Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bị đưa ra xem xét kỷ luật do những sai phạm không được nói rõ dù trước đó họ được cho là đã đệ đơn xin nghỉ tất cả các chức vụ và về hưu, theo thông báo của Đảng được báo chí trong nước dẫn lại.
Cụ thể, ông Huệ bị kỷ luật cảnh cáo trong khi ông Thưởng tạm thời chưa nhận án kỷ luật do ‘đang điều trị bệnh’, trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo, sau cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban bí thư hôm 20/11 để xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, ông Huệ bị xác định có sai phạm trong thời gian nắm cương vị Chủ tịch Quốc hội còn sai phạm của ông Thưởng được truy từ lúc ông còn là Bí thư Quảng Ngãi đến khi trở thành Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban bí thư rồi Chủ tịch nước.
Cảnh cáo là mức kỷ luật cao thứ hai đối với đảng viên trong bốn mức kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
Cả hai vị cựu lãnh đạo này được cho là đã ‘vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước’, theo thông báo trên trang web của Đảng được Tuổi Trẻ và VnExpress dẫn lại.
Ông Thưởng và ông Huệ bị mất chức hồi đầu năm nay – hai vụ việc chỉ cách nhau có hơn một tháng – khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tại thế còn ông Tô Lâm, tổng bí thư hiện nay, là trợ thủ của ông Trọng trong công cuộc chống tham nhũng với tư cách là bộ trưởng công an. Cả hai ông đều được cho là ‘nhận rõ trách nhiệm trước Đảng nên có đơn xin nghỉ tất cả các chức vụ’.
Ông Thưởng ra đi hồi tháng Ba sau khi công an bắt giữ ông Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, để điều tra về hành vi đưa hối lộ cho các quan chức để được trao các gói thầu xây dựng béo bở. Một số quan chức ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc đã bị bắt và truy tố do nhận hối lộ từ Phúc Sơn.
Ông Huệ chịu cùng số phận như ông Thưởng vào cuối tháng Tư sau khi trợ lý của ông, Phạm Thái Hà, bị công an bắt và truy tố về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’ khi họ mở rộng điều tra vụ án ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’ xảy ra tại Tập đoàn Thuận An vốn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.
Cho đến nay, cả cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều chưa công bố mức độ dính líu của ông Thưởng và ông Huệ trong các vụ việc Phúc Sơn và Thuận An.
Trước khi bị mất chức, cả hai ông Thưởng và Huệ, vốn ở trong độ tuổi có thể ở lại Bộ Chính trị thêm nhiệm kỳ nữa, được xem là ứng cử viên sáng giá để lên thay ông Nguyễn Phú Trọng ở cương vị tổng bí thư.
Trong số các quan chức cùng bị xem xét kỷ luật với ông Thưởng và ông Huệ hôm 20/11 còn có ông Nguyễn Văn Thể, người từng là Bộ trưởng Giao thông vận tải rồi bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, và ông Phạm Văn Vọng, cựu bí thư Vĩnh Phúc. Ông Thể bị Bộ Chính trị cảnh cáo trong khi ông Vọng bị đưa ra Ban Chấp hành trung ương để xem xét khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong nhiệm kỳ khóa 13, có đến 7 ủy viên Bộ Chính trị đã ‘tự nguyện nộp đơn xin nghỉ’ trong khuôn khổ chiến dịch đốt lò của ông Trọng, bao gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Giới phân tích cho rằng các quan chức cao cấp được cho về nghỉ tức là đã ‘hạ cánh an toàn’, không bị truy tố hay xét xử về sau.
Diễn đàn