Đường dẫn truy cập

‘Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy’ của Tô Lâm sẽ thành công hay thất bại?


Ông Tô Lâm trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 3 tháng Tám, 2024.
Ông Tô Lâm trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 3 tháng Tám, 2024.

Thành công hay thất bại của cuộc cách mạng này sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa quyết tâm chính trị, chiến lược thực hiện và khả năng xử lý rủi ro. Nếu đảm bảo minh bạch và có phương pháp chuẩn, cuộc tinh giản sẽ là dấu mốc quan trọng. Ngược lại, đây có thể trở thành bài học đau đớn cho cải cách.

Các chuyển động trái chiều…

Chưa bao giờ các chỉ dấu thiếu nhất quán lại xuất hiện công khai vào thời điểm cuối năm. Ngày 21/12/2024, Phó Thủ tướng thường trực (PTTg) Nguyễn Hòa Bình cho biết có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng trong đợt tinh gọn bộ máy sắp tới. Đây là lần đầu tiên PTTg thường trực tiết lộ con số “người đi kẻ ở” – hệ quả trực tiếp của “cuộc cách mạng tinh giản bộ máy” do Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm khởi xướng. Theo ông Bình, sắp tới, sau khi Bộ Chính trị có kết luận, các cơ quan Đảng sẽ gương mẫu thực hiện tinh gọn trước. Khối Chính phủ và Quốc hội, ngoài hợp nhất các bộ, ủy ban, tất cả các đơn vị phải tinh gọn bên trong, tối thiểu 15 – 20% đầu mối, cá biệt có nơi giảm 40%. Ví dụ, Vụ Nghiên cứu Bắc Âu, Đông Âu, châu Á, châu Mỹ... có thể gộp thành Vụ Nghiên cứu quốc tế. Các viện nghiên cứu chiến lược, quản lý cũng cần gộp thành một đơn vị… Tinh thần “vừa sắp hàng vừa chạy” của TBT được ông xác quyết bằng tuyên bố, chúng tôi đang “chuẩn bị nộp bài” cho Bộ Chính trị họp tuần sau. Phát biểu này ngay ngày hôm sau đã bị xóa trên trang Thông tin Điện tư (TTĐT) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) (1).

Cũng lần đầu tiên, PTTg thường trực để cập đến những rủi ro cần tính tới do cuộc sáp nhập “cơ học”, “nhập nhưng có chỗ không hợp lý”, và ông công khai cảnh báo “phải đề phòng”, phải “lường những bất hợp lý của việc hợp nhất…”. Ông thừa nhận, “đây là việc rất khó, cần hạn chế tối đa các rủi ro; vừa làm vừa thăm dò, điều chỉnh, không thể ngay một lúc hoàn thành, nhưng rủi ro phải thấp nhất”. Một rủi ro khác được ông chỉ ra, tuy vẫn phải nương theo lời Tổng Bí thư là “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng”. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần sắp xếp làm sao tránh để “người tài thì xin nghỉ, người dở ở lại”. Ông yêu cầu làm sao kết hợp cung – cầu, nhưng lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh. “Đây là bài toán khó nhưng cố gắng làm chứ đừng để làm một hồi anh giỏi đi hết, (anh) dở ở lại là không thành công” – vẫn lời Phó Thủ tướng. Ông lưu ý các địa phương, bộ ngành làm sao khi sắp xếp, bộ máy vận hành liên tục, phục vụ nhân dân đảm bảo không đứt quãng, cố gắng cao nhất không phát sinh tiêu cực… (2)

Trước cuộc họp trên, ngày 17/12/2024 trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án sáp nhập, dự kiến Chính phủ chỉ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan. Bộ Nội vụ đang tham mưu hoàn thiện toàn bộ các báo cáo để trình Bộ Chính trị vào ngày 25/12/2024. Theo bà Bộ trưởng, hiện Bộ của bà đã hoàn thành dự thảo nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nội dung này đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo của Chính phủ để trình lên Bộ Chính trị trong ít ngày tới. Bà Trà nhấn mạnh, tinh thần của chính sách là “làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng” (3). Con số dôi dư đưa ra là sẽ giảm 35 – 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Theo thông tin chưa kiểm chứng được, tổng biên chế hiện nay vào khoảng trên 2 triệu người. Nếu giảm theo tỷ lệ trên thì con số 100.000 ông PTTg dưa ra chả thấm tháp vào đâu. Phải chăng vì thế, phát biểu của PTTg bị kéo xuống?

Truyền thông quốc tế cũng đã nhanh chóng vào cuộc và cũng để lộ ra những đánh giá trái chiều về “cuộc cách mạng” của ông Tô Lâm. Cuộc tinh gọn, theo BBC, có nét tương tự với các biện pháp cắt giảm chi phí của các chính phủ “hậu đại dịch” đang thực hiện hoặc cam kết trên toàn thế giới, trong đó có cả Tổng thống theo chủ nghĩa tự do Javier Milei của Argentina và Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (4). Trong một thời gian, “các nhà đầu tư có thể gặp phải sự chậm trễ hoặc bất ổn khi các cấu trúc mới được thiết lập và dư âm của việc sáp nhập các cơ quan quản lý thượng tầng này lắng xuống”, ông Leif Schneider, Giám đốc công ty Luật quốc tế Luther, bình luận với Reuters. Chín người, gồm các nhà đầu tư, ngoại giao và quan chức, được Reuters phỏng vấn đều chia sẻ những đánh giá trái chiều, trong đó một số người dự đoán trong ngắn hạn sẽ gặp các chậm trễ về thủ tục hành chính. “Hãy chuẩn bị đón nhận tình trạng tê liệt như một điều bình thường trong một thời gian,” một nhà ngoại giao phương Tây tại Hà Nội nhận xét, đồng thời bình luận rằng cuộc tinh gọn này cũng có thể là cách để TBT Tô Lâm củng cố quyền lực (5).

Những cảnh báo được gióng trước

Song hành với “cuộc cách mạng tinh giản biên chế”, TBT Tô Lâm gần đây đã tăng cường cho kiểm tra, bắt giữ các quan chức ở tất cả các cấp, bao gồm cả các thành viên cấp cao của Bộ Chính trị và các bộ trong chính phủ. Chỉ riêng năm 2024, tính đến nay đã có 2.228 tổ chức đảng và 6.685 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 262 tổ chức đảng và 2.716 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 191 tổ chức đảng, 2.345 đảng viên (6). Nếu tính đến năm 2023 dồn về trước, tất cả đã có gần 200.000 đảng viên bị kỷ luật trong khuôn khổ chiến dịch này (7). Mặc dù chiến dịch đã đưa Việt Nam từ vị trí 113 lên vị trí 83 về “Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng” nhưng nó cũng làm đóng băng cả những hoạt động hợp pháp – Các nhà vận động chính sách cho biết. “Các quan chức không rõ là những hoạt động nào có thể khiến ai đó gặp rắc rối. Vì thế, tất cả mọi người đều luôn đề cao cảnh giác” – ông Minh, một nhà hoạt động lâu năm phát biểu. Ông cũng yêu cầu được sử dụng tên giả, vì lý do an toàn. “Tác động lớn nhất của chiến dịch chống tham nhũng là các quan chức chính phủ không muốn làm việc nữa, họ không muốn ủng hộ, tạo điều kiện cho xã hội dân sự. Họ thường giữ im lặng, vì nói không thì dễ dàng hơn” (8).

Theo chính TBT Tô Lâm, nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay, điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện, nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. “Đây thật sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức”, TBT nói và nhận định, dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản… nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí có cả những lực cản quyết liệt. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u” – TBT đề nghị các cấp, các ngành phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị”, TBT chốt hạ (9).

Nhưng cả những “tác nhân” lẫn “nạn nhân” trong cuộc cách mạng “gia tốc” của TBT đều chưa biết giải quyết kế sinh nhai thế nào nếu như các cơ quan chỉ “tinh giản” nhưng người không hợp ca, hay chỉ “sáp nhập” công việc, ngân sách và thiết bị máy móc, nhưng lại “thả nổi” những chuyên gia (với các nhà đài quốc doanh). Như đã đề cập, các nhóm lợi ích hoặc những cá nhân bị loại bỏ bởi việc sắp xếp lại bộ máy có thể là lực cản lớn đối với cải cách. Sự phản kháng này không chỉ xuất phát từ tâm lý e ngại mất quyền lợi, mà còn từ việc thiếu niềm tin vào khả năng thực hiện một tiến trình quá sâu rộng nhưng dục tốc. Nếu quả thật trên hàng trăm ngàn cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng, thì nguy cơ gián đoạn trong vận hành bộ máy là rất lớn. Việc hợp nhất hoặc xóa bỏ các cơ quan có thể dẫn đến tình trạng chồng chéo, mất kết nối trong giai đoạn đầu. Việc tinh gọn bộ máy, do đó, dễ đi kèm theo nguy cơ “tê liệt cục bộ”. Nếu Việt Nam không triển khai theo đúng sách về khoa học quản lý, các vấn đề bất lợi sẽ hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng và cộng đồng quốc tế.

Tham khảo:

(1) https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/danh-gia-va-lua-chon-dung-can-bo-trong-tinh-gon-bo-may-thu-hut-nguoi-tai-cho-nen-hanh-chinh-cong-1491931963%2021/12

(2) https://plo.vn/pho-thu-tuong-tinh-gon-bo-may-anh-huong-toi-khoang-100000-can-bo-cong-chuc-post826164.html

(3) https://tuoitre.vn/bo-truong-pham-thi-thanh-tra-du-kien-chinh-phu-con-13-bo-4-co-quan-ngang-bo-20241217153126373.htm.

(4 và 5) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c99xgpjdm8xo

(6) https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2023-41-vietnams-anti-corruption-campaign-economic-and-political-impacts-by-nguyen-khac-giang/

(7) https://lsvn.vn/da-thi-hanh-ky-luat-7-to-chuc-dang-va-136-dang-vien-trong-nam-2024-a151683.html

(8) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chi-thi-24-xa-hoi-dan-su-dan-ap-dan-chu-nhan-quyen-12202024150043.html

(9) https://plo.vn/tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-bo-may-la-viec-rat-kho-nhung-khong-the-cham-tre-post822641.html

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG