Người dân Lampedusa e rằng chuyện hòn đảo của họ bị người tỵ nạn tràn ngập chỉ là vấn đề thời gian.
Sau khi chính phủ Tunisia sụp đổ vào giữa tháng Giêng, hơn 6.000 người đã đổ đến hòn đảo nhỏ bé này, sau khi vượt qua vùng biển ngăn chia nước Ý và bờ biển châu Phi.
Đa số người đến đảo thuộc giới trẻ, họ hy vọng tìm được việc làm để gửi tiền về cho gia đình, trong đó có anh Murad người Tunisia, đang ở trong trại tạm giữ:
“Tôi đến từ thành phố Sarzis để tìm việc. Sarzis cũng như khắp Tunisia có rất nhiều người thất nghiệp.”
Bao lâu mà thời tiết vẫn còn tốt, biển vẫn còn êm, các chiếc thuyền chở người tỵ nạn vẫn tiếp tục cặp vào đảo. Bà Simona Moscarelli, đại diện của tổ chức Di dân Quốc tế IOM tại đảo này cho biết:
“Chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều đợt đến từ Tunisia và rồi đến lượt Libya.”
Kể từ khi bắt đầu có người đến đảo, nhà chức trách đã thu xếp nhanh chóng để chuyển người tỵ nạn từ trại tạm giam ở đảo sang các đảo khác ở Sicily hoặc đưa vào đất liền của Ý.
Nhưng có nhiều lo ngại nhà chức trách sẽ không lo nổi khi số người tỵ nạn tăng đáng kể.
Trong tuần, Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni nói trước Quốc hội Ý Libya có khoảng 1,5 triệu di dân bất hợp pháp, có người còn nói có đến 2,5 triệu.
Ông Maroni nói số người này vào được Libya vì biên giới phía Nam của Libya được canh chừng lỏng lẻo. Bây giờ thành phần này đang tìm cách trốn chạy trước cuộc nổi dậy chống lại chế độ Moammar Gadhafi.
Người dân ở Lampedusa, hòn đảo cực Nam nước Ý đã chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận di dân muốn thoát khỏi xáo trộn ở Bắc Phi. Cho tới giờ này, chính quyền đảo vẫn còn làm chủ tình hình nhưng họ e ngại sức chịu đựng của họ sẽ không kéo dài.