Hàn Quốc và Hoa Kỳ loan báo đã bắn tám phi đạn đất đối đất vào sáng sớm ngày 6/6 ngoài khơi bờ biển phía đông của Hàn Quốc, đáp trả một loạt phi đạn đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên phóng đi hôm 5/6.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, hành động này là một sự thể hiện “khả năng và sự sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công chính xác” nhắm vào nguồn gốc các vụ phóng phi đạn của Triều Tiên hoặc các trung tâm chỉ huy và hỗ trợ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, mới nhậm chức vào tháng trước, tuyên bố sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với Triều Tiên và nhất trí với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 ở Seoul nâng cấp các cuộc tập trận chung và tư thế răn đe phối hợp.
Triều Tiên đã tiến hành một loạt các vụ phóng phi đạn trong năm nay và ông Yoon nói các chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của miền Bắc đã đạt đến mức độ có thể gây ra mối đe dọa đối với hòa bình khu vực và thế giới.
Ông Yoon khẳng định tại một sự kiện nhân Ngày Chiến sĩ Trận vong của Hàn Quốc rằng “miền Nam sẽ tiếp tục xây dựng các khả năng an ninh cơ bản và thiết thực, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.”
Quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bắn 8 phi đạn đất đối đất trong khoảng 10 phút bắt đầu từ 4:45 sáng ngày 6/6 để đáp trả tám phi đạn do Triều Tiên bắn vào ngày 5/6, Yonhap đưa tin.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận 8 Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Lục quân (ATACMS) đã được khai hỏa.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết cuộc diễn tập này bao gồm một phi đạn của Quân đội Hoa Kỳ và bảy phi đạn từ Hàn Quốc.
“Liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ vẫn dốc lòng vì hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Bộ nói trong một tuyên bố.
Tập trận đáp ứng
Phi đạn đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, được bắn về phía biển ngoài khơi bờ biển phía đông của họ hôm 5/6, có lẽ là vụ thử đơn lẻ lớn nhất của Triều Tiên, diễn ra một ngày sau khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc các cuộc tập trận chung.
Các cuộc tập trận song phương Mỹ-Hàn có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên sau hơn 4 năm.
Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận chung vào ngày 5/6 để đáp trả các vụ thử phi đạn mới nhất của Triều Tiên.
Triều Tiên, quốc gia đang chiến đấu với đợt bùng phát COVID đầu tiên được biết đến, đả kích rằng các cuộc tập trận chung trước đó là ví dụ về “các chính sách thù địch” tiếp diễn của Washington đối với Bình Nhưỡng bất chấp việc nước này nói về ngoại giao.
Yonhap dẫn một nguồn tin giấu tên nói, một loạt phi đạn của Triều Tiên ngày 5/6 được phóng từ 4 địa điểm, trong đó có Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Ông Leif-Eric Easley, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul, cho rằng hệ thống phòng thủ phi đạn hiện tại của Hàn Quốc là không đủ để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.
“Điều này không chỉ kêu gọi các khoản đầu tư hơn nữa vào các khí tài mà còn là một cách tiếp cận đa tầng hơn được phối hợp với Nhật Bản và các nỗ lực ngoại giao với Bắc Kinh để giảm động lực chạy đua vũ trang với Bình Nhưỡng.”
Triều Tiên tiếp tục xu hướng gần đây không đưa tin về các vụ phóng phi đạn trên truyền thông nhà nước, điều mà một số nhà phân tích cho là nhằm cho thấy các vụ thử là một phần của các cuộc tập trận quân sự thường lệ.
Các quan chức Washington và Seoul gần đây cũng cảnh báo Triều Tiên dường như đã sẵn sàng nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Tháng trước, Triều Tiên đã bắn ba phi đạn, trong đó có một phi đạn được cho là ICBM lớn nhất của nước này, Hwasong-17, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du châu Á, nơi ông đồng ý với các biện pháp mới nhằm ngăn chặn quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Các lực lượng chung Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng đã bắn phi đạn để đáp trả các vụ thử đó, mà hai đồng minh cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tháng trước, Hoa Kỳ kêu gọi thêm các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên vì các vụ phóng phi đạn đạn đạo của nước này, nhưng Trung Quốc và Nga đã phủ quyết đề nghị ấy, lần đầu tiên công khai chia rẽ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Triều Tiên kể từ khi cơ quan này bắt đầu trừng phạt vào năm 2006, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.