Quốc hội Việt Nam có kế hoạch biểu quyết về dự luật an ninh mạng hôm 12/6, trong bối cảnh gần một tháng nay nhiều đại biểu quốc hội, chuyên gia, cựu quan chức và người dân lo ngại rằng dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đi chệch hướng, có thể làm giảm tự do internet ở trong nước.
Phản ứng mới nhất về dự luật là thư kiến nghị của một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực quản lý công nghệ thông tin gửi đến quốc hội và thủ tướng về vấn đề này, được báo chí đăng tải hôm 5/6.
Cảnh sát ở Việt Nam đã lộng quyền đến một mức không thể chịu nổi. Và bây giờ ở trên mạng nó cũng muốn giành quyền kiểm soát về nó, để nó có thể trừng trị bất kỳ ai nó muốn. Đấy là vấn đề cốt lõiTiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhóm do cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Đặng Hữu làm đại diện viết trong thư rằng họ “lo ngại về việc trao quá nhiều quyền hạn cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng của Bộ Công an”.
Thư kiến nghị chỉ ra rằng trong dự luật có 18 điểm dẫn chiếu và trao quyền cho công an, từ thẩm định, thanh kiểm tra, đánh giá, cho đến xử lý vi phạm an ninh mạng, song nội dung và thủ tục thực thi “không được quy định rõ ràng”.
Giáo sư Đặng Hữu, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cùng các chuyên gia tên tuổi khác như Chu Hảo, Mai Liêm Trực, và Nguyễn Khánh Toàn bày tỏ lo ngại rằng với dự thảo như vậy, “rủi ro lạm quyền đe doạ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xuất phát từ lực lượng [công an] này là rất cao”.
Nhóm chuyên gia này từng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị đưa internet vào Việt Nam cuối thập niên 1990. Họ nhận xét thêm trong thư kiến nghị rằng dự luật không những “không giải quyết được vấn đề tấn công mạng, không giúp bảo vệ được an toàn internet của Nhà nước và người dân”, mà ngược lại “có thể kéo lùi sự phát triển của internet, của kinh tế số và xã hội thông tin Việt Nam”.
Đi vào các chi tiết, nhóm chuyên gia nói Điều 15 của dự luật có nội dung “quá rộng và không rõ ràng” về thế nào là thông tin “xấu, độc”. Trong khi đó, Điều 26 buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, hoặc sở hữu hệ thống thông tin, phải cắt dịch vụ internet, điện thoại, hoặc tài khoản email, v.v… của các tổ chức, cá nhân nếu cơ quan quản lý cho rằng tổ chức, cá nhân đó đăng tải thông tin “xấu, độc”.
Nhóm chuyên gia khẳng định: “Điều luật này rõ ràng hạn chế tự do internet, đi ngược lại tiến bộ; đặt công dân trước rủi ro vi phạm pháp luật và bị thanh tra, kiểm tra, nhũng nhiễu bởi lực lượng chuyên trách an ninh mạng, Bộ Công an”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, đồng ý với nhóm chuyên gia. Chỉ ra rằng dự thảo luật này là một bản sao của luật ở Trung Quốc, ông nói thêm với VOA:
“Vì bản thân công an họ dự thảo nên họ phải làm thể nào để thuận lợi nhất cho họ. Đấy là điều không thể chấp nhận được. Cảnh sát ở Việt Nam đã lộng quyền đến một mức không thể chịu nổi. Và bây giờ ở trên mạng nó cũng muốn giành quyền kiểm soát về nó, để nó có thể trừng trị bất kỳ ai nó muốn. Đấy là vấn đề cốt lõi”.
Dùng an ninh mạng để kiểm soát về mặt nội dung thì không có ý nghĩa gì cả, hoàn toàn không đúng. Công cụ an ninh mạng là tạo nên môi trường điện tử kết nối thúc đẩy cho phát triển xã hội, kinh tế. Chứ không phải là môi trường an ninh mạng làm công cụ để đi kiểm soát nội dungTiến sĩ Hoàng Ngọc Giao
Trước khi xuất hiện thư kiến nghị kể trên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, được báo mạng VNExpress đăng hôm 29/5, Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hồng, nói: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”.
Thiếu tướng Hồng là đại biểu quốc hội, đồng thời giữ ghế ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan thẩm tra dự luật an ninh mạng.
Phát biểu của ông Hồng cho thấy dự luật ‘sai về bản chất”, theo đánh giá của 2 vị tiến sĩ khi trả lời phỏng vấn của VOA.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận rằng an ninh mạng chủ yếu liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để chống các hoạt động xâm nhập, phá hoại, đánh cắp thông tin trên mạng. Nhưng ông cho rằng chính quyền Việt Nam nhìn vào khía cạnh hoàn toàn khác:
“Người ta hiểu sai hoàn toàn về vấn đề an ninh mạng. Ở Việt Nam, họ học theo kiểu muốn kiểm soát dân chúng kiểu Trung Quốc. Họ hiểu theo ý là kiểm soát tư duy của người dân. Tức là nó là vấn đề kiểm soát tư tưởng”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói:
“Dùng an ninh mạng để kiểm soát về mặt nội dung thì không có ý nghĩa gì cả, hoàn toàn không đúng. Công cụ an ninh mạng là tạo nên môi trường điện tử kết nối thúc đẩy cho phát triển xã hội, kinh tế. Chứ không phải là môi trường an ninh mạng làm công cụ để đi kiểm soát nội dung. Tôi nghĩ rằng vị đại biểu quốc hội này chắc không am hiểu lắm về mạng và ý nghĩa của nó cũng như về mặt kỹ thuật của nó”.
Một vấn đề bất cập lớn khác trong dự luật được nhóm chuyên gia do giáo sư Đặng Hữu làm đại diện chỉ ra là quy định về việc “lưu trữ tại Việt Nam thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.
Theo các chuyên gia, yêu cầu “lưu trữ tại Việt Nam” đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam đồng nghĩa với việc cô lập không gian mạng trong phạm vi đất nước. Họ cũng khuyến cáo rằng xét trên góc độ kỹ thuật, yêu cầu này “có thể sẽ khó khả thi trên thực tế vì các chuẩn công nghệ của các chủ sở hữu mạng khác nhau với mức độ bảo mật khác nhau”.
Cả ba vấn đề lớn được nhóm chuyên gia kỳ cựu đưa ra cộng hưởng với các ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội và của các chuyên gia trẻ tuổi hơn đã được báo chí Việt Nam đăng tải trong những ngày qua.
Nhóm của ông Đặng Hữu, các chuyên gia trẻ như ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, và kỹ sư Dương Ngọc Thái, chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng đang làm việc tại Silicon Valley, Mỹ, đã đưa ra những kiến nghị riêng rẽ song chia sẻ các điểm chung.
Họ kêu gọi quốc hội và chính phủ Việt Nam thu hẹp phạm vi dự luật, tập trung vào bảo đảm an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước; bãi bỏ hoàn toàn Điều 24, 26 và một số điều khác có tính chất can thiệp, cấm cản tự do internet; thu hút những chuyên gia hàng đầu giúp chính phủ hoạch định chính sách, chiến lược an ninh mạng quốc gia; và quốc hội giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự luật an ninh mạng thay vì giao cho Uỷ ban Quốc phòng An ninh.
Chính phủ Mỹ hồi cuối tháng trước đưa ra những quan ngại với phía Việt Nam về dự luật này. Một bản tin của Reuters dẫn nguồn tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết hôm 24/5 rằng phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Ông Gerrish nêu “mối lo ngại của Mỹ về dự luật an ninh mạng của Việt Nam bao gồm việc tác động tới nhu cầu nội địa hóa và hạn chế đối với các dịch vụ đa quốc gia cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam".