Đường dẫn truy cập

'Ngăn sông cấm chợ" nỗi thống khổ thời Covid


Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Trước tình trạng dịch bệnh Covid lây lan trên diện rộng với số ca nhiễm phát hiện mỗi ngày từ trên 1.000 tới xấp xỉ gần 3.000 trong tuần gần đây, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác quyết định hạn chế đi lại, lập chốt kiểm soát người ra vào địa phương với hy vọng bớt ca nhiễm mới.

từ 0 giờ ngày 13/7, chính quyền thành phố đã quyết định đóng cửa các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, dẹp chợ tạm và thành lập 22 chốt kiểm soát phương tiện và người ra vào thủ đô.


Hà Nội dù tình hình lây nhiễm có đỡ hơn nhưng vì là thủ đô, đầu mối giao thông quan trọng, nên từ 0 giờ ngày 13/7, chính quyền thành phố đã quyết định đóng cửa các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, dẹp chợ tạm và thành lập 22 chốt kiểm soát phương tiện và người ra vào thủ đô. Những người đến từ vùng dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào Hà Nội.

Theo nhiều người, đây là một quyết sách cần thiết trong thời điểm này khi đại dịch Covid đang bùng phát vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với nhiều người khác, đặc biệt là người nghèo, thì dịch bùng phát và các biện pháp ‘ngăn sông cấm chợ’ hiện nay đang đẩy cuộc sống khó khăn của họ vào chỗ không lối thoát.

Chị Nguyễn Thị Lan, một người buôn bán lặt vặt ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho VOA biết từ sáng ngày 13/7, toàn bộ các chợ tạm xung quanh nhà chị đã bị chính quyền giải tán và kiểm soát nghiêm ngặt, giá thực phẩm vì thế cũng tăng nhanh chóng. Gia đình bốn miệng ăn nhà chị, vốn đã rất khó khăn do dịch bệnh kéo dài hơn năm qua, nay càng khốn đốn, không còn biết bấu víu vào đâu.

Hàng hoá ngoài chợ thường, ngay trước khi có lệnh cấm thì cũng đã tăng rồi. Ví dụ như thịt lợn nạc vai cũng từ 22 tăng lên 25.000 đồng/cân vì người nuôi trồng giờ người ta cũng chỉ có từng đấy, đem bán nốt, rồi thôi


“Chợ cóc, chợ nhái xung quanh đây là người ta dẹp hết rồi. Giờ mua bán chỉ có vào siêu thị. Siêu thị là nơi nhà nước cho phép kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được phép cung cấp từ các vùng miền về. Nhưng hàng hoá trong đấy đắt đỏ mình làm gì có tiền mà mua, mà cũng không phù hợp. Hàng hoá ngoài chợ thường, ngay trước khi có lệnh cấm thì cũng đã tăng rồi. Ví dụ như thịt lợn nạc vai cũng từ 22 tăng lên 25.000 đồng/lạng vì người nuôi trồng giờ người ta cũng chỉ có từng đấy, đem bán nốt, rồi thôi, cấm rồi biết bao giờ mới mở lại thì người ta còn nuôi, trồng làm gì nữa. Chưa kể người tỉnh khác giờ vào Hà Nội cũng khó, đem bán con gà phải có giấy tờ cho phép đi lại nữa,” chị Lan ngao ngán chia sẻ.

Theo chị, điều đáng lo hơn nữa là nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài vì vaccine tới giờ có thể nói vẫn còn rất xa vời với hầu hết mọi người. Riêng gia đình chị đã đăng ký đi tiêm vaccine dù là vaccine Trung Quốc nhưng chắc còn lâu lắm mới đến lượt. Chị cho biết thực tế, không chỉ những gia đình nghèo như chị gặp khó mà ngay cả những gia đình khá giả, những gia đình có mặt bằng kinh doanh lớn, hiện cũng lâm cảnh bi đát. Nhiều người lo lắng không biết trụ được bao lâu nếu tình trạng này kéo dài thêm nữa.

Dịch bệnh thế này, ngăn sông cấm chợ thế này thì làm ăn buôn bán gì. Chị vào đây bán vàng để trả tiền thuê nhà và lấy tiền mà sinh sống tạm qua ngày thôi.


“Có tiệm vàng bên cạnh nhà mình, họ thường gọi mình sang ngồi máy lạnh cho mát vì thời tiết năm nay nắng nóng, mình sang đấy thì thấy toàn người vào bán vàng, chứ chả có ai mua nữa. Nhiều khách hàng quen, khách xộp đấy cũng vào bán vàng. Nhân viên hỏi là em nghĩ chị vào mua, thì bà ấy trả lời: ‘Chị đang chết dở đây này. Dịch bệnh thế này, ngăn sông cấm chợ thế này thì làm ăn buôn bán gì. Chị vào đây bán vàng để trả tiền thuê nhà và lấy tiền mà sinh sống tạm qua ngày thôi.’,” chị Lan kể.

Thật vậy, những gia đình khá giả nay cũng điêu đứng vì Covid tái bùng phát mạnh. Anh Đỗ Thành Trung, một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất nước tinh khiết đóng bình, cho biết năm rồi cơ sở của anh mỗi tháng thiệt hại hơn chục nghìn bình nước vì toàn bộ hệ thống 20 trường học mà anh cung cấp phải đóng cửa, học online. Mùa khai giảng tới đây anh hy vọng có thể trở lại cấp nước cho các trường học thì dịch bệnh tái phát, nhiều khả năng học sinh vẫn chưa thể trở lại trường. Hiện cơ sở của anh đang phải cầm cự ở mức doanh thu thấp chưa từng thấy, nếu dịch bệnh kéo dài thì khó tránh việc phá sản.

Bây giờ cái gì cũng tăng giá từ lương thực, thực phẩm ngoài chợ, giá xăng dầu rồi các loại nguyên vật liệu đều tăng. Tình hình này nếu kéo dài thì không thể lấy nguồn thu đâu mà minh doanh, sinh sống.


“Bây giờ cái gì cũng tăng giá từ lương thực, thực phẩm ngoài chợ, giá xăng dầu rồi các loại nguyên vật liệu đều tăng. Tình hình này nếu kéo dài thì không thể lấy nguồn thu đâu mà minh doanh, sinh sống. Chưa kể đến việc ‘ngăn sông cấm chợ’ đi lại rất khó khăn nữa,” anh Trung than thở.

Hôm 14/7 là ngày ghi nhận kỷ lục gần 3.000 ca dương tính Covid được phát hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chưa phải là số cao cuối cùng vì đại dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận.

số người được tiêm chủng đầy đủ ở Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Chưa tới 280.000 người trên tổng số 98 triệu dân được tiêm đủ hai liều vaccine


Truyền thông, báo chí nhà nước liên tục trấn an người dân với những thông tin về các hợp đồng nhập khẩu vaccine. Tuy nhiên, tới thời điểm này, số người được tiêm chủng đầy đủ ở Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Chưa tới 280.000 người trên tổng số 98 triệu dân được tiêm đủ hai liều vaccine, theo số liệu từ trang Thông tin Chính phủ Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG