Ngay sát thời điểm Quốc hội Việt Nam chuẩn bị “bấm nút” thông qua Luật An ninh mạng, một làn sóng "phản đối" thông qua dự luật được cho là còn có sức ảnh hưởng "sâu sắc" hơn cả Luật Đặc khu đang thành hình.
Một nhóm gần 80 luật sư trong nước hôm 11/6 đã ký tên vào một bản kiến nghị, yêu cầu các đồng nghiệp của mình trong Quốc hội không "bấm nút" thông qua luật này vì lý do đạo luật có thể “dễ bị lợi dụng để xâm phạm các quyền con người”, “cản trở tiến bộ xã hội” và “kìm hãm phát triển kinh tế”, "gây hại cho nhà nước pháp quyền" và "phá vỡ nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam".
Cùng ngày, 13 Hội, Hiệp hội về Viễn thông và Công nghệ Thông tin và nhiều người trong giới trí thức cũng đề nghị Quốc hội "hoãn" thông qua Luật An ninh mạng, trong lúc mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi "hành động" để Quốc hội phải nhượng bộ như đối với Luật Đặc khu.
Đây được xem là những phản ứng mới nhất tiếp theo hàng loạt hành động phản đối dự luật an ninh mạng dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/6.
Thể hiện 'lòng tự trọng'
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những người ký tên vào bản kiến nghị của các luật sư, cho VOA biết:
“Thư này được chuyển đến văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam để đề nghị họ sao ra gửi cho các luật sư là đại biểu Quốc hội, yêu cầu họ phải có trách nhiệm vì mang danh là luật sư và đại biểu Quốc hội thì phải có tiếng nói. Ngoài tiếng nói, ít ra các anh cũng không bấm nút thông qua luật để thể hiện thái độ và lòng tự trọng của một luật sư”.
Cùng với dự Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Luật Đặc khu, dự luật An ninh mạng là một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước vào ngày 10/6.
Trước đó, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, các chuyên gia và nhà hoạt động tại Việt Nam đã bày tỏ lo ngại rằng Luật An ninh mạng có thể bóp nghẹt tự do internet và tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Luật sư Phúc nói với VOA rằng “có rất nhiều vấn đề” trong Luật An ninh mạng, dẫn đến việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những người tham gia hoạt động trên mạng. Ông cho đây là một “bước đi sâu hơn” của chính quyền trong việc kiểm soát thông tin cá nhân. LS. Phúc nói:
“Luật đó hợp thức hóa hành vi của lực lượng chuyên trách, mà ai cũng hiểu là lực lượng an ninh, có thể [cho phép họ] yêu cầu các nhà mạng không cung cấp dịch vụ, ngăn chặn, xóa bài.. hoặc cung cấp thông tin của chủ tài khoản”.
Ảnh hưởng hơn Luật Đặc khu
Nhà báo Trương Huy San cho rằng Luật An ninh mạng có thể còn ảnh hưởng “sâu sắc hơn Dự luật Đặc khu” đối với sự phát triển của đất nước.
Ông viết trên trang Facebook cá nhân: “Có lẽ vì nó quá chuyên ngành và mối đe doạ không dễ tạo ra ‘nhận thức chung’ như đất đai, lãnh thổ. Nên, Dự luật này đã không sớm nhận được sự phản ứng đông đảo và không được các tổ chức có ảnh hưởng chính trị lớn như Hội Cựu Chiến binh lên tiếng”.
Nhà báo kỳ cựu của Việt Nam cho biết thêm rằng “nhiều nỗ lực góp ý cho Dự luật một cách xây dựng trên báo chí chính thống đều gần như bị dập tắt. Một số chuyên gia, nhà báo phải chịu đựng rất nhiều áp lực, kể cả người viết bài này”.
Trong thư gửi cho các đại biểu Quốc hội vào ngày 11/6, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Đào Tiến Thi nói ông "hết sức thông cảm với các nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội" nhưng cho rằng "nếu chỉ thấy mặt trái của internet mà tìm cách 'siết' người sử dụng thì vô cùng tai hại".
Nhà nghiên cứu này phân tích các khái niệm về luật pháp và ảnh hưởng của Luật An ninh mạng lên quyền và nghĩa vụ của người dân. Ông trích dẫn một nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, J.J. Rousseau, viết: "Khi một đạo luật được hình thành và phản ánh được cả tập thể dân chúng cũng như ý chí tập thể, thì đạo luật này tôi gọi là luật pháp".
'Hiểu sai' khái niệm
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cũng là một nhà hoạt động nổi tiếng tại Việt Nam, cho rằng phải gọi đúng tên của dự luật sắp được Quốc hội biểu quyết thông qua là dự luật “giám sát tự do ngôn luận trên mạng”. Theo ông, các nhà lập pháp Việt Nam đã “hiểu sai” về khái niệm “an ninh mạng”. Ông phân tích:
“Tình trạng an ninh mạng của Việt Nam rất kém nên các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp… bị tấn công, lấy cắp dữ liệu rất nhiều. Nhưng họ không tập trung vào chuyện đó, mà họ lại hiểu an ninh mạng theo kiểu ai nói không giống họ là làm mất an ninh mạng, mất an ninh quốc gia. Cách hiểu đó là hoàn toàn ngược đời!”
Trong phiên họp ngày 11/6, một số đại biểu đề nghị Quốc hội hãy thận trọng xem xét trước khi thông qua Luật An ninh mạng, trong bối cảnh Việt Nam đã có Luật An ninh quốc gia và Luật An toàn thông tin mạng, được xem là “hai cái khóa rất chắc chắn” trong việc bảo vệ an ninh quốc gia trong môi trường internet, VnExpress dẫn lời Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.
Theo bà Thúy, việc Luật An ninh mạng buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ngay tại Việt Nam, là “trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam”.
Không giống như Luật Đặc khu đã được QH hoãn lại, Luật An ninh mạng được dự đoán sẽ được thông qua “toàn văn” tại nghị trường vào ngày 12/6, bất chấp các kiến nghị và phản đối. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quang A, trước đây tại Việt Nam đã từng có dự luật được thông qua nhưng vẫn phải thay đổi khi vấp phải sức phản kháng mạnh mẽ từ người dân.