Việc Nvidia đầu tư vào Việt Nam để xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nước này hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đào tạo nguồn nhân lực đông đảo để từ đó bứt phát so với các nước khác trong khu vực về AI, một chuyên gia trong ngành nói với VOA.
Cách nay hơn một tháng, vào ngày 5/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tập đoàn Nvidia Jensen Huang đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng được truyền thông trong nước dẫn lời nói rằng đây là sự kiện ‘mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam’.
Đây là trung tâm nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo thứ ba của AI trên thế giới, sau các trung tâm đặt tại Mỹ và Đài Loan, quê hương của ông Huang, nhằm hiện thực hóa cam kết của ông là sẽ biến Việt Nam thành ‘ngôi nhà thứ hai’ của Nvidia trong chuyến thăm đất nước này hồi cuối năm 2023, theo tìm hiểu của VOA.
Đây cũng là kết quả của nỗ lực dài hơi của chính phủ Việt Nam nhằm lôi kéo Nvidia đầu tư, bắt đầu với chuyến thăm trụ sở Nvidia của Thủ tướng Chính hồi tháng 9 năm 2023 để gặp trực tiếp ông Jensen Huang.
Trí tuệ nhân tạo đã được chính phủ Việt Nam xác định đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam đi theo hướng đổi mới sáng tạo và nước này đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 để Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.
Sau đó, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vào sáng ngày 14/12, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được báo chí trong nước dẫn lời cho biết Nvidia đã ký bắt đầu dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4 cho đến 4,5 tỷ đô la Mỹ trong 4 năm tới. Theo lời ông Dũng thì việc này dự kiến giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.
‘Phát triển CUDA’
“Nó mở đầu cho Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng về nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia”, ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập và cựu phó tổng giám đốc FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, nói với VOA từ Hà Nội.
Theo lời giải thích của vị ủy viên Hội đồng Quản trị FPT thì với thỏa thuận hợp tác này, Việt Nam có thể đóng góp lớn vào hệ sinh thái CUDA của Nvidia, nền tảng mà các lập trình viên có thể phát triển các ứng dụng AI và tạo ra nhiều thư viện chứa các hàm thuật toán để sử dụng mà ông cho là ‘giá trị cốt lõi của Nvidia’ chứ không phải chip GPU có tốc độ xử lý nhanh.
“Cho nên những ai muốn phát triển các ứng dụng về AI thì làm trên CUDA là nhanh nhất vì nó có sẵn tử tất cả các công cụ, các nền tảng, các hàm thư viện và có một cộng đồng 5 triệu người đang phát triển ứng dụng”, ông Bảo giải thích.
Chiến lược chính của ông Jensen Huang là đi tìm những nơi mà có thể tham gia sâu phát triển hệ sinh thái này để các lập trình viên sử dụng nó càng nhiều càng tốt. Mục đích là tạo ra CUDA lớn mạnh đến mức không đối thủ cạnh tranh nào có thể đuổi kịp. Ông Huang chọn Việt Nam một phần cũng vì mục đích đó, ông Bảo nói thêm.
Phát triển phần mềm
Lý giải cho chọn lựa này, ông Bảo chỉ ra thế mạnh của Việt Nam trong phát triển phần mềm mà ở châu Á ông cho rằng ‘chỉ đứng sau Ấn Độ’.
“Ngoài FPT còn có khoảng 1.500 công ty phần mềm khác đang phát triển ứng dụng để cung cấp cho thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản”, ông chỉ ra. “FPT Software năm nay danh thu lên đến 1,2 tỷ đô la”.
“Với nguồn lực phần mềm như vậy thì ở châu Á ngoài Ấn Độ ra là đến Việt Nam và ở Đông Nam Á thì chẳng có nước nào có công ty có nguồn lực phần mềm lớn như vậy”, ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh.
Lý do thứ hai cho lựa chọn của ông Huang là Việt Nam là nước đã có bề dày phát triển các trò chơi trực tuyến lâu nay trong khi Nvidia đi lên từ việc sản xuất các con chip để phát triển game, cũng theo lời chuyên gia này.
“Những công ty game Việt Nam ban đầu đều phát triển trên nền card đồ họa của Nvidia. Họ đã làm việc với Nvidia từ thuở Nvidia còn rất sơ khai và chưa lớn mạnh, chưa to như bây giờ cho nên họ cũng biết năng lực phát triển game của Việt Nam”.
‘Đào tạo nhân lực’
Một khi Nvidia đầu tư vào Việt Nam, nó sẽ tạo ra cú hích để nước này xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành trí tuệ nhân tạo, ông Bảo cho biết và dẫn lại lời của ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, nói với ông Jensen Huang rằng Việt Nam ‘mong muốn đào tạo được 1 triệu người chuyển từ phát triển phần mềm và các lĩnh vực khác sang AI nếu thế giới có nhu cầu’.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng mục tiêu 1 triệu lập trình viên là xa vời bởi vì ngay cả FPT hiện nay chỉ có khoảng 32.000 người và nếu cộng của tất cả các công ty ở Việt Nam thì cũng tối đa 200.000 người.
“Việt Nam cần phải phải đào tạo nhiều hơn nữa, và phải để nhiều người chuyển nghề hơn nữa, tham gia nhiều hơn nữa vào AI để cung cấp cho Nvidia”, ông khẳng định.
Khi được hỏi liệu Việt Nam có đáp ứng được nguồn nhân lực có trình độ lớn như thế này hay không trong thời gian tới, ông Bảo thừa nhận Việt Nam ‘chỉ có khung thời gian khoảng 3 năm’ do sự phát triển như vũ bão của AI.
“Thế nên cần phải hành động quyết liệt. Tất nhiên là 3 năm không thể đạt đến 1 triệu người nhưng phải có sự tiến bộ, chẳng hạn như lên được 500, 600 ngàn người thì lúc đấy mới chộp được cơ hội chứ nếu muộn thì không kịp”, ông bày tỏ.
Ông nói để đạt được mục tiêu này không chỉ chính phủ mà các trường đại học và các doanh nghiệp đều phải chung tay ‘hành động quyết liệt’.
Ông cho rằng nếu nhìn thấy cơ hội thì các doanh nghiệp sẽ tự đào tạo nguồn nhân lực chứ không đợi các trường đại học, chẳng hạn như Đại học FPT đã mở các chương trình đào tạo về AI, bán dẫn, cũng như ký hợp đồng với Nvidia, các trường đại học của Mỹ, các doanh nghiệp Đài Loan, doanh nghiệp Hàn Quốc để họ cung cấp chương trình đào tạo và thiết bị thực hành cho sinh viên.
“Tôi nghĩ là cần phải làm mạnh hơn nữa để thay đổi nhận thức để mọi người nhìn thấy cơ hội nhiều hơn. Chứ hiện nay số lượng người nhìn thấy cơ hội chưa nhiều. Có người cho rằng đấy là không phải cơ hội hoặc là Việt Nam không thể đáp ứng. Thế thì cần thay đổi nhận thức cho cả xã hội”, ông nói.
Về chất lượng các lập trình viên của Việt Nam, ông Bảo chỉ ra hai tố chất quan trọng trong phát triển AI, ngoài năng lực phát triển phần mềm còn có ‘khả năng toán’ mà ông cho là Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới. Ông dẫn chứng Việt Nam đã đạt được nhiều huy chương ở các kỳ thi quốc tế để cho rằng năng lực toán của sinh viên Việt Nam chỉ xếp sau các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc…
‘Đột phá cho Việt Nam’
Vị đồng sáng lập FPT này nhận định rằng thỏa thuận hợp tác này ‘sẽ là bước đột phá’ cho Việt Nam bởi vì nó không chỉ đưa Việt Nam có vị trí quan trọng hơn trong chuỗi bán dẫn và AI toàn cầu mà còn giúp quốc gia này có nguồn lực tốt hơn để ứng dụng trí tuệ cho chính phủ, người dân và doanh nghiệp của mình, điều mà ông cho rằng chưa bằng các nước xung quanh vì ngân sách đầu tư của chính phủ Việt Nam cho AI ít hơn.
Theo lời ông thì đây là ‘viên gạch đầu tiên’ cho ‘cái nhà cao’ sau này mặc dù vào lúc này đóng góp của ngành trí tuệ nhân tạo cho kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn. “Phải mất vài năm khi mà cái móng nhà xong thì bắt đầu xây tầng lên, lúc đấy thì cái nhà sẽ lên cao nhanh”, ông nói.
“Khi có cái trung tâm nghiên cứu và phát triển của Nvidia ở đây thì sẽ có một cộng đồng để mọi người có thể trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau để các doanh nghiệp Việt Nam tự phát triển ứng dụng của mình, gần với quốc tế hơn và có thể trở thành sản phẩm tốt hơn để cung cấp cho thế giới”, ông nói thêm.
Ngoài ra, khi Việt Nam chuyển một lực lượng lao động lớn đang làm những công việc có thu nhập thấp sang phát triển ứng dụng AI có thu nhập cao hơn nhiều thì ‘đó sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình’, cũng theo lời chuyên gia này.
Bên cạnh đó, việc Nvidia vào Việt Nam cũng tạo tác động lan tỏa đến các hãng công nghệ khác tìm đến Việt Nam để đầu tư, ông Bảo cho biết. “Trước đây Samsung đầu tư ở Việt Nam họ chủ yếu sản xuất điện thoại di động nhưng bây giờ họ cũng mở trung tâm nghiên cứu phát triển”, ông chỉ ra.
Diễn đàn