Đường dẫn truy cập

Tường lửa ở Trung Quốc


Đến Trung Quốc, tôi mới phát hiện một điều khá thú vị: Tờ báo mạng Tiền Vệ do Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi, cùng với một số bạn bè ở Úc thực hiện, bị tường lửa, không thể vào đọc được.

Trước, ở Úc, tôi và bạn bè trong nhóm, không ai biết điều đó. Nói đến tường lửa đối với các tờ báo mạng bằng tiếng Việt, chúng tôi chỉ nghĩ đến Việt Nam. Mà, ở Việt Nam, nói chung, Tiền Vệ không bị cấm. Ít nhất là không chính thức bị cấm. Vì vậy, chúng tôi cứ ngây thơ tưởng ở đâu người ta cũng có thể đọc Tiền Vệ được, nếu muốn.

Nhưng, không phải.

Tôi đến Bắc Kinh vào tối ngày 10 tháng 2. Một trong những việc đầu tiên tôi làm, như một thói quen, là vào internet. Trình tự các trang báo mạng tôi đọc hàng ngày khá cố định: trước tiên là các tờ báo tiếng Anh, từ The New York Times và The Washington Post ở Mỹ đến The Age và The Australian ở Úc; sau đó là vài tờ báo bằng tiếng Việt, từ VOA đến RFA, BBC và Người Việt. Thường, tôi chỉ đọc lướt qua, thật nhanh, để nắm bắt những tin tức quan trọng nhất trong ngày. Sau cùng, tôi đọc các blog cũng như các tờ báo mạng thuộc lãnh vực văn hoá và văn nghệ, đặc biệt văn học. Tối hôm ấy, ở khách sạn Sheraton, tôi vào các tờ báo tiếng Anh dễ dàng và nhanh chóng. Trang mạng của đài VOA cũng vào được, dù hơi chậm. Báo Người Việt ở California: vào được. Nhưng đến Tiền Vệ: không được. Tôi đổi sang laptop khác: Vẫn không được.

Tôi nghĩ trang mạng của Tiền Vệ gặp trục trặc gì đó về kỹ thuật. Những trục trặc như vậy xảy ra khá thường. Mỗi lần chỉ vài tiếng.

Sáng hôm sau, trước khi theo tour đi thăm viếng vài thắng cảnh ở Bắc Kinh, tôi tranh thủ vào internet. Các trang khác: được. Đến trang Tiền Vệ: vẫn không được. Tối về, vào internet: Kết quả cũng vậy. Bấm vào trang Tiền Vệ, hoặc chỉ thấy một trang trắng, hoặc thấy hiện lên một dòng chữ bằng tiếng Anh: trang báo bạn truy cập không vào được. Thử lần nào cũng vậy. Thử laptop nào cũng vậy.

Tôi vẫn chưa nghĩ đến khả năng Tiền Vệ bị dựng tường lửa ở Trung Quốc. Thứ nhất, đó là một tờ báo bằng tiếng Việt và thêm một ít, rất ít, tiếng Anh, chứ không có chút xíu tiếng Trung nào cả. Thứ hai, đó là một tờ báo thuần về văn học nghệ thuật, chủ yếu là sáng tác với hai thể loại chính là thơ và truyện, phần lớn là truyện cực ngắn. Sau này, Tiền Vệ thêm phần “Đối thoại”, ở đó, giới cầm bút cũng như độc giả có thể bàn luận về nhiều vấn đề, trong đó, thỉnh thoảng, có vấn đề chính trị; và thật hoạ hoằn, mới có vài chuyện chính trị liên quan đến Trung Quốc. Không những hoạ hoằn, hầu hết các bài liên quan đến Trung Quốc đều ngắn và khá vu vơ, chủ yếu là các ý kiến của độc giả. Chưa bao giờ tôi hay bất cứ anh em nào trong Ban biên tập Tiền Vệ nghĩ Tiền Vệ có thể là một nguy hiểm đối với Trung Quốc cả. Tuyệt đối không.

Bởi vậy, ngay cả khi vào Tiền Vệ không được suốt mấy ngày liền ở Bắc Kinh, tôi cũng không nghĩ đến chuyện tường lửa. Suốt mấy ngày ấy, tôi lại theo tour du lịch bận bịu từ sáng đến tối nên cũng không vào internet được lâu. Đến lúc rời Bắc Kinh đến Nam Kinh và Vô Tích, tôi lại thử vào trang mạng Tiền Vệ: cũng không được. Hôm sau, đến Tô Châu, lại thử và cũng lại thất bại. Hôm sau nữa, đến Hàng Châu, lại thử và cũng lại thất bại. Cuối cùng, đến Thượng Hải, tôi thử lại lần nữa: vẫn không vào được. Lúc ấy, lần đầu tiên, tôi mới loé lên ý nghĩ: tường lửa. Nghĩ như thế, tôi bèn làm một cuộc kiểm tra: vào các trang báo tiếng Việt tôi thường đọc. Tất cả đều vào được. Chỉ có một số blog hay lên tiếng phê phán Trung Quốc cũng như cổ vũ cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc là không vào được. Trang Anh Ba Sàm: không được. Trang Bauxite Vietnam: không được. Trang Dân Làm Báo: không được. Trang blog của Nguyễn Xuân Diện: không được. Trang blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập: có lúc được, có lúc không.

Tiền Vệ nằm trong danh sách những trang mạng không vào được. Tuyệt đối không vào được.

Tôi rất ngạc nhiên. Lý do đầu tiên, như đã nói ở trên, Tiền Vệ chỉ là tờ báo văn nghệ. Các trang blog như Anh Ba Sàm, Dân Làm Báo hoặc Bauxite Việt Nam, nếu bị cấm, cũng là chuyện bình thường: Đó là những blog thời sự, tập trung khá nhiều vào Trung Quốc. Nhưng còn Tiền Vệ? Chỉ toàn thơ văn và lâu lâu mới có vài ý kiến khá bâng quơ về chính trị. Tại sao nó lại bị tường lửa chứ? Thú thực, tôi không hiểu được. Lý do thứ hai khiến tôi ngạc nhiên là vì Tiền Vệ chỉ toàn bằng tiếng Việt. Chúng ta biết dựng tường lửa cũng là một hình thức kiểm duyệt, nhưng tường lửa lại khác hẳn kiểm duyệt theo lối cổ điển ở rất nhiều điểm, trong đó, quan trọng nhất là điểm này: kiểm duyệt nhắm đến người viết; tường lửa nhắm đến người đọc. Theo lối kiểm duyệt cũ, nếu tác phẩm có vấn đề gì thì, thứ nhất, nó bị cắt bỏ từng phần hoặc cấm hẳn toàn bộ; thứ hai, tác giả có thể bị xử lý, nhẹ thì khiển trách, nặng thì tù đày, nặng hơn nữa thì mất mạng. Dựng tường lửa thì khác: tác phẩm, nói chung, vẫn còn đó, trên internet; tác giả, nói chung, vẫn bình an vô sự; nhưng người đọc, đặc biệt ở một địa điểm nào đó, thường trong phạm vi một nước, lại không đọc được.

Tường lửa do Trung Quốc dựng lên đối với Tiền Vệ, như vậy, chỉ có hiệu quả ở Trung Quốc mà thôi. Nhưng ở Trung Quốc có bao nhiêu người đọc được tiếng Việt? Tôi nghĩ là không nhiều. Phần lớn những người Việt gốc Hoa đều, may lắm, nói được tiếng Việt, nhưng không phải ai biết nói tiếng Việt cũng đều đọc được tiếng Việt. Biết đọc cũng chưa chắc đã thích đọc. Thích đọc cũng chưa chắc đã thích đọc văn chương. Thích văn chương cũng chưa chắc đã thích Tiền Vệ vốn cổ vũ cho một loại văn chương phản-truyền thống.

Như vậy, dựng tường lửa đối với Tiền Vệ là ngăn chận sự tiếp cận của một khối người rất nhỏ. Khối người ấy là những ai ở Trung Quốc hiện nay? Thú thực, tôi không biết.

Tôi chỉ biết một điều, qua việc dựng tường lửa đối với một tờ báo văn nghệ như Tiền Vệ, lực lượng an ninh mạng và an ninh văn hoá của Trung Quốc đã và đang làm việc một cách tận tuỵ hơn chúng ta tưởng.

Tôi không hề quan tâm đến chuyện Tiền Vệ bị tường lửa hay không. Một tờ báo văn chương khác với một tờ báo đại chúng, thêm hay bớt một số người đọc không phải là vấn đề. Nhưng chính sự tận tuỵ ấy của đám công an mạng và công an văn hoá khiến tôi lo ngại.

Lo ngại cho Việt Nam nói chung.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG