Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến công du châu Âu kéo dài sáu ngày giữa những lo lắng rõ ràng của các đồng minh về cam kết của ông dành cho liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn là một trong những hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ giữa bối cảnh ông Trump có mối quan hệ nồng ấm khó hiểu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7 ở Brussels, Bỉ, đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh trong khi thượng đỉnh Trump-Putin đầu tiên dự kiến diễn ra ở Helsinki, Phần Lan, được ông Trump cho là ‘cuộc gặp dễ dàng nhất’ đối với ông.
Lâu nay ông Trump đã chỉ trích nặng nề các nước NATO vì đã ‘đóng góp không đủ’ vào ngân sách phòng vệ chung của khối và để Mỹ gánh vác phần lớn bên cạnh vấn đề giao thương với các nước châu Âu mà ông cho là ‘không công bằng với Mỹ’. Nhưng mâu thuẫn lại càng khoét sâungay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO khi ông Trump cáo buộc nước Đức là ‘tù nhân của Nga’ do nước này mua khí đốt từ Nga.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang tận dụng những chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu để lôi kéo những nước này đứng về phía Bắc Kinh và tranh thủ giành lấy quyền lãnh đạo thế giới trên những hồ sơ mà Mỹ thoái lui như biến đổi khí hậu, tự do thương mại hay thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Nước Đức bị Nga cầm tù,” ông Trump phát biểu trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở thủ đô của Bỉ. “Điều đó rất không phù hợp.”
Tổng thư ký Stoltenberg đã phản bác lại ông Trump. Ông nói rằng mặc dù trong liên minh có những khác biệt về ý kiến, ‘chúng ta mạnh hơn khi đoàn kết thay vì chia rẽ’.
Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal trước khi ông Trump đến Brussels, Tổng thư ký NATO đã viết rằng: “Sau nhiều năm cắt giảm, các đồng minh giờ đây đã ngưng cắt giảm và đã bắt đầu tăng chi tiêu quốc phòng. Năm ngoái, các đồng minh NATO đã tăng cường ngân sách quốc phòng lên mức 5,2 % gộp lại – đó là sự tăng ngân sách lớn nhất trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Giờ đây năm 2018 sẽ là năm thứ tư liên tiếp ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng.”
Tuy nhiên, trong vòng 17 tháng qua, ông Trump đã làm cho phương Tây mất đi sự đoàn kết và đã đặt nghi vấn về những giá trị của phương Tây một cách ‘đáng giật mình’, theo một bài phân tích trên kênh CNN, do nước Mỹ lâu nay vẫn xem các định chế của châu Âu là giúp nước Mỹ tăng cường sức mạnh và củng cố an ninh của Mỹ.
Ông đã mô tả các đồng minh châu Âu là ‘những kẻ lợi dụng sự hào phóng của Mỹ’ thay vì là đối tác trong nỗ lực của Mỹ tái thiết châu Âu hoang tàn sau Đệ nhị thế chiến và là một liên minh đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản trong Chiến tranh Lạnh trong một chiến thắng cho chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do.
Trong bài phân tích có tựa đề: “Các đồng minh phương NATO đang tự hỏi liệu phương Tây có chịu đựng nổi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump hay không”, CNN cho rằng sự tấn công của ông Trump đang mở rộng chia rẽ trong liên minh xuyên Đại Tây Dương và giúp trực tiếp cho điều mà các cơ quan tình báo Mỹ và các cường quốc bên ngoài cho là mục tiêu của Putin để củng cố chế độ chuyên chế của ông bằng cách làm suy yếu các định chế của phương Tây.
“Liên minh xuyên Đại Tây Dương đang ở trong tình trạng xấu nhất trong vòng 70 năm qua, khi mà một vị tổng thống Mỹ ngày càng thỏa thích hành động theo trực giác chủ nghĩa dân tộc dân túy của ông, phát động một cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu và nhai lại những luận điệu ngoại giao của nhà độc tài Nga mà ông ấy ngưỡng mộ,” bài báo viết.
“Câu hỏi mà mọi người ở đây đưa ra là liệu thế giới có sẽ trông ra sao sau một vài ngày nữa ở đây? Liệu một hệ thống đã bị suy yếu có bị dồn thêm một cú nữa không?” ông Thomas Kleine-Brockhoff, một cựu cố vấn tổng thống Đức, được CNN dẫn lời nói từ Brussels.
Trước khi rời Nhà Trắng đi châu Âu, Tổng thống Trump đã cho thấy tại sao châu Âu có quan ngại như thế, một tháng sau khi ông làm bùng nổ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada.
“Các nước NATO phải móc hầu bao nhiều hơn, Hoa Kỳ phải trả tiền ít hơn. Thật là bất công!” ông Trump viết trên Twitter.
Sau đó ông Trump phát biểu với các phóng viên rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Putin sẽ ‘dễ dàng hơn so với cuộc gặp với các đồng minh của Mỹ’ – điều này càng làm tăng lo lắng rằng thái độ thù địch của ông đối với NATO sẽ khiến cho Nga mạnh bạo hơn.
Lời bình luận này cũng ông Trump là một ví dụ nữa cho thấy ông đứng về phía một nhà lãnh đạo mà các đồng minh của Mỹ xem là đe dọa đối với dân chủ, các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 để giúp Trump giành chiến thắng và là lãnh đạo một bộ máy an ninh nhiều khả năng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của một phụ nữ Anh sau một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh vào một cựu điệp viên Nga trên đất Anh.
Ông Trump thường hòa điệu với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga hơn là với các đồng minh NATO – ông đã kêu gọi cho phép Nga gia nhập trở lại vào khối G7 và từ chối loại trừ việc công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Những người bênh vực ông Trump nói rằng việc ông liên tục đòi NATO phải đạt mức chi tiêu quốc phòng ở mức 2% tổng sản phẩm quốc nội chỉ là lặp lại và tăng cường những yêu cầu của những người tiền nhiệm của ông về việc chia sẻ gánh nặng giữa các đồng minh. Có lập luận cho rằng bằng việc ép các đồng minh tăng chi tiêu quân sự, ông Trump thật ra đang làm cho NATO hùng mạnh hơn.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các chính phủ châu Âu đã cắt giảm chi tiêu quân sự do họ phải chật vật chi tiêu cho phúc lợi xã hội trong khi sự thiếu vắng một nguy cơ đe dọa sự tồn tại của họ đã khiến quân đội của họ mất dần tính sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên lời tuyên bố không có cơ sở của ông rằng các đồng minh các mắc nợ hàng tỷ đô la các khoản đóng góp đã phá hoại sự đoàn kết của liên minh, theo CNN.
Đài này cũng nhắc lại rằng Chương 5 trong Hiến chương NATO về phòng vệ tập thể chỉ được viện đến lần duy nhất để giúp cho Mỹ sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 năm 2001 và các đồng minh của Mỹ đã đổ rất nhiều máu trong các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.
“Ông ấy chắc chắn đã làm suy yếu đồng minh. Vấn đề bây giờ là liệu khối đồng minh có chịu nổi cho hết nhiệm kỳ của ông ấy hay không. Một phần của điều này tùy thuộc vào ông ấy sẽ còn tại vị được bao lâu,” ông Max Boot, một sử gia và là một phân tích gia an ninh quốc gia, được CNN dẫn lời nhận định.
Một phần là do những chỉ trích từ ông Trump, một phần là sự gia tăng nguy cơ đến từ Nga, từng thành viên NATO đã và đang tăng chi tiêu cho quốc phòng khi mà thời hạn chót phải đạt mức 2% GDP vào năm 2024 đang đến gần.
“Chúng ta sẽ nói về gia tăng chi phí quân sự cao nhất mà các đồng minh của chúng ta thực hiện kể từ Chiến tranh Lạnh,” Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison phát biểu hồi tuần trước trong một cuộc họp báo vốn nhấn mạnh vào những mối đe dọa ‘hung ác’ từ phía Nga.
Theo CNN có hai kịch bản có thể xảy ra ở NATO: Một là, nếu như ông Trump đòi hỏi các đồng minh phải chi tiêu nhiều hơn, và nhẹ nhàng hối thúc những nước còn chậm như Đức phải làm nhiều hơn và tránh đối được đối đầu thì NATO có thể tránh được thiệt hại to lớn. Tuy nhiên kịch bản này đi ngược lại với điều mà lâu nay ông Trump vẫn tin là các đồng minh ‘lợi dụng Mỹ’ và việc ông không thích cách tiếp cận đa phương vốn trái ngược với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông.
Nhưng nếu sự thiếu lòng tin lan rộng, thì Nga sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
“Nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng liên minh đang gặp khủng hoảng ở mức độ lịch sử,” cựu Đại sứ Mỹ ở NATO Ivo Daalder được CNN dẫn lời nói.
Nhưng cho dù điều gì xảy ra đi nữa, cựu cố vấn của Tổng thống Đức tin rằng ông Trump đã ‘để lại thiệt hại lâu dài cho đồng minh phương Tây’.
“Một liên minh bao gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng là xe tăng, máy bay và tàu chiến. Phần mềm là lòng quyết tâm và đoàn kết. Nếu không có hai yếu tố này thì anh không thể răn đe ai cả,” ông Kleine-Brockhoff nhận định.
Một số chính khách chủ chốt của Mỹ cũng lo ngại Tổng thống Trump đang làm tổn thương NATO.
“Tôi cảm thấy rất bất an với việc này,” Thượng nghị sỹ Bob Corker thuộc Đảng Cộng hòa và là chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, được dẫn lời nói hôm thứ Ba ngày 10/7. “Tác động bất ổn mà nó đang gây ra ở khu vực là to lớn.”
Về phần mình, viết trên Twitter, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, viết: “Tổng thống Trump khiến bạn bè của chúng ta hóa kẻ thù và biến kẻ thù của chúng ta, vốn tấn công vào nền dân chủ của nước Mỹ, trở thành đồng minh mà ông ấy xun xoe. Tại sao?”
“Tại sao một tổng thống Mỹ mà lần xuất hiện đầu tiên ở NATO hồi năm ngoái đã là một thảm họa lại đến Bỉ năm nay chỉ để chứng minh rằng không ấy không hiểu những liên minh quan trọng đã tạo ra sự khác biệt lớn lao như thế nào đối với an ninh của nước Mỹ và cuộc sống của người dân châu Âu.”
“Tổng thống Trump đang từng bước hủy hoại danh tiếng của chúng ta trên thế giới. Ông ấy phá hoại lợi ích của chúng ta,” ông Kerry viết.
Ông Kerry gọi những bình luận của ông Trump là ‘đáng xấu hổ, phá hoại và đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ’ và cho rằng cách tiếp cận của ông Trump đối với NATO đã làm suy yếu một liên minh mà nước Mỹ đã xây dựng để bảo vệ những mục tiêu kinh tế và chiến lược của mình vốn đã cho phép hàng triệu người sống trong tự do.
Châu Âu đang đối phó với sự bùng nổ của chủ nghĩa dân túy vốn thậm chí xảy ra trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo khu vực đang nhận thức được rằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang thách thức quyền lực của phương Tây.
Những thách thức đó là lý do họ thấy cần phải củng cố khối đồng minh Bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên giờ đây có một cảm giác mạnh mẽ ở châu Âu rằng ông Trump đang làm điều ngược lại và không có cảm tình với những giá trị của phương Tây như quyền tự do biểu đạt, sự đa dạng và nền dân chủ tự do vốn là cốt lõi của văn minh phương Tây.
Ngay cả trước khi ra tranh cử tổng thống, ông Trump đã không che giấu quan điểm của ông đối với các đồng minh dưới cái nhìn làm ăn – ông xem họ trên khía cạnh tiền bạc nhiều hơn là một cách để Mỹ phát huy sức mạnh và các giá trị chung.
Ông Trump bác bỏ thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp những thuyết phục từ các đồng minh châu Âu và điều này đã để lại ấn tượng rằng những ưu tiên an ninh quốc gia của khu vực chỉ là yếu tố phụ so với mong muốn của ông Trump củng cố sự ủng hộ chính trị cho mình.
“Ngài Tổng thống Trump ạ: Nước Mỹ không và sẽ không có đồng minh nào tốt hơn châu Âu. Chúng tôi chi tiêu cho quân sự nhiều hơn Nga rất nhiều và cũng nhiều như Trung Quốc,” Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, vốn là một người chỉ trích thẳng thừng ông Trump, viết trên Twitter, để đáp lại chỉ trích của ông Trump.
“Nước Mỹ yêu quý, hãy trân trọng đồng minh của quý vị,” ông Tusk viết. “Suy cho cùng, quý vị không có nhiều đồng minh lắm đâu.”
Ông Tusk còn kêu gọi ông Trump ‘nghĩ cho rõ ai là bạn bè chiến lược còn ai là vấn đề chiến lược’.
Nhưng trước khi chiếc Không lực Một đáp xuống Brussels, ông Tusk đã có được câu trả lời của ông Trump: “Liên minh châu Âu khiến cho các nông dân và công nhân và các hãng xưởng của chúng ta không thể làm ăn ở châu Âu (ý ông muốn nhắc đến thâm hụt thương mại 151 tỷ đô la), vậy mà họ còn muốn chúng ta vui lòng bảo vệ cho họ thông qua NATO, và vui lòng móc hầu bao ra cho nó nữa. Không có việc đó đâu!,” ông Trump viết trên Twitter.
Các nhà quan sát châu Âu lo lắng trước sự kết nối an ninh với thương mại của ông Trump mà họ cho rằng dựa trên sự thiếu hiểu biết liên minh này hoạt động như thế nào.
“Nếu đó là một mối đe dọa kết nối vấn đề an ninh với thương mại, nó sẽ phá hủy nền tảng của NATO,” ông Stefano Stefanini, cựu đại sứ Ý ở NATO được dẫn lời nói trong một bài phân tích trên Washington Post.
“Nếu người châu Âu đậu một chiếc hàng không mẫu hạm mới toanh ngoài khơi Mar-a-Lago (khu nghỉ mát thuộc sở hữu của ông Trump ở Florida) và vung gậy vào sân golf 18 lỗ, ông Trump sẽ đòi họ trả tiền,” ông Jeremy Shapiro của Hội đồng Đối ngoại châu Âu ví von. “Rốt cuộc, ông ấy không tin vào việc Mỹ sẽ bảo vệ châu Âu, vậy thì tại sao Mỹ phải móc hầu bao ra cơ chứ? Ông ấy chỉ quan tâm nếu nó đem lại lợi nhuận.”
Theo Washington Post thì cuộc gặp thượng đỉnh của NATO sau này sẽ chỉ được xem là hàng thứ yếu so với cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin diễn ra sau đó.
“Bởi vì cuộc gặp Trump-Putin diễn ra sau Thượng đỉnh NATO, bất cứ thành tựu gì đạt được ở Brussels cũng sẽ dễ dàng đổ sông đổ biển do những lời hứa hẹn tùy hứng của ông Trump đối với ông Putin,” ông Rachel Rizzo ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington nhận định.
“Xét trên phong cách đàm phán của ông Trump (như đã thể hiện trong cuộc gặp Trump-Kim), các đồng minh hoàn toàn quan ngại chính đáng rằng ông ấy có thể sẽ nói với Putin rằng ông ấy sẽ rút quân ra khỏi đông Âu hay ngừng tham gia tập chung với NATO như là một cử chỉ thiện chí trao cho Putin. Điều đó sẽ khiến các đồng minh châu Âu luống cuống,” ông Rachel Rizzo nhận định.
Ngoài ra còn có lo sợ rằng ông Trump sẽ công nhận việc Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimea của Nga hồi năm 2014. Nếu điều này xảy ra thì nó sẽ hợp thức hóa rất nhiều hành động khác nữa – tức là chỉ cần có sức mạnh, có sức mạnh quân sự quy ước thì anh (như Nga và Trung Quốc) có thể làm bất cứ điều gì anh muốn.
Trong khi đó, ông Trump còn có thói quen mắng mỏ các đồng minh như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Các biện pháp thuế quan mà ông áp đặt lên nhôm và thép châu Âu sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại với châu lục này.
Theo Washington Post, thì những động thái như vậy gây xói mòn lòng tin của các đồng minh vốn ngày càng tin rằng Tổng thống Trump đang phá hoại trật tự thế giới sau Đệ nhị Thế chiến để theo đuổi những lợi ích ngắn hạn.
Với cách đối xử với đồng minh như trên thì theo tờ báo này chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump thật sự có nghĩa là ‘Nước Mỹ chỉ có một mình’.