Chữ “minh chủ” ở trên rõ ràng được mô phỏng theo ngôn ngữ phim Tàu. Trong phim kiếm hiệp Tàu, hầu như người nào có võ nghệ cao cường cũng đều mong ước trở thành minh chủ võ lâm. Không đủ sức thì dùng đủ mọi thứ mưu mô, thủ đoạn. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc hình như cũng muốn tham vọng ấy: muốn giành ngôi minh chủ thế giới của Mỹ.
Để trở thành “minh chủ” hay nước lãnh đạo thế giới, người ta cần ba điều kiện chính: một, một siêu quyền lực về quân sự để có khả năng can thiệp vào tình hình chính trị ở bất cứ nơi nào trên thế giới; hai, một siêu quyền lực về kinh tế để có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển ở quy mô toàn cầu; và ba, một siêu quyền lực mềm (soft superpower) để trở thành một bảng giá trị chuẩn phổ quát được mọi người ngưỡng mộ, chấp nhận và học tập.
Trước khi bàn đến từng điểm trong ba điều kiện ấy, chúng ta thử tìm hiểu một vấn đề khác: trên thế giới, người ta có tin là Trung Quốc có đủ sức để trở thành một siêu cường số một và đóng vai trò lãnh đạo thế giới hay không? Câu trả lời phổ biến nhất là: Có. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Pew Research Center’s Global Attitudes Project thực hiện trong hai tháng, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2011,[1] cho thấy, ở 15 trong số 22 quốc gia được thăm dò, phần lớn dân chúng nghĩ là Trung Quốc đã hoặc/và đang thay thế Mỹ trong vai trò một siêu cường đứng đầu thế giới. Tỉ lệ dân chúng tin điều đó ở Pháp là 72%; ở Tây Ban Nha là 67%; ở Anh là 66% và ở Đức là 61%. Ngay chính ở Mỹ, dân chúng cũng phân vân: một nửa nghĩ là không và một nửa khác tin là có. Số lượng quốc gia cho là Trung Quốc không bao giờ giành được vị thế minh chủ thế giới tương đối ít: Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Nhật Bản, Indonesia và Brazil (Xem bảng “Will China replace U.S. as world’s leading superpower?” – Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường đứng đầu thế giới?).
Điều đáng chú ý không phải chỉ ở tỉ lệ áp đảo của những người tin là Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường số một mà còn ở tốc độ của sự thay đổi trong nhận định của dân chúng. Ở trên, chúng ta thấy là ở Mỹ, 46% dân chúng tin vào điều đó. Trước đó, vào năm 2009, tỉ lệ những người tin như vậy chỉ có 33%. Như vậy, chỉ có hai năm mà thêm 13%.Điều đáng ngạc nhiên là số người tin Trung Quốc đóng vai trò đầu đàn về kinh tế tương đối thấp hơn. Phần lớn các nước Đông Âu, Á châu và Phi châu vẫn tiếp tục tin tưởng vào Mỹ. Nhưng dân chúng ở các nước phát triển nhất ở Tây Âu, ngược lại, càng ngày càng tin là vai trò lãnh đạo về kinh tế đang dần dần lọt vào tay Trung Quốc.
Điều đáng chú ý nhất là phản ứng của dân chúng các nước trước sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Ở đây có hai khía cạnh. Thứ nhất, về khía cạnh kinh tế, phần lớn các phản ứng có tính chất lạc quan. Tổng cộng có 13 quốc gia tin là sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có lợi cho họ. Nhưng ở khía cạnh thứ hai, về quân sự, chỉ có 4 quốc gia cho là sự phát triển của Trung Quốc là điều tốt. Còn lại, tất cả đều xem đó là một đe dọa. Nước có cái nhìn thiên về sự đe dọa ấy nhiều nhất là Nhật (87%), kế tiếp là Pháp (83%); Mỹ và Đức (79%), Tây Ban Nha và Nga (74%), Anh (71%), Ba Lan (68%), Thổ Nhĩ Kỳ và Israel (66%) (Xem bảng “How China’s growing power affects your country” – Sự phát triển của Trung Quốc ảnh hưởng đối với nước bạn như thế nào).
Trong bảng “Would it be good or bad if China became as powerful military as the U.S.?” – Sẽ là một việc tốt hay xấu nếu Trung Quốc trở thành một siêu cường quân sự như Mỹ?, chúng ta có thể thấy rõ hơn quan niệm của dân chúng từng nước đối với việc phát triển quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây:Xin lưu ý là đối tượng chính của cuộc thăm dò dư luận này là quần chúng. Kỳ tới, chúng ta sẽ nhìn vấn đề từ góc độ của các chuyên gia. Giữa hai góc độ này, có sự khác biệt khá lớn.
Một điều khác cũng cần lưu ý là dường như không ai quan tâm đến việc thăm dò ý kiến của dân chúng Việt Nam về sự phát triển của Trung Quốc ở cả hai lãnh vực kinh tế và quân sự. Nếu một cuộc thăm dò như thế được thực hiện một cách nghiêm túc, kết quả có lẽ sẽ rất thú vị.
Và vô cùng cần thiết cho giới hoạch định chính sách ở Việt Nam.
[1] Toàn bộ số liệu trong bài này đều lấy từ trang web: http://www.pewglobal.org/2011/07/13/chapter-1-the-global-balance-of-power/
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.