Đường dẫn truy cập

Tô Lâm: ‘Tinh giản’ là để bộ máy ‘ít người’ nhưng ‘trơn tru’


Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 hôm 16/12 ở Hà Nội.
Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 hôm 16/12 ở Hà Nội.

Tổng bí thư Tô Lâm vừa thúc giục Đảng tăng cường tham mưu để tinh gọn bộ máy nhà nước, một chủ trương cải cách lớn bộ máy chính trị mà ông đưa ra gần đây, và cho biết rằng việc cắt giảm biên chế cũng như sắp xếp lại các cơ quan của chính phủ là để làm cho bộ máy hoạt động “trơn tru” hơn, theo truyền thông trong nước.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 hôm 16/12, ông Lâm yêu cầu toàn ngành này tiếp tục tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động “hiệu năng, hiệu quả”, theo Báo Chính phủ.

Cũng đưa tin về phát biểu của ông Lâm tại Hội nghị này, VietNamNet cho biết người đứng đầu Đảng Cộng sản nói rằng mục tiêu của việc “tinh gọn” là giúp bộ máy “hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”

Trong nhiều tuần qua, ông Lâm, người có thực quyền cao nhất ở Việt Nam kể từ khi đảm nhận chức tổng bí thư sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đồi hồi tháng 7, đã có nhiều phát biểu đưa ra những thông điệp như phải tháo gỡ “điểm nghẽn thể chế” và “tinh gọn hệ thống chính trị”, mà ông xem là “đột phá chiến lược” để đất nước tăng tốc phát triển.

Vào ngày 5/11, ông đã đưa ra đề xuất về kế hoạch tinh giản bộ máy chính trị qua một bài viết với tiêu đề “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” trên trang web của Báo Chính phủ.

Đến ngày 25/11, khi phát biểu bế mạc một Hội nghị Trung ương Đảng bất thường để bàn về việc này, ông Lâm trình bày phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1 năm tới, trong đó có việc sàng lọc đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất năng lực, uy tín cũng như cải các các thủ tục hành chính, theo Tuổi Trẻ.

Trong bài viết hôm 5/11, ông Lâm đã trích dẫn Vladimir I. Lenin, nhà lý luận chính trị và lãnh đạo sáng lập của Liên bang Xô Viết, khi nói về cải tiến bộ máy Nhà nước rằng: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt.”

Kế hoạch cải cách bộ máy chính trị đang được lên kế hoạch này được xem là táo bạo nhất trong nhiều thập kỷ ở Việt Nam, mà theo đó nhiều bộ, cơ quan nhà nước và các đài truyền hình sẽ bị cắt giảm nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn cũng như thủ tục hành chính rườm rà.

Nói hôm 16/12, ông Lâm cho biết rằng việc tinh gọn bộ máy nhà nước là nhằm “tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.”

Bộ máy sẽ tê liệt?

Tuy nhiên, theo nhận định của các quan chức và nhà đầu tư với Reuters, việc tinh giản này có nguy cơ làm “tê liệt” bộ máy trong ngắn hạn.

Trong số các biện pháp tinh gọn bộ máy được tính toán, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, vốn chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án công nghiệp, sẽ được sáp nhập với Bộ Tài chính.

“Các nhà đầu tư có thể gặp phải chậm trễ hoặc bất ổn khi các cấu trúc mới được thiết lập và 1 thời gian sau khi mọi việc lắng xuống”, theo ông Leif Schneider, giám đốc công ty luật quốc tế Luther tại Việt Nam, nhận định với Reuters.

Nhưng theo ông Schneider, “triển vọng dài hạn sẽ lạc quan hơn” và Việt Nam có thể trở thành điểm đến thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nếu cải cách được thực hiện hiệu quả.

Một nhà ngoại giao ở Hà Nội nhận định với Reuters với điều kiện giấu tên rằng “dự kiến tình trạng tê liệt sẽ là bình thường trong một thời gian”. Nhà ngoại giao này cũng cho rằng kế hoạch cải cách này cũng có thể là một nỗ lực của ông Lâm nhằm củng cố quyền lực.

Trong khi đó, 2 nhà đầu tư nước ngoài từ chối nêu tên nói với Reuters rằng họ kỳ vọng việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều được các doanh nghiệp mong chờ từ lâu nay, mặc dù nó có thể khiến quá trình phê duyệt dự án bị chậm lại trong một vài tháng.

Theo Báo Chính phủ, ông Lâm thừa nhận khi phát biểu tại Hội nghị hôm 16/12 rằng việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị “là vấn đề khó, thậm chí là rất khó.”

Trước đó tại Hội nghị Trung ương cuối tháng 11, ông Lâm được truyền thông trong nước trích lời nói rằng việc tinh gọn bộ máy là “cuộc cách mạng” và là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng” nên cần sự thống nhất cũng như quyết tâm cao về chính trị. Kể từ khi lên nhậm chức tổng bí thư, ông Lâm đã nhiều lần nói đến việc chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình của dân tộc.”

Đại sứ Úc tại Hà Nội Andrew Goledzinowski ví công cuộc tinh gọn bộ máy này với công cuộc cải cách kinh tế sâu rộng thời kỳ “đổi mới” những năm 1980 của Việt Nam, vốn đã biến nước Cộng sản bị chiến tranh tàn phá thành một quốc gia thương mại lớn trong những thập kỷ sau đó.

“Kỷ nguyên mới của Việt Nam đang bắt đầu vào thời điểm quan trọng” khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong giai đoạn chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, ĐS Goledzinowski viết trên mạng xã hội được Reuters trích dẫn.

Theo kế hoạch được các báo trong nước đăng tải, 5 bộ, 4 cơ quan chính phủ và 5 kênh truyền hình nhà nước sẽ nằm trong số các cơ quan bị cắt giảm. Kế hoạch còn trong giai đoạn sơ bộ nhưng dự kiến sẽ được bàn thảo và biểu quyết tại kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 2 năm tới, theo Báo Chính phủ.

Chưa có con số chính thức được công bố về số lượng việc làm có thể bị cắt giảm nhưng theo các tài liệu mà Reuters trích dẫn, hàng nghìn viên chức nhà nước có khả năng bị ảnh hưởng.

Việt Nam là trung tâm công nghiệp của khu vực phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài, vốn là động lực chính cho sự lớn mạnh của nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của họ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư ngày càng bất mãn do phê duyệt dự án chậm trễ và chậm các cải cách quy định trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra quyết liệt.

Cuộc tinh giảm biên chế do ông Lâm phát động được xem là để cải thiện tình hình này. Động thái táo bạo này cũng diễn ra chỉ hơn 1 năm trước kỳ đại hội Đảng Cộng sản 14, nơi sẽ quyết định liệu ông Lâm có được bầu chọn để lãnh đạo Đảng cho nhiệm kỳ đầy đủ 5 năm tới hay không. Hiện thời, ông Lâm chỉ đang tiếp quản chức tổng bí thư cho đến hết nhiệm kỳ còn lại của ông Trọng vốn kết thúc vào cuối năm 2025.

Công việc tinh giản bộ máy đã được đề cập qua nhiều đời tổng bí thư, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng không ai trong số họ làm được, theo tìm hiểu của VOA.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG