng chúng tôi sẽ không ngăn được sự huỷ hoại của những cánh rừng của đất nước chúng tôi.”