Đáp lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hoa Kỳ nói hôm thứ Năm 20/6 rằng Washington sẽ tiếp tục tập trung làm sâu đậm thêm mối quan hệ với Hà Nội, đối tác mà họ muốn có quan hệ vững mạnh để làm đối trọng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Cùng lúc ông Putin thăm Việt Nam, Washington thông báo rằng nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên trách Đông Á, ông Daniel Kritenbrink, sẽ tới thăm Việt Nam vào thứ Sáu 21/6 và thứ Bảy 22/6 để nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc hợp tác với Hà Nội để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Chuyến đi của ông Putin tới Triều Tiên và Việt Nam bị xem là một hành động thách thức phương Tây, và việc Việt Nam đón tiếp ông ấy đã bị Washington chỉ trích gay gắt, cho rằng không nên có nước nào trao cho nhà lãnh đạo Nga diễn đàn để ông ấy biện hộ về cuộc chiến ở Ukraine.
Người phát ngôn về an ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng John Kirby đã nhận được câu hỏi tại một cuộc báo thường kỳ rằng liệu Mỹ có tin rằng ông Putin tìm cách vận động Việt Nam ủng hộ cho cuộc chiến ở Ukraine hay không, và ông nói rằng Washington mong Hà Nội sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ.
Ông Kirby nhấn mạnh rằng Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam vào năm ngoái và nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc tiếp tục làm sâu đậm thêm, mở rộng và cải thiện mối quan hệ này vì lợi ích chung của mỗi bên và của khu vực".
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ nói khi thông báo về chuyến thăm của ông Kritenbrink rằng ông sẽ “tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ cho một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, kiên cường và thịnh vượng” và “nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc thực hiện Hiệp định Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam".
Hiện tại, Hà Nội đang chờ đợi một quyết định quan trọng của Mỹ vào ngày 26/7 về việc có đưa Việt Nam lên đạt quy chế kinh tế thị trường hay không.
Hà Nội đang muốn có được sự nâng cấp này nhưng bị các hãng sản xuất thép của Mỹ, những người nuôi tôm ở vùng Vịnh Mexico và những người nuôi mật ong phản đối, ngược lại, việc này được các nhà bán lẻ và một số nhóm kinh doanh khác ủng hộ. Được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm các mức thuế chống bán phá giá trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam do hiện tại nước này là một nền kinh tế phi thị trường chịu sự chi phối nặng nề của nhà nước.
Nói với các phóng viên hôm 20/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã không trả lời khi được hỏi liệu mối quan hệ chặt chẽ hơn của Hà Nội với Moscow có ảnh hưởng đến quyết định sắp tới của Bộ Thương mại Mỹ hay không.
Bà phát biểu rằng Washington coi Việt Nam là đối tác trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bà nói thêm rằng việc nâng cấp quan hệ đối tác không yêu cầu Việt Nam cắt đứt quan hệ với Nga hay Trung Quốc và Hà Nội có chính sách hợp tác với nhiều nước.
Bộ Tài chính vào ngày 20/6 vẫn giữ Việt Nam trong danh sách giám sát các hoạt động tiền tệ, nhưng bộ nói họ hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được và sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong báo cáo nửa năm về thị trường ngoại hối, Bộ Tài chính Mỹ cho hay lượng mua ròng ngoại hối của Việt Nam trong 4 quý tính đến hết tháng 12/2023 là 7 tỷ đô la Mỹ, tương đương 1,5% GDP, dưới ngưỡng thao túng là 2%, theo tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ. Bộ nói rằng Việt Nam đã không can thiệp liên tục trong suốt cả năm để hỗ trợ đồng nội tệ và chỉ mua ngoại hối ở mức vừa phải bất chấp áp lực giảm giá đáng kể lên tiền đồng.
Vẫn Bộ Tài chính Mỹ cho biết thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ đô la trong kỳ báo cáo, là nước có mức thặng dư lớn thứ ba trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Diễn đàn