Đường dẫn truy cập

Donald Trump dọa tăng thuế nhập cảng


Một người đi xe đạp ngang qua bức tượng con bò mộng tại Bắc Kinh hồi tháng Năm 2019, khi các công ty đang chờ đợi phản ứng sau khi ông Trump có lệnh tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.
Một người đi xe đạp ngang qua bức tượng con bò mộng tại Bắc Kinh hồi tháng Năm 2019, khi các công ty đang chờ đợi phản ứng sau khi ông Trump có lệnh tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.

Có lần nói chuyện kinh tế Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi “tariff” (quan thuế) là từ đẹp nhất trong tự điển. Ông từng tự gọi mình là một “Người Quan Thuế” (a tariff man). Ông mới hứa hẹn sang năm 2025 sẽ đánh thuế quan 60% trên tất cả các món mua của Trung Quốc; và đánh thuế 20% trên $3 ngàn tỷ mỹ kim hàng nhập cảng từ các nước khác.

Có lúc Tổng thống Donald Trump cũng nói cho dân Mỹ nghe rằng nếu chính phủ thâu thêm được $300 tỷ đô la thuế nhập cảng, có thể sẽ bớt $300 tỷ thuế khác, dân không cần đóng nữa. Hy vọng được cắt $300 tỷ thuế lợi tức, cả nước phải hoan nghênh.

Nhưng ai sẽ đóng cho nhà nước $300 tỷ tiền thuế nhập cảng? Nhiều người có thể nghĩ lầm rằng các công ty ngoại quốc phải trả món thuế đó. Nhưng sự thật là các công ty Mỹ khi mua hàng sẽ phải đóng “tariffs,” thuế đi qua ải quan. Nếu đóng thuế 10% họ sẽ phải tăng giá bán cỡ 10% để bù lại. Cuối cùng, chính dân tiêu thụ ở Mỹ sẽ đóng góp cho nhà nước $300 tỷ tiền quan thuế. Một điều chúng ta nên nhớ, là nếu chính phủ thâu $300 tỷ thuế lợi tức thì những người giàu sẽ đóng suất thuế cao hơn cả, người lợi tức thấp đóng ít; người nghèo quá khỏi phải đóng đồng thuế nào. Còn khi chính phủ thâu $300 tỷ thuế quan, giá mọi thứ hàng hóa đều tăng khi bán ra, ai cũng phải trả như nhau. Người nghèo trả thêm $100 đô la vì thuế nhập cảng sẽ thấy đau lắm, còn các tỷ phú chắc không cảm thấy gì cả!

Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ trước, ông Trump công bố chính sách đánh thuế trên hàng Trung Quốc, nói để giảm bớt “khiếm hụt mậu dịch” tức là số chênh lệch vì Mỹ mua nhiều quá mà Trung Quốc mua của Mỹ ít quá. Cộng thêm tiền quan thuế, giá bán lên cao, hàng Trung Quốc bán được ít hơn; số khiếm hụt quả nhiên đã xuống một chút. Ông Joe Biden giữ nguyên chính sách đó không đổi. Nhưng năm 2022, số mua bán chênh lệch giữa Mỹ với Trung Quốc trở lại như cũ.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump được Bắc Kinh nhượng bộ, trong một thỏa hiệp ông gọi là có tính chất lịch sử: Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm hàng từ nước Mỹ, tổng cộng $200 tỷ mỹ kim. Nhưng Trung Quốc có thực hiện lời cam kết đó hay không? Chính phủ Mỹ không làm các công việc mua bán, đó là việc của các nhà kinh doanh. Đến nay hầu như Bắc Kinh chưa thực hiện lời cam kết mua thêm $200 tỷ đó, theo nhật báo New York Times ngày 24 tháng 11 năm 2024.

Giới truyền thông ở Mỹ, từ báo The Wall Street Journal (ngả sang Cộng Hòa) đến đài CNN (thân với Dân Chủ) đang mách kế độc giả nên mua những thứ hàng nào trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, đầu năm 2025. Thứ nhất, những món hàng nhập cảng trước đây không phải đóng thuế quan, hoặc thuế rất thấp, nay mai tất cả sẽ bị đánh thuế ít nhất 10%. Thứ nhì, tất cả các món hàng mua từ Trung Quốc, nay mai sẽ đóng thuế 60%.

Một bài nghiên cứu của Peterson Institute cho biết những món thế nào cũng tăng giá, như giầy dép, vì 99% là hàng nhập cảng; trong đó 56% mua từ Trung Quốc. Ba phần tư các món đồ thể thao và đồ chơi cho trẻ em cũng vậy. Nhiều món quan trọng hơn như đồ điện và điện tử, máy móc, sẽ tăng giá vì nhập cảng từ Trung Quốc hoặc hiện nay đóng quan thuế rất thấp.

Paul Krugman ký mục gia mới ngưng cộng tác với báo New York Times từ đầu năm 2025, cũng có lúc chống Trung Quốc rất mạnh Ông nhận xét rằng mỗi năm Trung Quốc bán ra nhiều hơn mua vào khoảng một ngàn tỷ mỹ kim và sẽ còn tăng thêm nữa; một điều khiến tất cả các nước khác bất bình, không riêng gì Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc sống dưới một chế độ độc tài, bất chấp các quy tác tự do dân chủ. Một nước như vậy mà lại thống ngự cả nền thương mại quốc tế là điều không thể chấp nhận được – ông giáo sư từng được giải Nobel về kinh tế học cũng đồng ý với Tổng thống Trump.

Ngoài Trung Quốc, trong nhiệm kỳ trước Tổng thống Trump cũng đánh thêm quan thuế trên các món thép nhập cảng từ Canada và các nước đồng minh Âu châu. Ông nghĩ nếu giá thép nhập cảng tăng lên vì phải đóng thuế, các công ty thép ở Mỹ dễ cạnh tranh, phát đạt hơn, sẽ tăng số công việc làm. Nhưng kết quả lại khác. Các công ty thép ở Mỹ có cơ hội tăng giá bán, nhưng họ không tuyển thêm công nhân. Năm 2022, số thép sản xuất ở Mỹ xuống thấp hơn năm 2017, theo World Steel Association. Mối khó khăn của công nghiệp thép ở Mỹ không phải là cạnh tranh trong giá bán. Vấn đề là họ vẫn dùng các phương pháp cũ, với máy móc cũ; nếu muốn thay đổi thì quá tốn kém mà tương lai chưa biết chắc chắn thế nào. Các công ty Nhật đã cải thiện sớm hơn. Tháng 8 năm nay, Công ty US Steel đã đồng ý bán cho Nippon Steel để nhờ đó đổi mới phương pháp sản xuất; nhưng chính phủ Joe Biden đã ngăn cản, lấy lý do an ninh quốc gia.

Bài bình luận trên nhật báo The Wall Street Journal nêu trên nhận xét rằng trong nhiệm kỳ trước Tổng thống Donald Trump không giảm bớt khiếm hụt mậu dịch của Mỹ mà chỉ thay đổi số khiếm hụt từ nước này qua nước khác. Từ năm 2017, số hàng Mỹ nhập cảng từ Mexico đang lên cao, hàng mua từ Đài Loan tăng 116%, tăng 96% từ Bangladesh, 89% từ Thailand, 76% từ Ấn Độ, 62% từ Nam Hàn và số mua từ Việt Nam đã tăng thêm 174 phần trăm (gần gấp đôi). Tờ báo Wall Street cũng báo động rằng nếu chính phủ Mỹ đánh thuế 10% trên tất cả các thứ mua từ Việt Nam, Nam Hàn và các nước đồng minh khác, thì một hậu quả có thể là đẩy các nước Á Đông vào thế tùy thuộc việc giao thương với Trung Quốc – một điều trái ngược với chiến lược của nước Mỹ trong vùng! Theo báo này, nếu Tổng thống Trump muốn nuôi quan hệ tốt với các nước này thì nên trở lại với Hiệp ước Cộng tác Á châu Thái Bình Dương, công bố tháng 10 năm 2015. Trong hiệp ước giữa 12 quốc gia đó, có Nhật Bản, Chile, Sri Lanka cho tới Việt Nam, Indonesia, vân vân, Trung Quốc muốn tham dự nhưng bị từ chối.

Gần đây nhất, ông Trump dọa sẽ đánh thuế 25% trên các thứ mua từ Mexico và Canada, mặc dù Mỹ và hai nước này đã ký kết hiệp ước tự do mậu dịch. Mỹ nhập cảng dầu lửa và khí đốt của Canada, mua 89% trái avocado và 91% cà chua từ Mexico, theo thống kê Bộ Nông Nghiệp. Người tiêu thụ sẽ phải đóng thêm thuế.

Bài quan điểm tòa soạn (Editorial Board) trên báo Wall Street Journal nhận định ông Trump nhìn thương mại quốc tế như một “cuộc chơi ăn bù thua” (zero-sum game), một người được thì người khác phải mất. Từ thế kỷ 18, ông tổ kinh tế tư bản, Adam Smith đã nêu lên một sự thật giản dị: Người ta chỉ trao đổi nếu cả hai bên đều thấy mình sẽ lợi, nếu họ tự do quyết định. Thương mại là một “cuộc chơi cả hai cùng được lợi,” (positive-sum game).

Khi tăng các món thuế đánh thuế trên hàng nhập cảng, tất nhiên phải chờ đón các đòn trả đũa từ các nước khác. Theo bài báo The Wall Street Journal đã dẫn, khi các nước khác đánh thuế trả đũa, các hàng xuất cảng của Mỹ sẽ gặp khó khăn, nền kinh tế có thể sẽ bị giảm 1.1 phần trăm, đe dọa công việc làm của 825,000 công nhân Mỹ. Chưa hết, khi đánh thuế quan trên các món nhập cảng, nhiều thứ do các công ty Mỹ mua vào là những bộ phận, phụ tùng để sản xuất các món hàng hóa vừa tiêu thụ ở Mỹ vừa để xuất cảng. Nhiều thứ như những iPhone hay iPad dùng bộ phận chế tạo ở mấy chục quốc gia, phải đưa qua lại giữa nhiều nước để ráp thêm trong quá trình sản xuất. Nếu mỗi lần đi qua biên giới lại bị đánh thuế quan thì giá sẽ tăng lên không biết bao nhiêu lần. Guồng máy bộ Thương mại Mỹ sẽ rất bận rộn lo cứu xét các trường hợp xin miễn thuế nhập cảng!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG