Đường dẫn truy cập

Thức ăn ở Trung Quốc


Trong 9 ngày du lịch ở Trung Quốc, một trong những điều tôi không thích nhất là thức ăn.

Xin nói ngay, tôi không có ý chê thức ăn Tàu dở. Không. Thứ nhất, tôi biết văn hóa ẩm thực Trung Quốc từ lâu vốn nổi tiếng là một trong những nền văn hóa ẩm thực lâu đời, phong phú và tinh tế nhất thế giới. Về độ lâu đời, nó hơn hẳn các nền ẩm thực khác được nhiều người biết hiện nay. Về độ phong phú, nó thường được so sánh với nền ẩm thực của Nga, cũng vô cùng giàu có về loại hình đồ ăn và thức uống. Và về độ tinh tế, nó cũng được đánh giá rất cao, tuy không cao bằng thức ăn Nhật và Pháp, nhưng hiển nhiên là cao hơn hẳn vô số quốc gia khác, có lẽ kể cả Việt Nam, ít nhất là dưới mắt phần lớn giới phê bình ẩm thực Tây phương. Thứ hai, tôi cũng biết, giống như Việt Nam, thức ăn của Trung Quốc có tính địa phương rất rõ rệt: Thức ăn ở miền Bắc (tiêu biểu nhất là ở Bắc Kinh) khác thức ăn ở miền Đông (tâm điểm là Thượng Hải), và đặc biệt khác thức ăn ở miền Nam (tiêu biểu nhất là Quảng Đông). Ở mỗi miền, thức ăn cũng biến hóa theo từng địa phương nhỏ. Do đó, căn cứ vào kinh nghiệm ăn uống vài ngày ở Bắc kinh, Nam Kinh, Vô Tích, Tô Châu, Hàng Châu và Thượng Hải để đánh giá thức ăn Trung Quốc nói chung là điều không nên làm. Thứ ba, tôi cũng biết, thức ăn gắn liền với khẩu vị, mà khẩu vị lại gắn liền với ký ức và kinh nghiệm cá nhân, do đó, rất chủ quan: Lớn tiếng khen hay chê thức ăn của một nước rất dễ rơi vào lố bịch. Ở đây, thái độ hợp lý nhất là chúng ta nên kiên nhẫn thử thức ăn của mỗi nước như một cách phiêu lưu vào những cái khác. Sự thích thú không nằm ở thức ăn mà chủ yếu nằm ở cảm giác thử nghiệm. Giống như kinh nghiệm của một số người Tây phương ăn thịt chó ở Việt Nam, Hàn Quốc hay Trung Quốc: Họ không thấy thịt chó ngon, nhưng họ thấy thú vị khi thử một món ăn lạ. Ở một đất nước xa lạ. Vậy thôi.

Tuy nhiên, tôi không thể tự dối mình để không nói ra sự thật này: Tôi hoàn toàn không thích thức ăn Tàu, ít nhất thức ăn Tàu ở Trung Quốc. Tôi đã cố gắng để thử. Nhưng vẫn không thích. Có lẽ lý do chính là vì cái gu ăn uống của tôi: Trong các chất, chất tôi không thích nhất là chất béo; trong các vị, vị tôi không thích nhất là vị ngọt. Mà thức ăn Tàu thì hình như ở đâu cũng có đường và mỡ. Bày trên bàn, món nào cũng lênh láng mỡ. Thịt kho đầy mỡ, đã đành. Ngay cả rau xào và đậu hủ chiên cũng ngập ngụa dầu mỡ. Và ngọt. Nếu không ngọt lịm thì cũng lờ lợ. Đây là điều tôi không hiểu được. Đọc sách vở, thấy người Trung Quốc, từ xưa đến nay, thường xem thức ăn như y dược, gắn liền việc ăn uống với việc phòng và trị bệnh, quan niệm, trong các món ăn, thậm chí, trong từng món ăn, cần có sự hòa hợp giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt, để giữ “khí” và tạo sự quân bình trong cơ thể. Nhưng cứ nhìn số lượng dầu mỡ trên đĩa thức ăn và nhấm cái vị ngọt trong từng món ăn, thực sự, tôi hết sức hoang mang.

Tôi biết tôi không cô đơn trong việc không thích thức ăn Tàu. Tôi đã nghe nhiều bạn bè chia sẻ điều ấy. Đọc trên internet, tôi cũng thấy khá nhiều người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc về, viết bài chê thức ăn Tàu thậm tệ.

Như đã trình bày ở trên, tôi không muốn đi từ việc không thích đến việc phủ nhận giá trị thức ăn của Trung Quốc. Tôi chỉ cho đó là chuyện khẩu vị. Nhưng ở đây, có hai điều khiến tôi băn khoăn và nghĩ ngợi.

Thứ nhất, nếu chuyện thức ăn chỉ là chuyện khẩu vị thì việc thay đổi khẩu vị của người Việt xảy ra từ lúc nào? Nhớ, chỉ cách đây mới hơn nửa thế kỷ, ở Việt Nam vẫn còn truyền tụng câu nói đã thành tục ngữ, tóm tắt ước mơ của nhiều người đàn ông: “ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật”. Giấc mơ thứ ba, tôi xin phép khỏi bàn. Giấc mơ thứ nhất có lẽ sụp đổ từ sau năm 1975, lúc nhiều người Việt Nam ra sống ở hải ngoại, từ đó, người ta phát hiện nhà “Tây” – hiểu là nhà Pháp – đẹp thì có đẹp, nhưng chắc chắn không phải là lý tưởng: Chúng không thể so sánh được với nhà ở nhiều quốc gia khác, như Úc hoặc Mỹ, nhất là Mỹ: vừa rộng rãi vừa sang trọng; trong nhà có đầy đủ tiện nghi; ngoài nhà, có cả vườn trước lẫn vườn sau, đầy cây, hoa và cỏ. Còn giấc mơ thứ hai, về thức ăn Tàu? Người Việt Nam thất vọng về nó từ bao giờ? Và tại sao thất vọng? Tại sao, trước, họ thích; sau, họ không thích nữa? Tại sao, trước, là ước mơ; sau, chỉ còn là một lựa chọn cuối cùng: khi không còn chọn lựa nào khác nữa thì mới ăn thức ăn của Tàu?

Thứ hai, sống ở Úc cũng như khi đi du lịch một số nơi khác, thỉnh thoảng tôi cũng vào nhà hàng Tàu, nhưng tôi lại không có cảm giác ngán ngẩm như lúc ở Trung Quốc. Sực nhớ, năm ngoái, ở Hàn Quốc, tôi cũng có cảm giác tương tự. Vào các tiệm ăn Hàn Quốc ở Melbourne, Sydney hay California: tôi rất thích. Nhưng đến Seoul, đi từ tiệm ăn này sang tiệm ăn khác, từ bình dân đến cao cấp, tôi lại không còn thấy thích thú như vậy nữa. Có cảm giác khác. Cũng là thức ăn Hàn Quốc, rất truyền thống Hàn Quốc, nhưng ở ngoại quốc khác, ngay trong nước, lại khác. Nghĩ lại, dường như thức ăn Việt Nam cũng vậy, chứ gì? Cuối năm 1985, từ Indonesia sang Paris, ghé vào một tiệm phở nổi tiếng ở quận 13, tôi phát hiện nó chả giống chút gì với các tô phở mình thường ăn ở Sài Gòn. Sáu năm sau, sang Úc, ăn tô phở đầu tiên ở Melbourne, tôi cũng thấy nó khác các tô phở ở Paris hay Nice. Rồi năm 1996, lần đầu tiên về nước, ghé Hà Nội, mấy người bạn dẫn đi ăn phở Hà Nội, tôi chưng hửng: vừa thấy khác vừa không thích.

Lâu nay, chúng ta hay nghe nói đến xu hướng toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa diễn ra hầu như ở khắp nơi, tận trong hang cùng ngõ hẻm ở những nơi ngỡ như lạc hậu và bần cùng nhất. Một trong những kết/hậu quả của toàn cầu hóa là xu hướng lai ghép (hybridity): Lai ghép về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa; trong văn hóa, tính chất lai ghép được tìm thấy trong tư tưởng, trong niềm tin, trong văn học nghệ thuật và cả trong cách sống cũng như cách ăn uống.

Không ở đâu tính chất lai ghép ấy lại đậm đặc và rõ ràng như ở các cộng đồng lưu vong, những người không những xa quê hương sống trên đất khách, mà, như nhiều nhà xã hội học và văn hoá học chứng minh, còn sống trên các biên giới (in-between), giữa các quốc gia (transnational) và xuyên qua các nền văn hóa (cross-cultural), giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và ước mơ; những người, như một số phận, bị buộc chặt vào sự lai ghép, sống như một tiến trình lai ghép không ngừng.

Với đặc điểm ấy, không có gì lạ khi thức ăn mà họ mang đi từ quê hương cứ càng ngày càng thay đổi, càng ngày càng lai ghép hóa. Ở các món ăn Á Đông, cụ thể nhất là thức ăn Tàu, Việt và Hàn, có lẽ đó là quá trình giảm chất béo và vị ngọt. Lúc sống ở Pháp, chung quanh có nhiều người thân và bạn bè sống bằng nghề mở tiệm ăn, tôi nhận thấy có một xu hướng phổ biến trong các tiệm ăn Tàu là giả Việt. Họ là người Hoa, hoàn toàn là người Hoa, nhưng mở nhà hàng, họ lại ghi là nhà hàng Tàu-Việt, thay vì nhà hàng Tàu. Để chứng minh cho tính chất Tàu-Việt ấy, họ phải giảm dầu mỡ và đường. Sau này, ở Úc, cũng như ở nhiều nước khác, vào tiệm ăn Việt cũng như Tàu, tôi hay thấy người ta ghi chữ lớn là nhà hàng không sử dụng bột ngọt.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta có thể thích thức ăn Tàu ở Việt Nam hay ở ngoại quốc nhưng lại không thích thức ăn Tàu ở ngay trên đất Tàu.

Nhưng còn đối với Việt Nam thì sao?

Xin nhường câu trả lời cho quý bạn đọc.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG