Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi Việt Nam vì lập trường “cân bằng” trong cuộc chiến Ukraine và nêu ra những tiến bộ về thanh toán, năng lượng và thương mại trong một bài xã luận được tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam đăng hôm 19/6.
Trong bài viết được báo Nhân Dân đưa ra ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Việt Nam, tổng thống Nga ca ngợi quốc gia do Cộng sản Đông Nam Á cai trị vì đã “thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine” và “ thúc đẩy việc tìm kiếm con đường thiết thực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình”.
Việt Nam, nước chính thức theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong quan hệ với các cường quốc thế giới, đã không lên án việc Nga tấn công Ukraine, một quan điểm mà các nước phương Tây cho là quá thân thiết với Điện Kremlin.
Trong bài viết có tựa đề “Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị được thử thách qua thời gian”, ông Putin nhấn mạnh tới việc Hà Nội “theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.”
Ông Putin đã đến Hà Nội đêm ngày 19 rạng sáng ngày 20 để bắt đầu chuyến thăm theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, theo báo Tin Tức của TTXVN. Các hình ảnh được tờ báo này đăng tải cho thấy ông Putin được Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đón tiếp tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Ông Putin dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo 'tứ trụ' Việt Nam vào ngày 20/6.
Nhà lãnh đạo Nga, người có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ năm 2017 khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cho biết Nga và Việt Nam cũng chia sẻ "những đánh giá tương đồng về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Quan điểm của Việt Nam trên Biển Đông khác với quan điểm của Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này, bao gồm các mỏ khí đốt trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi các công ty Nga khai thác dầu khí.
Năng lượng và thanh toán
Ông Putin cho biết năng lượng là "lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác song phương" và nhắc tới các liên doanh Nga-Việt về nhiên liệu hóa thạch ở Biển Đông và miền bắc nước Nga.
Ông lưu ý rằng Gazprom cũng vận hành các mỏ khí đốt ở Việt Nam. Công ty năng lượng Nga Novatek "dự định triển khai các dự án khí hóa lỏng (LNG) trên lãnh thổ Việt Nam", theo ông Putin cho biết mà không nêu chi tiết.
Tổng thống Nga cũng nêu sáng kiến “thành lập Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam” với sự hỗ trợ của Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
Khoảng một thập kỷ trước, Việt Nam đã đình chỉ kế hoạch phát triển nhà máy điện hạt nhân và không rõ liệu quốc gia Đông Nam Á này có ý định xem xét lại quan điểm đó hay không. Theo những người biết về vấn đề này, Hàn Quốc và Canada nằm trong số các quốc gia đã đề xuất các phương án năng lượng hạt nhân cho Việt Nam.
Ông Putin cũng ca ngợi những tiến bộ về tài chính và thương mại trong bài viết đăng trên tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các quan chức cho biết, việc giải quyết các khoản thanh toán giữa hai nước trở nên phức tạp do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng Nga và vấn đề này từ lâu đã trở thành ưu tiên trong các cuộc gặp song phương.
Việt Nam trong lịch sử là nước nhập khẩu lớn vũ khí của Nga.
Theo ông Putin, các giao dịch bằng đồng rúp và đồng Việt Nam chiếm 60% thanh toán thương mại song phương trong quý đầu năm nay, tăng từ hơn 40% vào năm ngoái.
“Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch tài chính đáng tin cậy”, ông Putin viết, đề cập đến một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội mà ông đã tham dự lễ khai trương vào năm 2006.
Ông cũng lưu ý rằng thương mại song phương đang gia tăng. Tuy nhiên, thương mại của Việt Nam với Nga vẫn còn hạn chế và Hoa Kỳ và Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Hà Nội.
(Bản tin được cập nhật với thông tin Thủ tướng Nga Vladimir Putin tới Hà Nội)
Diễn đàn