Đường dẫn truy cập

Niềm tin trong giáo dục


Các thí sinh tham dự một kỳ thi tuyển đại học ở Hà Nội. Hình mình họa.
Các thí sinh tham dự một kỳ thi tuyển đại học ở Hà Nội. Hình mình họa.

Từ thế kỷ XIX, Henri Frédéric Amiel, nhà triết học người Thụy Sỹ đã nói rằng “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học”. Niềm tin đóng vai trò cực ký quan trọng trong đời sống xã hội. Cách đây không lâu khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói : “Nhiệm vụ quan trọng của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại”, “niềm tin phải được xây dựng bằng nhận thức. Trước khi làm cho xã hội tin thì người trong ngành phải tin đã”. Thiết nghĩ, cơ sở đầu tiên của niềm tin đó là sự thật. Vậy nên trước hết ngành giáo dục cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về những bất cập, yếu kém để tìm ra nguyên nhân, rút ra những bài học cần thiết trong quá trình tạo dựng niềm tin cho chính mình.

Hãy mổ xẻ một số vấn đề làm xói mòn niềm tin của nhà giáo và nhân dân đối với giáo dục trong thời gian qua.

‘Phong trào’ chồng ‘phong trào’

Có thể nói chưa ngành nào có nhiều cuộc vận động như ngành giáo dục. Năm học 1993-1994 là cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Năm học 2006-2007 là cuộc vận động “hai không” - “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tiếp tục năm học 2007- 2008 là cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đến năm học 2008-2009, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai cho đến nay. Từ năm học 2006-2007, các phong trào này kết hợp với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và từ năm học 2014-2015 thì gắn với Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nội dung, ý nghĩa của những phong trào này, không ai có thể phủ nhận, nhưng có nhiều điều đáng để băn khoăn. Tại sao lại nhiều phong trào, nhiều “cuộc vận động” như thế? “Phong trào” này chồng lên “phong trào” kia, phong trào này làm chưa đến đâu, phong trào tiếp lại xuất hiện. Nhà trường, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo và học sinh không đủ thời gian để thực hiện, trải nghiệm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Nhiều cuộc vận động dồn dập quá nên không tránh khỏi chuyện “phát” nhưng chưa “động”, hoặc “động” chưa được bao nhiêu thì lắng xuống, đâu lại vào đấy.

Thêm một điều băn khoăn nữa, tại sao gọi là “cuộc vận động”? “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là điều bắt buộc, chứ sao là “vận động”? “Vận động” nghĩa là không ràng buộc, làm tới đâu cũng được. Đơn vị, cá nhân nào tiêu cực trong thi cử hoặc tiêu cực trong vấn đề khác thì phải chịu trách nhiệm, phải chịu kỷ luật, chứ “vận động” cái gì?

Còn “bệnh thành tích”, cái từ không có trong y văn, nhưng là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Tại sao các cấp giáo dục cứ lấy chỉ tiêu thi đua để ràng buộc lẫn nhau? Tại sao vừa quán triệt “không để học sinh ngồi nhầm lớp” lại vận động phổ cập, “đẩy” các em lên lớp “oan”? Từ phổ cập bậc tiểu học đến phổ cập bậc trung học cơ sở đều gượng ép, cố ý bỏ qua “quy luật sàng lọc” tất yếu trong giáo dục. Vậy làm sao học sinh không ngồi nhầm lớp được ?

“Một người không thể bẻ gậy chống trời”, tư tưởng đó đã khiến nhiều nhà giáo im lặng, thôi cứ làm theo chỉ đạo, nên có người gọi đó là hội chứng Mackeno (Mặc kệ nó).

Cơ chế, chính sách của Nhà nước mới quan trọng, nó như nguyên tắc hoạt động, quy trình vận hành của một cỗ máy, mà cỗ máy đó là thể chế Nhà nước. Các phong trào, chương trình hành động của ngành giáo dục không thành công thì phải xem lại cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách nếu không xoay chuyển được, phải xem lại thể chế. Một chiếc xe chạy ì ạch, phải kiểm tra, sửa chữa động cơ, chứ không phải loay hoay cải tiến mãi cái bánh xe.

Xã hội hóa giáo dục: huy động sức dân quá nhiều

Chưa bao giờ trong giáo dục lại huy động sức dân nhiều như hiện nay. Học phí thì ít nhưng “phụ phí” rất nhiều. Mỗi học sinh đóng không biết bao nhiêu khoản tiền. Gánh nặng oằn lên vai phụ huynh, nào là quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ công trình thanh niên, quỹ măng non, quỹ đoàn, quỹ đội, quỹ khuyến học, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ vì bạn nghèo, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ ủng hộ đồng bào biên giới, hải đảo; quỹ khen thưởng, quỹ ủng hộ sửa chữa cơ sở vật chất nhà trường, các khoản đóng góp trong các dịp văn nghệ, cắm trại, thành lập trường, xây dựng trường chuẩn ...

Xin nhà trường đừng lấy học sinh làm “bức bình phong”. Các em đang đi học, nhiều em gia đình khó khăn phải nhịn ăn sáng, không có tiền ở trọ, phải đạp xe cả 10 cây số, các em lấy đâu ra tiền để ủng hộ, đóng góp. Vậy là “trăm dâu đổ đầu tằm”, đổ lên vai phụ huynh. Đó là chưa kể nhiều em phải học thêm, rẻ nhất cũng phải 100-200 nghìn đồng/ môn/ tháng. Tất cả các khoản đóng góp, các khoản nộp ngoài học phí đều được hợp thức hóa dưới danh nghĩa “tự nguyện” và “xã hội hóa giáo dục”. Hiệu trưởng viết thư kêu gọi, giáo viên chủ nhiệm vận động, ban đại diện phụ huynh nhà trường nhất trí, hỏi phụ huynh, học sinh nào “dám” không đồng ý?

Xưa Trần Hưng Đạo chỉ ra kế sách dựng nước là phải “khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc”. Nay càng ngày ngành giáo dục càng huy động sức dân quá nhiều. “Xã hội hóa giáo dục” không có nghĩa là huy động đóng góp quá mức đối với phụ huynh học sinh. Từ năm học này, Chính phủ quy định mức học phí mới, tăng hơn mức cũ, liệu năm học đến các khoản đóng góp của phụ huynh có giảm bớt đi ?

Sống bằng lương

Nhiều nhà giáo còn nhớ lời phát biểu của một cựu bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Phấn đấu đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương. Vậy bây giờ đã quá gần 6 năm, giáo viên đã sống được bằng lương chưa? Hiện nay mức lương của một giáo viên THPT có 15 năm đứng lớp chỉ khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Chỉ giáo viên nào dạy từ 20 năm trở lên hoặc dạy ở những vùng có chế độ ưu đãi của Nhà nước thì mức lương mới khá hơn. Vậy đa số giáo viên không sống được bằng lương thì sống bằng gì, trong khi họ cũng có gia đình, con cái đi học và thực hiện các khoản đóng góp nghĩa vụ đối với xã hội? Các giáo viên dạy môn tự nhiên thì dạy thêm để cải thiện đời sống. Các giáo viên dạy môn xã hội thì chỉ biết “thắt lưng buộc bụng” thôi, không biết kêu ai.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Trong khi đó lương nhà giáo hiện nay chỉ xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Liệu đến bao giờ kỳ vọng trên mới trở thành hiện thực.

Bản thân ngành giáo dục và tân bộ trưởng của ngành không thể quyết định vấn đề này. Vấn đề nợ công, bội chi ngân sách đang là vấn đề nan giải, bài toán khó đối với Chính phủ Việt Nam. Tăng lương cho giáo viên bằng nguồn tăng học phí không phải là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp hiện nay.

Số lượng học sinh ngày càng giảm dần, giáo viên lao động chưa đủ định mức quy định, không ít trường giáo viên chỉ dạy dưới 9-15 tiết/ tuần, thời gian còn lại dùng dạy thêm. Mong rằng sắp tới ngành giáo dục sẽ sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo hợp lý “trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác, có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ” như Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương đã chỉ đạo.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng ồ ạt

Sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, trong khi hằng năm các trường đại học, cao đẳng vẫn tuyển sinh ồ ạt. Chỉ riêng ngành giáo dục, năm 2014-2015, có 35.000 giáo sinh tiểu học và trung học phổ thông ra trường không có việc làm, trong khi hàng năm có thêm khoảng 22.500 - 23.000 sinh viên nhập học vào các trường đại học sư phạm và có từ 24.500 - 26.000 sinh viên nhập học vào các trường cao đẳng và trung cấp sư phạm.

Năm học 2014-2015, ở cấp THPT, số giáo viên được tuyển dụng trên tổng số hồ sơ đăng ký dự tuyển ở một số tỉnh như sau: Cần Thơ 75/518, Bình Định 217/1393, Phú Yên 73/230, Đắk Lắk 100/3000. Tại Quảng Bình, hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường nhưng không tuyển một giáo viên nào. Tại Hà Tĩnh, không tuyển dụng giáo viên trong 3 năm qua. Tại Quảng Nam, suốt 5 năm qua cũng không tuyển dụng một giáo viên nào. Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm nên cố học thạc sỹ luôn, những mong cơ hội tìm việc sẽ cao hơn, nhưng trong số đó không ít vẫn thất nghiệp.

Đào tạo thiếu gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động đã gây ra quá nhiều hệ lụy. Bao giờ trong đào tạo còn lấy số lượng tuyển sinh để làm nguồn thu, nói cách khác là kinh doanh, thì tình trạng sinh viên thất nghiệp không thể dừng lại.

Cần một cuộc ‘đại phẫu thuật’

Giáo dục còn lắm vấn đề cần phải bàn, trong đó có không ít vấn đề đã đặt ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được như: phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá còn lạc hậu, thiếu thực chất; chưa chú trọng đúng mức kỹ năng thực hành cũng như việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cách đây không lâu, tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói tới “niềm tin trong giáo dục” trước hết từ đội ngũ nhà giáo. Nhưng niềm tin phải có cơ sở. Giáo dục hiện nay cần một “cuộc đại phẫu” để chữa lành những “căn bệnh” cố hữu. Có vậy mới đủ cơ sở tin rằng mình sẽ khỏe mạnh và phát triển.

Thạch Kiều

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG