Đường dẫn truy cập

Năm nước vực dậy hiệp ước an ninh 1971 giữa mối đe dọa từ Trung Quốc


Bộ trưởng cấp cao của Malaysia về Quốc phòng, Hishammuddin Hussein, phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp củaThỏa thuận Phòng thủ Năm cường quốc (FPDA) tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21/10/2021.
Bộ trưởng cấp cao của Malaysia về Quốc phòng, Hishammuddin Hussein, phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp củaThỏa thuận Phòng thủ Năm cường quốc (FPDA) tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21/10/2021.

Anh và bốn nước thành viên châu Á trong Khối thịnh vượng chung vừa công bố nỗ lực mở rộng và tái tạo sức mạnh cho Thỏa thuận Phòng thủ Năm cường quốc (FPDA), một loạt thỏa thuận tương trợ bao gồm Anh, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc.

Về cốt lõi, hiệp ước buộc các thành viên phải tham khảo ý kiến của nhau trong trường hợp có mối đe dọa tấn công vũ trang đối với bất kỳ thành viên nào trong FPDA và cùng nhau quyết định các biện pháp, chung hoặc riêng. Không có nghĩa vụ cụ thể nào để can thiệp quân sự.

Hiệp ước được thành lập vào năm 1971, sau khi Vương quốc Anh chấm dứt bảo đảm quốc phòng cho Malaya.

Bộ Quốc phòng Singapore cho hay tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước vừa kể bên lề ba ngày Đối thoại Shangri-La vừa kết thúc tại Singapore hôm 12/6, Bộ trưởng 5 nước đã thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác hiện có trong các lĩnh vực qui ước cũng như trong các lĩnh vực phi qui ước và mới nổi, để đảm bảo rằng FPDA vẫn phù hợp trong việc giải quyết các thách thức an ninh đương đại.

Vẫn theo nguồn tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc cũng thảo luận về vai trò quan trọng của FPDA trong việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cung cấp sự trấn an trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Bộ trưởng cấp cao của Malaysia về Quốc phòng, Hishammuddin Hussein, cho biết tại cuộc họp rằng “mối quan tâm lớn nhất của ông là các sự cố và tai nạn ngoài ý muốn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành lớn chuyện.”

Mặc dù ông không đề cập đến tên của bất kỳ quốc gia nào nhưng những mối đe dọa an ninh tức thời nhất trong khu vực bao gồm một cuộc tấn công của Trung Quốc có thể xảy ra nhắm vào Đài Loan và một tai nạn liên quan đến phi đạn hạt nhân của Triều Tiên.

“Nếu các nền tảng này [chẳng hạn như FPDA] không tồn tại, sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để quản lý các sự cố đôi khi vượt quá tầm kiểm soát”, ông Hussein nói.

Ngoài ông Hussein, những người tham dự cuộc họp còn có Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare và Cao ủy Anh tại Singapore Kara Owen. Cả năm người đều tái khẳng định cam kết của họ với FPDA.

“Úc cam kết sâu sắc với FPDA”, ông Marles nói với các nhà báo tại cuộc họp. “Đó không phải là điều mà chúng tôi coi nhẹ.”

Ông Marles cũng nói FPDA đang xem xét vấn đề an ninh hàng hải và chống khủng bố, cũng như cách làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề nhân đạo và đảm bảo chuỗi cung ứng.

Ông nói: “Tất cả những điều này đều là những lĩnh vực mà chúng tôi có thể làm việc để tạo ra sự phù hợp hiện đại của FPDA, điều mà chúng tôi thực sự muốn làm.”

Mối quan tâm vực dậy trong FPDA sau khi Bộ tứ Quad được thành lập vào năm 2007 - một cuộc đối thoại an ninh không chính thức liên quan đến Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ - và AUKUS, một hiệp ước an ninh năm 2021 giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc.

Bất chấp những thỏa thuận mới hơn đó, ông Marles nói FPDA vẫn còn phù hợp vì nó “dựa trên 50 năm lịch sử”.

“AUKUS và Quad có vai trò của chúng, và chúng tôi rõ ràng cũng cam kết với kiến trúc đó, nhưng một thoả thuận bền bỉ như FPDA quả thực rất quý giá đối với Úc.”

Bộ Quốc phòng Singapore nói FPDA sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực và đóng góp xây dựng vào cấu trúc an ninh vùng thông qua các cuộc tập trận, đối thoại thường xuyên và các nền tảng tương tác chuyên nghiệp.

Bên cạnh Đài Loan và mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, trong khu vực cũng tiếp tục có lo ngại về tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.

“Thật vậy, bối cảnh đương đại của FPDA chắc chắn dẫn đến Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cọ xát với các tuyên bố chủ quyền ngoài khơi của Malaysia, làm tăng khả năng xâm lược từ bên ngoài và chiến tranh qui ước có thể một lần nữa sống lại tại Đông Nam Á”, theo ông Euan Graham, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore.

XS
SM
MD
LG