Vụ việc trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt có những dấu hiệu giống với vụ việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trước đây mà cuối cùng ông Thưởng phải ra đi, các nhà quan sát chính trị nói với VOA và nhận định rằng tình hình ông Huệ ‘đang nguy ngập’.
Hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam cho biết họ đã khởi tố và bắt giữ ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’.
Ông Phạm Thái Hà bị bắt không lâu sau khi Chủ tịch, Tổng giám đốc cùng phó Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, có trụ sở ở Hà Nội và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, bị bắt về các tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’.
Việc khởi tố ông Hà nằm trong phạm vi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Thuận An, Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, nói với báo giới trong nước sáng 22/4.
Ông Hà 48 tuổi, là trợ lý thân cận của ông Huệ. Ông đã đi theo ông Huệ trong toàn bộ quá trình thăng tiến của ông từ những ngày ông Huệ còn là Tổng Kiểm toán Nhà nước cho đến Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, rồi Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến khi ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội.
Bổn cũ soạn lại?
Đây là vụ việc bắt đầu từ sân sau truy lần ra đến quan chức cấp cao đứng đằng sau doanh nghiệp, ông Lê Trung Khoa, nhà quan sát chính trị Việt Nam ở Berlin, Đức, người đã loan tin từ sớm và chính xác về những diễn biến liên quan vụ tập đoàn Thuận An, nói với VOA.
“Sân sau là những doanh nghiệp rất lớn lợi dụng những quan hệ, quyền lực và khả năng quyết định của các quan chức Việt Nam, nhất là những người cấp cao để trục lợi cho doanh nghiệp và bản thân,” nhà quan sát này giải thích.
Chỉ cách nay hơn một tháng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ sau khi những thuộc cấp và thân tín của ông bị bắt do liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn. Đảng không nói rõ ông Thưởng phạm tội gì nhưng thông tin trong hậu trường cho biết người nhà của ông đã nhận 60 tỷ từ tập đoàn Phúc Sơn để xây nhà thờ tổ. VOA không kiểm chứng được những thông tin này.
“Vụ việc của ông Võ Văn Thưởng trước đây, và vụ việc này đối với ông Vương Đình Huệ cũng tương tự,” ông Khoa nhận định và cho rằng sắp tới đây ông Huệ sẽ là ‘trùm cuối’, tức là người sẽ chịu trách nhiệm sau cùng trong vụ Thuận An cũng như ông Thưởng trong vụ Phúc Sơn.
Về việc tại sao Bộ Công an vẫn dùng một bài là đánh vào các tập đoàn, doanh nghiệp rồi từ đó truy ra quan chức cấp cao, ông Khoa giải thích: “Ở Việt Nam vấn đề tham nhũng đã lên đến mức độ khủng khiếp rồi. Cho nên Bộ Công an nắm rất chắc tình hình này. Ông Tô Lâm là người nắm Bộ Công an, dưới đó giám đốc công an các tỉnh thành đều do ông Tô Lâm trực tiếp quản lý.”
Liệu có thoát nạn?
Cho đến khi công an thông báo bắt trợ lý của mình, ông Huệ vẫn thực hiện chức năng chủ tịch Quốc hội như bình thường. Tờ Tuổi Trẻ đưa tin vào ngày 22/4 ông Huệ đã chủ trì và góp ý kiến trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật địa chất và Khoáng sản.
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và là nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, cho rằng quan sát những động thái của ông Huệ trong những ngày qua thì có thể thấy ‘kết luận về sự dính líu của ông Huệ vẫn chưa ngã ngũ’.
Tuy nhiên, ông A nhận định vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà ‘chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ông Huệ’.
“Ông ấy là một người rất thân cận với ông Huệ. Khi người ta bắt người thân cận như thế thì không thể nào không ảnh hưởng đến ông Huệ,” ông giải thích.
Ông A dùng cách suy đoán tương tự từ những trường hợp trợ lý của các phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, vốn đã bị bắt trước khi thủ trưởng của họ phải từ chức vì ‘nhận trách nhiệm người đứng đầu’, để cho rằng ‘diễn tiến tới đây đối với ông Huệ sẽ không tốt đẹp gì’.
Về phần mình, ông Lê Trung Khoa cho rằng ‘cần phải đợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng họp thì mới có quyết định rõ ràng về số phận ông Huệ’.
Khi được hỏi liệu ông Huệ có tránh được kết cục như ông Thưởng hay không, nhà quan sát này cho rằng sự dính líu của ông Thưởng với Tập đoàn Phúc Sơn đã diễn ra cách nay cả chục năm mà cuối cùng ông Thưởng vẫn bị mất chức một cách chóng vánh sau khi vụ việc đổ bể, trong khi ông Phạm Thái Hà đã theo ông Huệ từ đầu cho đến nay, và Tập đoàn Thuận An ‘lớn hơn rất nhiều so với Phúc Sơn’.
“Đến mức độ này rồi thì chỉ cần một bước nữa, ông Vương Đình Huệ có lẽ sẽ phải rời khỏi chức vụ ông đang làm,” ông Khoa nhận định về mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Theo phân tích của ông Khoa, nếu ông Huệ dính líu quá sâu vào Thuận An hay chống đối quyết liệt việc các cáo buộc nhằm vào ông thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm ‘sẽ đưa ra những bằng chứng rõ ràng hơn để buộc tội và khi đó ông Huệ sẽ không còn được hạ cánh an toàn như ông Thưởng nữa’.
“Ông Phạm Thái Hà đã làm thư ký cho ông Vương Đình Huệ từ rất lâu rồi, qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cho nên ông biết rất rõ và liên quan đến nhiều sự việc khác nhau trong cả quá trình ông Vương Đình Huệ công tác,” ông chỉ ra.
Khi được hỏi nếu vụ việc chỉ dừng lại ở trợ lý và bản thân ông Huệ được xác định không có dây mơ rễ má gì với Thuận An thì liệu ông có thoát nạn hay không, ông Khoa chỉ ra quy định mới của Đảng về ‘trách nhiệm của người đứng đầu’ mà theo đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đều đã bị rớt đài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị mất chức hồi tháng 2 năm 2023 do bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’ vì để xảy ra sai phạm của cấp dưới trong các vụ việc bộ xét nghiệm Việt Á và chuyến bay giải cứu vào thời kỳ ông còn là Thủ tướng Chính phủ.
Ông A cho rằng nếu Đảng làm nhất quán như đối với ông Phúc, ông Minh, ông Đam thì ông Huệ ‘không thể thoát khỏi trách nhiệm người đứng đầu’.
Khi được hỏi, nếu Đảng ‘vì đại cục’ là giữ gìn sự đoàn kết và ổn định trong Đảng trong bối cảnh Đại hội 14 đang đến gần để bỏ qua cho ông Huệ thì nó sẽ có tác động như thế nào, ông A nói: “Giả sử ông Huệ có tội thật mà không có kỷ luật gì đấy thì cái bảo rằng ‘luật pháp không chừa ai’, ‘không có vùng cấm’ sẽ trở thành vô nghĩa.”
Diễn đàn