Australia sẽ bắt đầu cùng sản xuất các vũ khí có điều hướng với Mỹ vào năm tới để tăng cường cung cấp cho các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này, bao gồm cả những máy bay ném bom, hai nước cho biết sau cuộc hội đàm quốc phòng thường niên, Reuters đưa tin.
Australia và Mỹ hiện đang nỗ lực nâng cấp các căn cứ không quân ở miền bắc và miền tây Australia, những nơi gần hơn với các điểm xung đột tiềm tàng với Trung Quốc ở Biển Đông so với thủ đô Canberra của Australia.
Sau cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Australia- Mỹ (AUSMIN) ở Annapolis, bang Maryland, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay sẽ có sự gia tăng hiện diện của các lực lượng luân phiên của Mỹ ở Australia.
Ông nói: “Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều máy bay tuần tra hàng hải và máy bay trinh sát hoạt động từ các căn cứ trên khắp miền bắc Australia. Nó cũng đồng nghĩa là máy bay ném bom được triển khai luân phiên thường xuyên hơn”.
Hiện không có căn cứ quân sự nào của Hoa Kỳ ở Úc, nhưng thành phố Darwin thuộc miền bắc Úc có Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ luân phiên 6 tháng mỗi năm và Hoa Kỳ đang xây dựng cơ sở vật chất trong các căn cứ của Úc để phục vụ cho thủy quân lục chiến và các phi đội không quân Mỹ ghé thăm.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói rằng sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Australia đã góp phần răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc sản xuất các vũ khí có điều hướng ở Australia.
Australia sẽ bắt đầu cùng sản xuất tên lửa có điều hướng vào năm tới, bao gồm cả Hệ thống rocket đa nòng có điều hướng (GMLRS) được sử dụng ở Ukraine.
Ông Marles nói thêm: “Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở đất nước chúng tôi mang lại cơ hội to lớn để hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực”.
Nhật Bản sẽ tăng cường tập trận với Thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin, trong khi Australia và Mỹ sẽ tổ chức tập trận thường xuyên ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc đối thoại AUSMIN cho biết.
Tuyên bố này lần đầu tiên đề cập đến lãnh thổ chiến lược ở Ấn Độ Dương của Australia, là Quần đảo Cocos. Tuyên bố cũng nói rằng Hoa Kỳ hoan nghênh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng theo kế hoạch của Australia tại đó và hỗ trợ Australia hoàn thành công việc này.
Quần đảo Cocos, với dân số 600 người, nằm cách đất liền Australia 3.000 km về phía tây và được Lực lượng Phòng vệ Australia mô tả là chìa khóa cho các hoạt động giám sát hàng hải ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tàu ngầm.
Australia cho biết họ sẽ bắt đầu mở rộng một sân bay trên đảo này trong năm nay để có thể vận chuyển các máy bay quân sự hạng nặng hơn, bao gồm cả máy bay săn tàu ngầm P-8A Poseidon.
Diễn đàn