Đường dẫn truy cập

Mỹ kêu gọi ASEAN đoàn kết ở Biển Đông, Bắc Kinh muốn được tôn trọng


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton chụp hình lưu niệm với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/9/2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton chụp hình lưu niệm với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/9/2012
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm qua đã gặp ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đại diện ban thư ký của tổ chức này ở Jakarta để thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh hải ở vùng biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là biển Đông.

Các giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Clinton muốn tìm hiểu xem Hoa Kỳ có thể làm được gì để giúp đỡ các quốc gia trong khu vực giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở vùng biển này.

Theo bài tường thuật từ Jakarta của thông tín viên VOA Scott Stearns tháp tùng ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nhân chuyến thăm quốc gia Đông Nam Á này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng tất cả các quốc gia có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Bà Clinton nói: “Hoa Kỳ tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng không bên nào nên tiến hành các bước đi làm gia tăng căng thẳng, hay làm bất cứ điều gì bị coi là cưỡng ép hay đe dọa để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình.”

Hoa Kỳ vẫn từng tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông. Khu vực này trở thành một trong những điểm nóng kể từ khi Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ‘chuyển trọng tâm chú ý của Mỹ sang vùng châu Á – Thái Bình Dương sau nhiều năm tham chiến ở Iraq và Afghanistan.

Hoa Kỳ hiện thúc giục các thành viên của ASEAN cùng hợp tác để thương thảo một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông với Trung Quốc – tiến trình vốn bị trì hoãn bấy lâu nay, nhằm tìm ra phương hướng giải quyết các bất đồng ở Biển Đông.

Bà Clinton cũng hối thúc ASEAN đoàn kết để xử lý các tuyên bố chủ quyền trái ngược không chỉ với Trung Quốc mà còn giữa các nước trong khối này thông qua biện pháp ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng mục tiêu trước mắt là đạt tiến bộ trong việc tìm ra ‘một bộ quy tắc ứng xử có sức nặng’ trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra tại Phnom Penh vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, ông Natalegawa tuyên bố rằng hướng đi của ASEAN rất rõ ràng, đó là thúc đẩy việc hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói:

Ông Natalegawa nói: “Việc thiếu một bộ quy tắc ứng xử và tiến bộ ngoại giao sẽ dẫn tới thêm các sự cố và căng thẳng trong khu vực. Vì thế, đây là mối quan hệ mà các bên đều có lợi.Việc ASEAN cùng đoàn kết không những là điều đúng đắn, mà còn là việc nên làm vì sự thiếu sự thống nhất của ASEAN, sẽ dẫn tới những điều khó lường trong khi đem vấn đề ra thảo luận.”

Sau Indonesia, bà Clinton hôm nay sẽ tới Bắc Kinh. Tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông được cho là sẽ nằm trong nghị trình của các cuộc thảo luận của bà ở Bắc Kinh, Brunei và tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dưỡng ở Nga sắp tới.

Một ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi một lần nữa nhấn mạnh rằng 'các tranh chấp tại khu vực biển Nam Trung Hoa cần phải được giải quyết trực tiếp bởi các bên liên quan'.

Ông Hồng nhấn mạnh: “Vấn đề tranh chấp nên được giải quyết thông qua các cuộc thương lượng hữu nghị, được quy định trong tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông ký kết năm 2002.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng các quốc gia không có tranh chấp tại vùng biển Nam Trung Hoa ‘nên tôn trọng sự lựa chọn của các bên liên quan, giữ lập trường bất thiên vị và nỗ lực thêm nữa vì hòa bình và ổn định, thay vì gây ảnh hưởng có hại’.

ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông sẽ trở thành tài liệu mang tính ràng buộc pháp lý nhằm làm nền tảng cho các hành xử trên biển cũng như thiết lập các cách thức giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Cho dù các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đạt đồng thuận đối với bản dự thảo của quy tắc ứng ở biển Đông hơn một thập kỷ trước, văn bản chung cuộc vẫn chưa thể được hoàn thành, một phần vì quan điểm của Trung Quốc cho rằng các bất đồng nên được giải quyết trên cơ sở song phương, thay vì đa phương.

Nguồn: China Foreign Ministry, The State Department, Reuters, the Wall Street Journal, Xinhua, VOA, CNN, UPI

VOA Express

XS
SM
MD
LG