Hai trang tin Indonesia Business Post và The Pinnacle Gazette đăng bài hôm 10/12 cho rằng Việt Nam vượt trội nước láng giềng Indonesia về thu hút đầu tư nước ngoài với minh chứng là hãng công nghệ Mỹ Nvidia hôm 5/12 đã ký thỏa thuận với Hà Nội để cùng nhau thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và một trung tâm dữ liệu.
Như VOA đã đưa tin, thỏa thuận được ký kết với sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang.
Việt Nam nhìn nhận việc hình thành 2 trung tâm sử dụng các công nghệ do Nvidia cung cấp “sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI tiên tiến tại Việt Nam”.
Bên cạnh đó, vẫn theo quan điểm của quốc gia này thể hiện trên Báo Chính Phủ, sự hỗ trợ của Nvidia trong lĩnh vực AI sẽ giúp Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu phát triển trong ngành công nghệ cao nói chung, lĩnh vực AI nói riêng, mà còn góp phần thúc đẩy toàn bộ khu vực Đông Nam Á trở thành một điểm đến của đổi mới sáng tạo.
Indonesia Business Post nhận xét rằng diễn biến kể trên “củng cố vị thế của Việt Nam là một đích đến cho các khoản đầu tư công nghệ tại Đông Nam Á”, trong khi The Pinnacle Gazette đánh giá sự lựa chọn của Nvidia có tính “chiến lược” và “làm nổi bật danh tiếng ngày càng vang xa của Việt Nam là một trung tâm cho việc đầu tư vào công nghệ, đó là một danh hiệu mà Indonesia lâu nay chật vật cố gắng giữ trong khi gặp nhiều trở ngại”.
Indonesia Business Post và The Pinnacle Gazette dẫn lại lời của ông Teuku Riefky, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc Đại học Indonesia (LPEM UI), bình luận rằng Indonesia dường như đang tụt hậu so với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, và nêu ra một số trở ngại lớn góp phần làm cho Indonesia tụt hậu về mặt này, đặc biệt là trong phát triển AI, cụ thể là các điều kiện trong lĩnh vực việc làm, tài chính, đổi mới, sự ổn định về pháp lý và mức độ tham nhũng.
“Thủ tục hành chính ở Indonesia rườm rà hơn so với Việt Nam. Để mở doanh nghiệp, Indonesia cần 11 loại giấy tờ, trong khi Việt Nam chỉ cần 8. Về thuế, Indonesia yêu cầu nhà đầu tư nộp 26 loại giấy tờ thuế, trong khi Việt Nam chỉ cần 6”, ông Riefky nói với báo giới bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Selular ở Jakarta hôm 5/12, được Indonesia Business Post và The Pinnacle Gazette trích đăng lại.
Vẫn nhà kinh tế học này nêu bật tình trạng chất lượng nguồn nhân lực (HR) của Indonesia đang giảm sút, hiện đang tụt hậu so với Việt Nam. Ông nói: “Chất lượng HR của Indonesia vốn từng vượt trội hơn Việt Nam giờ đây đang bắt đầu tụt hậu, và điều này sẽ tiếp tục trong vài năm tới”, theo tường thuật trên Indonesia Business Post và The Pinnacle Gazette.
Hai trang tin cho hay ông Riefky tỏ ý lo lắng rằng nếu Indonesia không “cải cách lớn”, nước này “sẽ bị bỏ lại phía sau” như đã thấy trong việc Nvidia lựa chọn Việt Nam.
Bài báo của Indonesia Business Post nêu ra vấn đề về độ mở dành cho đầu tư nước ngoài, viết rằng căn cứ vào chỉ số về mức độ hạn chế, Indonesia là một trong những quốc gia thuộc nhóm G20 bị xem là “đóng cửa nhất” với đầu tư nước ngoài, chỉ tốt hơn Philippines.
Ông Rifky, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia, đánh giá rằng “Việt Nam ngày càng vượt trội trong việc thu hút đầu tư, trong khi Indonesia phải đối mặt với những thách thức về mặt cơ cấu cần phải giải quyết ngay lập tức”.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở Đông Nam Á, Indonesia cần thực hiện các bước cụ thể để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra sự ổn định về pháp lý, Indonesia Business Post viết.
Trang tin này dẫn lời kết luận của ông Riefky rằng: “Những cải cách này rất quan trọng để tăng sức hấp dẫn về đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng”.
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên trang web của bộ về môi trường đầu tư năm 2024 của Việt Nam viết rằng chính phủ nước này “có những chính sách được thực hiện mà nhìn chung là tạo điều kiện thuận lợi cho FDI [đầu tư trực tiếp của nước ngoài], nhất là cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế tạo có định hướng để xuất khẩu”.
Theo báo cáo của bộ, các yếu tố thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam bao gồm “ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dân số trẻ, có học vấn và ngày càng đô thị hóa, chi phí lao động cạnh tranh, và ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại”.
Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu ra những thách thức đáng kể mà Việt Nam phải đối mặt về môi trường đầu tư.
Đó là tham nhũng trên diện rộng, các doanh nghiệp nhà nước nắm chặt một số ngành nhất định, các quy định có thể bị thay đổi trong một số ngành quan trọng, cơ chế pháp lý yếu và không minh bạch, thực thi pháp luật kém về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiếu lao động kỹ năng cao, có những hạn chế, cấm đoán về người lao động, và chính phủ chậm chạp trong quy trình đưa ra quyết định.
Các số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại, cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ đô la, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Diễn đàn