Đường dẫn truy cập

Bạo động ở Libya khơi ra cuộc tranh luận về di dân trong EU


Số người trốn chạy tình trạng bạo động tại Libya có thể lên tới 350.000 người
Số người trốn chạy tình trạng bạo động tại Libya có thể lên tới 350.000 người

Vào lúc bạo động biểu tình tiếp tục khắp Libya, các giới chức Châu Âu hôm qua đã tranh luận về cách thức xử lý luồng di dân có thể đổ vào Châu Âu từ quốc gia Bắc Phi này. Thông tín viên VOA JulieAnn McKellogg ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bộ trưởng Nội vụ Italia Roberto Maroni cảnh báo rằng tình hình bất ổn chính trị của Libya có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo “khủng khiếp”.

Ông Maroni nói với các phóng viên tại Brussels rằng cơ quan biên giới Frontex của EU ước tính có tới 1 triệu rưởi người tỵ nạn có thể đổ vào Italia, một con số mà theo ông sẽ “làm sụp đổ bất cứ nước nào.”

Bộ trưởng Nội vụ Italia kêu gọi sự trợ giúp của Liên hiệp Châu Âu, nhưng các đối tác tỏ ra không mấy quan tâm trong việc chia sẻ gánh nặng có thể có do những người người đi lánh nạn bạo động ở Libya gây ra.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Maria Fekter nói Italia phải có khả năng ứng phó được vì nước bà vốn đã nằm trong số những nước nhận nhiều người xin tỵ nạn nhất ở Châu Âu.

Bà Fekter nói: “Áo là một nước nhỏ hơn Italia rất nhiều. Chúng tôi nghĩ con số 5.000 người tỵ nạn là con số mà một mình Italia có thể xử lý được.”

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere hạ giảm tầm quan trọng của tình hình và nêu ra rằng chưa có một luồng người nào quan trọng bỏ trốn khỏi Libya.

Italia đã tìm được sự hỗ trợ của Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Alfredo Perez Rubalcaba.

Ông Rubalcaba cho biết: “Italia là cửa ngõ của Châu Âu. Và vì thế mà cần thiết cho toàn bộ Châu Âu. Chúng ta không biết con số người có thể đến Châu Âu. Nhưng dù gì chúng ta cũng phải xử lý vấn đề này bởi vì đây không phải là lần đầu tiên.”

Tổ chức Di Dân Quốc tế cho hay gần 6 ngàn người Tunisia đã đến hòn đảo Lampedusa của Italia trong mấy tuần vừa qua. Nữ phát ngôn viên của tổ chức này, bà Jemini Pandya nói vào thời điểm này, chưa có người Libya nào đến Italia và bà trông đợi sẽ chỉ có rất ít người đến.

Bà Pandya nói: “Tôi không cho rằng dưới hình thức này hay hình thức khác ta sẽ thấy con số 1 triệu rưởi di dân bất chợt tràn vào Châu Âu. Điều đó thực sự sẽ không xảy ra. Giả thiết như thế thực là dùng sự sợ hãi để tìm cách tác động một cách quá đáng.”

Nhưng bà Pandya nói rằng không nên để một mình Italia phải chịu gánh nặng người tỵ nạn.

Áo cho biết sẽ xét lại lập trường, nếu như có một luồng di dân lớn từ Libya. Nhưng các ngoại trưởng của Áo và Đức nêu ra rằng chỉ có 50 người Tunisia chính thức xin tỵ nạn kể từ khi các vụ bạo động bùng ra trong nước họ cách đây vài tuần.

Bộ trưởng Nội vụ Đức cho hay Châu Âu không phải là câu trả lời cho các di dân đi tìm một tương lai kinh tế tốt đẹp hơn. Nhưng bà Pandya của Tổ chức Di dân Quốc tế nói rằng di dân Tunisia đang rời khỏi nước không phải chỉ vì công ăn việc làm.

Bà Pandya nói tiếp: “Càng ngày chúng tôi càng được những người Tunisia đến Lampedusa cho biết rằng họ đến đây không phải vì những lý do kinh tế, mà là để đoàn tụ với gia đình. Họ chỉ muốn gặp lại gia đình họ mà thôi.”

EU vừa bắt đầu một sứ mạng giúp Italia đối phó với luồng di dân Tunisia đổ vào Lampedusa.

Xem Video cảnh trốn chạy bạo động ở Libya

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG