Đường dẫn truy cập

Việt Nam không cho tiêm trộn vaccine COVID-19 Moderna như với Pfizer


Bộ Y tế Việt Nam cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer-BioNTech với AstraZeneca, nhưng yêu cầu tiêm đủ hai liều cùng loại đối với vaccine Moderna.
Bộ Y tế Việt Nam cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer-BioNTech với AstraZeneca, nhưng yêu cầu tiêm đủ hai liều cùng loại đối với vaccine Moderna.

Bộ Y tế Việt Nam ngày 14/7 đưa ra thông báo về việc phân bổ 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ, đồng thời yêu cầu phải tiêm đủ hai liều cùng một loại vaccine này, không cho phép tiêm trộn với các loại vaccine COVID-19 khác giống như vaccine của Pfizer.

VnExpress dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết 10 tỉnh, thành phố miền nam được phân bổ 505.680 liều. Trong đó, “tâm dịch” TPHCM được nhận 235.200 liều và những nơi đang bùng phát dịch như Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 65.520 liều, Long An 31.920 liều, Tiền Giang và An Giang mỗi tỉnh 21.840 liều, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ nhận 15.000-16.800 liều.

Số vaccine Moderna mà Việt Nam mới nhận được vào ngày 10/7 cũng được phân bổ cho 28 tỉnh thành miền bắc. Trong đó, Hà Nội được nhận nhiều nhất với 120.960 liều, kế đó là Hải Dương 43.680 liều, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình nhận từ 40.000-42.000 liều. Riêng miền trung, tỉnh Khánh Hòa được nhận nhiều nhất với 42.000 liều.

Cùng với thông báo về số lượng phân bổ vaccine Moderna, Bộ Y tế Việt Nam cũng không cho phép tiêm trộn loại vaccine này với loại vaccine ngừa COVID khác, mà yêu cầu phải tiêm đủ 2 liều Moderna.

Trong khi đó, hôm 13/7, khi thông báo về việc phân bổ hơn 745.000 liều vaccine Pfizer mua từ tiền ngân sách theo hợp đồng 31 triệu liều ký với Pfizer vào tháng 5, Bộ Y tế Việt Nam cho phép dùng vaccine Pfizer để tiêm mũi thứ 2 cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca.

“Chỉ trong trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần, nếu người được tiêm chủng đồng ý. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng”, báo Tuổi Trẻ dẫn thông báo của Bộ Y tế nhấn mạnh.

Chiến dịch tiêm chủng đại trà của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu. Cho đến nay, chưa đến 300.000 người được tiêm chủng đầy đủ.

Một số quốc gia như Canada, Tây Ban Nha và Hàn Quốc đã phê duyệt việc tiêm trộn vaccine Pfizer với vaccine AstraZeneca, chủ yếu do lo ngại về khả năng AstraZeneca có thể có liên quan đến tình trạng đông máu ở một số bệnh nhân, nâng cao nguy cơ gây tử vong.

Kết quả sơ bộ của một nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho thấy sự kết hợp của vaccine Pfizer và AstraZeneca rất an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới hôm 12/7 khuyến cáo không nên tiêm trộn vaccine COVID-19, gọi đây là một “xu hướng nguy hiểm” vì hiện có rất ít dữ liệu về tác động trên sức khỏe.

Chính phủ Việt Nam trong một tuyên bố riêng cho biết Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ để đảm bảo 15 triệu liều vaccine COVID-19 Covaxin.

Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn, bao gồm từ cơ chế COVAX, tài trợ và tự mua.

Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổng giám đốc John Paul Pullicino của Pfizer Việt Nam cam kết cung ứng 20 triệu liều vaccine COVID-19 trong quý 4 để Việt Nam tiêm cho khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi 12-18.

Hiện Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến chiến dịch tiêm chủng giữa bối cảnh tốc độ lây nhiễm gia tăng lên mức kỷ lục hàng ngày, cao gần 8 lần trong tháng này.

Tính đến 14/7, Việt Nam báo cáo có tổng cộng 37.434 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.934 ca ghi nhận trong ngày, chủ yếu ở “tâm dịch” TPHCM. Cùng ngày, cũng có thêm 3 người tử vong vì dịch, nâng tổng số người chết từ đầu dịch đến nay thành 135.

VOA Express

XS
SM
MD
LG