Đường dẫn truy cập

‘Trò chơi Vương quyền’: Việc bãi nhiệm Vương Đình Huệ và chính trường Việt Nam trong con mắt quốc tế


(Từ trái qua) Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự một phiên họp bất thường của Quốc hội tại Hà Nội hôm 15/1/2024.
(Từ trái qua) Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự một phiên họp bất thường của Quốc hội tại Hà Nội hôm 15/1/2024.

Sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong ‘tứ trụ’ Việt Nam phải từ chức giữa nhiệm kỳ chỉ trong hơn 1 năm, đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu cũng như đấu đá nội bộ trong Đảng, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế.

Ông Huệ chính thức thôi chức chủ tịch Quốc hội khi cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan này của ông trong cuộc họp bất thường lần thứ 7 của Quốc hội hôm 2/5. Trước đó một tuần, ông Huệ đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý cho thôi chức vụ theo “nguyện vọng cá nhân” của ông.

Việc từ chức của ông Huệ, người mới nhất trong 3 thành viên của ‘tứ trụ’ phải ra đi, cho thấy tình trạng bất ổn chính trị gần đây của Việt Nam trở nên trầm trọng hơn, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng được mở rộng, và đặt ra câu hỏi về sự ổn định của đất nước, theo nhận định của New York Times.

Tương tự, tờ Washington Post cũng cho rằng việc ông Huệ từ chức càng làm gia tăng tình trạng bất ổn ở Việt Nam, trích dẫn nhà phân tích của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, Nguyễn Khắc Giang, nói rằng “nó làm nổi bật sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu bị sa thải chỉ trong vòng một năm.”

Chỉ hơn một tháng trước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng bị cho thôi chức với quy trình tương tự. Ông Thưởng kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, người cũng được cho là bị ép phải rời nhiệm sở khi chưa hết nhiệm kỳ vào tháng 1 năm ngoái.

Thông báo chính thức không nói rằng ông Huệ và ông Thưởng dính líu đến tham nhũng nhưng hai ông bị bãi nhiệm cùng một lý do là “vi phạm những điều đảng viên không được làm” và “làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước” giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng được mở rộng.

Ông Huệ từ chức sau khi trợ lý của ông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, bị bắt giam và khởi tố vì liên quan đến vụ án tham nhũng của tập đoàn Thuận An, còn ông Thưởng xin thôi chức ngay sau khi Bộ Công an khởi tố và điều tra vụ án “đưa nhận hối lộ” tại tập đoàn Phúc Sơn.

Tháng 1 năm ngoái, ông Phúc trở thành thành viên đầu tiên của “tứ trụ” phải từ chức vì “trách nhiệm chính trị” đối với những sai phạm và khuyết điểm của cấp dưới, trong đó có hai phó thủ tướng, liên quan đến các đại án tham nhũng trong thời gian đại dịch.

“Trong nhiều năm nay, nền chính trị ưu tú của Việt Nam, từng mờ án, khó hiểu đối với hầu hết người ngoài, và dường như thống nhất trong một loại chế độ chuyên chế khá thành công (về mặt duy trì sự cai trị độc tài đồng thời đạt được sự phát triển kinh tế), đã bị đảo lộn,” nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), Joshua Kurlantzick, viết trong một đăng tải blog trên trang web của viện nghiên cứu có trụ sở ở New York.

Sự ổn định chính trị đó dường như đang sụp đổ khá nhanh chóng ở Việt Nam, theo ông Kurlantzick, người có nhiều nghiên cứu tập trung vào các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu này nhắc đến việc 3 lãnh đạo trong hàng ‘tứ trụ’ của Việt Nam bị mất chức trong một thời gian ngắn cùng với việc các ông bà trùm tài chính có thế lực nhất ở quốc gia Đông Nam Á bị bỏ tù vì các vụ tham nhũng quy mô lớn, nổi bật là bà Trương Mỹ Lan – người bị kết án tử hình vào tháng trước.

Một số nhà chống tham nhũng có thể hoan nghênh việc từ chức của các lãnh đạo nhưng chưa rõ liệu liệu đây có phải là một nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả trong nội bộ đảng cầm quyền hay là việc có quá nhiều lãnh đạo cấp cao nói chung tham nhũng dưới một hình thức nào đó đến mức các phe phái phải dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ kẻ thù của mình, theo nhận định của ông Kurlantzick.

Tương tự, nhà nghiên cứu Huỳnh Tâm Sáng của Quỹ Đài Loan NextGen cho rằng “những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức theo sau chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi xét đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam.”

“Thứ nhất, các quan chức Đảng và nhà nước bị sa thải thường có quan hệ mật thiết với nạn tham nhũng và hành vi sai trái của cấp dưới. Thứ hai, những cuộc thanh trừng này có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thân hữu về kinh tế: một hệ thống trong đó chính trị và kinh tế gắn bó với nhau, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của các quan chức Đảng và chính phủ,” ông Sáng, cũng là giảng viên của Đại học Quốc gia Việt Nam, viết trong bài phân tích trên The Diplomat.

Nhà nghiên cứu này cho rằng bầu không khí chính trị của Việt Nam “trở nên u ám hơn do sự sụp đổ gần đây của ông Thưởng và ông Huệ” và “điều này đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi: ai sẽ bị ném vào lò tiếp theo?”

Theo ông Sáng, “xung đột phe phái có thể đã nổ ra” sau khi hai trong số bốn ghế của ‘tứ trụ’ bị bỏ trống.

“Trong khi việc ông Phúc, ông Thưởng và ông Huệ từ chức có thể được coi là nỗ lực của Đảng nhằm giữ thể diện cho họ thì việc hạ cánh an toàn của những lãnh đạo này cũng làm tăng khả năng ‘Trò chơi Vương quyền’ của quốc gia này chuẩn bị nóng lên,” nhà nghiên cứu của Quỹ Đài Loan NextGen nhận định trong bài viết.

Theo ông Sáng, với việc chỉ còn lại hai thành viên trên ‘ngai vàng’ – tức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính – khoảng trống quyền lực có thể sẽ “châm ngòi cho nhiều cuộc đấu đá nội bộ hơn trong Đảng.”

Trong bài phân tích của mình, ông Sáng nói rằng khủng hoảng lãnh đạo ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng, theo ông, nguyên nhân gốc rễ “có lẽ là nạn tham nhũng trắng trợn và xung đột phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản.”

“Sự thống trị, thỏa hiệp, đồng thuận và thậm chí cả cạnh tranh, tất cả đều diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, chắc chắn sẽ đặc biệt gay gắt, vì cuộc đua giành các vị trí hàng đầu trước Đại hội Đảng tiếp theo vào đầu năm 2026 đã bắt đầu,” ông Sáng nhận định.

Ông Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” vào năm 2016, sau khi giành được nhiệm kỳ tổng bí thư Đảng lần 2 liên tiếp, vì cho rằng tham nhũng có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản. Hàng nghìn đảng viên ở tất cả các cấp chính quyền đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bị bỏ tù. Nhưng, theo New York Times, nhiều người đặt câu hỏi liệu một số mục tiêu này có phải là những cuộc thanh trừng chính trị trong một hệ thống chính trị khép kín hay không.

Cũng ám chỉ việc đấu đá quyền lực ở Việt Nam qua tiêu đề bộ phim về sự tranh giành ngôi vương thời trung cổ, “Game of Thrones”, giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, viết trên X, khi ông Huệ xin từ chức hôm 26/4, rằng “trò chơi vương quyền của Việt Nam đang tăng tốc.”

Còn theo nhà nghiên cứu Kurlantzick, sự sụp đổ của ông Huệ, một nhân vật có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo Việt Nam, người có thể đang trên đường lên tới vị trí tổng bí thư đảng – vai trò quyền lực nhất – càng làm phức tạp thêm cơ cấu quyền lực trong tương lai của chính trường Việt Nam.

“Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đương nhiệm của đảng, đã củng cố được quyền lực lớn, vô hiệu hóa phần lớn phong cách lãnh đạo theo kiểu đồng thuận trước đây. Nhưng ông đã lớn tuổi và thường trông yếu ớt khi xuất hiện trước công chúng,” ông Kurlantzick nhận định trong đăng tải blog trên CFR.

Ông Trọng, 80 tuổi, đang lãnh đạo Đảng Cộng sản trong nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ và đã phải chữa trị sau lần nhập viện vì bị đột quỵ khi đi công tác ở Kiên Giang vào năm 2019. Cả ông Thưởng và ông Huệ đều được cho là những ứng viên cho chức tổng bí thư để kế nhiệm ông Trọng.

Theo nhà nghiên cứu Kurlantzick, Việt Nam từng là “bậc thầy” trong việc lập kế hoạch chuyển giao lãnh đạo thì giờ đây dường như không có kế hoạch rõ ràng sau khi ông Trọng ra đi.

Còn ông Giang nhận định với Washington Post rằng “sự sụp đổ của ông (Huệ) sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người kế nhiệm ở Việt Nam.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG