Vụ đàn áp dữ dội ở Trung Quốc nhắm vào các luật sư nhân quyền và những nhà hoạt động xã hội trong 3 tuần qua đã làm gia tăng những mối lo ngại là Chủ tịch Tập Cận Bình đang sử dụng luật pháp như một công cụ nhằm bóp nghẹt tiếng nói của những người bất đồng chính kiến và của những luật sư bào chữa cho những người này trước toà án. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.
Từ khi lên nắm quyền tới nay, ông Tập Cận Bình đã không ngớt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “pháp trị” hay “sự cai trị theo pháp luật”. Chính phủ nói rằng một trong những mục tiêu chính của chiến dịch chống tham nhũng đang tiếp diễn là làm cho xã hội được công bằng hơn và ngăn chận những hành vi lạm dụng của các quan chức. Năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã lấy “pháp trị” làm đề tài chính của một hội nghị cấp cao trong Đảng Cộng Sản.
Nhưng đồng thời, ông Tập Cận Bình cũng gia tăng sự khống chế của chính phủ đối với xã hội và những vụ bắt giữ hàng loạt các luật sư nhân quyền hồi gần đây cho thấy một hình ảnh khác của “pháp trị” ở Trung Quốc.
Ông Từ Tư Kiệm, một học giả của Viện Nghiên cứu Trung ương ở Đài Loan, nhận định như sau.
"Thật ra đó là cai trị bằng pháp luật. Ông Tập Cận Bình, trong vai trò của người nắm quyền cai trị, đã dùng hoạt động lập pháp hoặc hệ thống pháp lý để áp đặt ý muốn của mình lên guồng máy thư lại và xã hội."
Thủ đoạn này đã hiện ra một cách rõ ràng nhất trong chiến dịch đang tiếp diễn nhắm vào nhiều nhân vật tranh đấu và những luật sư từng bênh vực cho một số nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà văn và những nghệ sĩ nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Theo Nhóm Quan tâm về Luật sư Nhân quyền Trung Quốc, từ đầu tháng 6 tới nay hơn 250 luật sư và các nhà hoạt động đã bị cảnh sát câu lưu để thẩm vấn, trong đó có 15 người vẫn còn bị giam giữ về các cáo trạng hình sự.
Theo bà Vương Tùng Liên, một nhà nghiên cứu Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, đây là vụ đàn áp nhân quyền dữ dội nhất ở Trung Quốc trong hai thập niên.
"Ông ấy lên nắm quyền với cảm giác đảng đang gặp phải nguy cơ và ông ấy muốn củng cố vị thế độc quyền của đảng. Do đó, việc loại bỏ những nhà tranh đấu này là một phần của chiến lược vì đảng không muốn ai thách thức tầm nhìn của họ cho Trung Quốc."
Tháng 10 năm ngoái, các viên chức hàng đầu của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tham dự một hội nghị được mô tả là “lập ra kế hoạch mới cho thể chế pháp trị.” Họ cam kết thực hiện những cải cách để các toà án được độc lập hơn và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.
Nhưng gần một năm đã trôi qua, các nhà phân tích nói rõ ràng là những cải cách đó không hề thay đổi sự thật là Đảng Cộng Sản tiếp tục đứng trên luật pháp và sẽ làm ngơ luật pháp khi cần.
Nhóm Quan tâm về Luật sư Nhân quyền Trung Quốc cho biết trong nhiều trường hợp những người bị bắt không được thông báo cáo trạng nào và không có thông tin nào cho biết những người này đang ở đâu. Họ cũng bị ngăn không cho có được sự trợ giúp pháp lý – một việc rõ ràng là vi phạm các thủ tục hình sự của chính Trung Quốc.
Ông Phổ Chí Cường, một luật sư nhân quyền bị bắt hồi năm ngoái vào dịp kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, đã bị giam trong một năm trước khi bị khởi tố hồi tháng 5. Ông đang chờ ngày xét xử.
Cáo trạng đối với ông là “khích động thù hận sắc tộc” và “gây rối”, phần lớn dựa trên những phát biểu của ông trên các trang mạng xã hội.
Ông Mậu Thiếu Bình, luật sư của ông Phổ Chí Cường, cho biết chính quyền chẳng những không cho ông Phổ chữa bệnh mà còn không cho tiếp xúc với luật sư trong hơn 20 ngày.
"Phổ Chí Cường được xếp vào loại án đặc biệt, cho nên, không giống như những vụ án hình sự thông thường, luật sư chúng tôi không được gặp thân chủ tại trại giam khi nào chúng tôi muốn. Trong văn thư của chúng tôi gởi cho nhà chức trách, chúng tôi đã nói rất rõ là điều đó trái với pháp luật. Nhưng các viên chức cảnh sát nói với tôi là họ có những khó khăn mà họ không thể nói ra. Họ không giải thích gì về sự lạm quyền này."
Với sự trợ giúp của truyền thông nhà nước để bêu xấu các luật sư này, vụ đàn áp hiện nay đã tạo ra một hiệu ứng hoảng sợ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng đây là một trận chiến mà về lâu về dài giới hữu trách Trung Quốc không thể nào thắng được.
Ông Từ Tư Kiệm của Viện Nghiên cứu Trung ương, nhận định như sau.
"Việc này gây ra một sự sợ hãi nào đó trong dân thường và những tổ chức phi chính phủ … Nhưng tôi tin rằng sự sợ hãi chỉ tồn tại trong ngắn hạn, bởi vì trong thâm tâm của người dân, đây là một việc hoàn toàn không chính đáng."
Vụ đàn áp này đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp Âu châu cho tới Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Các hiệp hội luật gia của nhiều nước đã ký tên vào một lá thư công khai gởi cho ông Tập Cận Bình để bày tỏ sự quan tâm đối với vụ đàn áp.
Bà Vương Tùng Liên cho rằng Trung Quốc vẫn có thái độ nhạy cảm đối với áp lực quốc tế, và do đó, các nước trên thế giới nên tiếp tục nói rõ sự quan tâm về việc tự do ngôn luận bị đàn áp ở Trung Quốc.
"Để có được một mối quan hệ lành mạnh với Trung Quốc, bất kể là mối quan hệ đó có dựa trên thương mại hay không, những nước này cần phải lên tiếng. Và điều quan trọng là ông Tập Cận Bình chuẩn bị thực hiện hai chuyến viếng thăm quan trọng trong năm nay – đó là đến Anh và đến Mỹ. Tôi nghĩ rằng có một điều rất quan trọng là các nhà lãnh đạo phải nhân những cơ hội đó để lên tiếng."