Quyết định của chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội lùi việc thông qua dự luật về đặc khu kinh tế sang kỳ họp kế tiếp cho thấy cường độ mãnh liệt của làn sóng phản đối đã buộc các nhà lãnh đạo phải nhượng bộ, ít nhất là trong thời điểm này. Nhưng các nhà quan sát và các nhà hoạt động cảnh báo đó chưa phải là thắng lợi cuối cùng mà có thể chỉ là một bước lùi tạm thời trong khi một luật gây tranh cãi khác đang sắp sửa được thông qua.
Văn phòng Chính phủ hôm thứ Bảy cho hay Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc - theo lịch trình lẽ ra được Quốc hội biểu quyết vào ngày 15 tháng 6 - từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV “để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.”
Chính phủ đề nghị lùi thông qua Luật Đặc khu, nhượng bộ trước phản đối
Bước đi này được đưa ra dường như để ứng phó với một làn sóng phản đối dữ dội từ công chúng đối với dự luật bị nhiều người cho là sẽ tạo điều kiện để người Trung Quốc đến thuê đất và chiếm giữ lãnh thổ của Việt Nam.
Đó là một phản ứng gần như đồng nhất, quyết liệt và ít thấy trong đời sống dân sự ở Việt Nam. Sự phẫn nộ lan tỏa khắp mọi tầng lớp nhân dân, chiếm lĩnh những dòng chia sẻ trên mạng xã hội và những cuộc trò chuyện ngoài đường phố.
“Xung quanh nhà tôi, tôi gặp một số người, họ nói là họ rất bức xúc, rất bức bối về chuyện này,” Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận chính trị và blogger thường xuyên của VOA, nói. “Và họ sẵn sàng đi biểu tình để phản đối việc thông qua một cách vội vã và hồ đồ dự luật đặc khu, bất kể là ai kêu gọi.”
Nhiều người dùng Facebook đã đổi hình đại diện và hình nền của mình sang những khẩu hiệu như “Không Đặc khu” hay “Chống 99 năm” - khoảng thời gian mà nước ngoài được phép thuê đất theo dự luật này. Trong một post nhận được hàng chục ngàn “like” và chia sẻ trên Facebook, MC Phan Anh - một người dẫn chương trình nổi tiếng - đòi Quốc hội trưng cầu dân ý về dự luật này.
Cường độ của làn sóng phản đối cho thấy rõ những chính sách của chính phủ có phần chắc sẽ khơi lên phản ứng dữ dội nếu bị nhìn nhận là làm lợi cho Trung Quốc, nước có lịch sử xâm lược Việt Nam hàng ngàn năm qua và hiện đang quyết liệt tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông.
Phản ứng đó bùng nổ khi người dân cảm thấy tiếng nói của họ không được Chính phủ và Quốc hội tôn trọng, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định.
“Điều đó được chứng minh bởi việc bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh Bộ Chính trị đã kết luận chuyện đặc khu rồi và không trái với Hiến pháp, cứ thế mà thông qua thôi không cần hỏi ý kiến nhân dân,” ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi nghĩ rằng nếu đảng và chính phủ cầm quyền không có động tác hoãn ngay dự luật đặc khu để nghiên cứu lại, điều chỉnh lại những chi tiết cực kì bất công, bất hợp lí thì có thể gây ra những hậu quả rất lớn về mặt xã hội, chính trị và kể cả quốc tế.”
Dù ông Dũng cho rằng việc hoãn lại dự luật này có ý nghĩa to lớn cho nỗ lực cất lên tiếng nói của người dân, một số nhà hoạt động lưu ý đó có thể chỉ là một thắng lợi tạm thời và là một “bước tạm lùi” của chính phủ khi vấp phải phản ứng gay gắt của công luận.
“Nó là động tác ‘rút củi đáy nồi,’” nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy viết trong một bình luận gửi cho VOA. “Nhà cầm quyền sẽ tìm cách khác chứ không thể không có đặc khu. Thực tế cho thấy, đảng Cộng sản Việt Nam họ đã làm gì thì làm cho bằng được, dù sớm hay muộn, chỉ trừ khi họ nhận thấy nếu cố kỉnh, có thể đe dọa đến sự tồn vong của họ.”
Tiến sĩ Dũng cho rằng chính phủ sẽ tìm cách “lách” vụ tranh cãi về dự luật đặc khu này giống như đã từng làm với vụ Đồng Tâm (trong đó người dân quyết liệt phản kháng việc cưỡng chế đất) hay vụ các trạm thu phí BOT bằng cách giao cho các bộ, ngành nghiên cứu.
“Nhưng mà cuối cùng sẽ trình lên y như cũ,” ông nói.
Dù sự phẫn nộ về dự luật đặc khu có thể sẽ tạm lắng dịu sau quyết định hôm thứ Bảy, một dự luật gây tranh cãi khác sắp sửa được thông qua vào ngày 12 tháng 6 mà dường như thu hút ít sự phản đối hơn. Giới hoạt động cảnh báo quyết định này của chính phủ là một sách lược nhằm xoa dịu dư luận để dọn đường cho Luật An ninh Mạng được thông qua, bất chấp những lo ngại mà các tổ chức quốc tế đã nêu lên về quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư.
“Người ta chưa mường tượng được những cái tác hại, những cái nguy hiểm của dự thảo luật an ninh mạng này đâu,” nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói với VOA. “Trong dự thảo luật an ninh mạng này có rất nhiều điều khoản vi phạm những quyền căn bản nhất của con người, vi phạm sự riêng tư, và thậm chí hạn chế sức sáng tạo của các công ty của người Việt Nam, ví dụ như là startup (công ty khởi nghiệp).”
Một thiếu tướng công an trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam vào tuần trước nói an ninh mạng là “không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình,” và rằng dự luật này sẽ giúp đảm bảo điều đó.
Nhưng đó chính là nỗi lo ngại của ông Tuyến, một người thường xuyên bày tỏ quan điểm bất đồng trên mạng. Mới đây trên trang Facebook của mình, nhà hoạt động này đăng một hình đại diện mà trong đó ông bị bịt miệng bằng một mẩu giấy có dòng chữ “Luật AN NINH MẠNG” kèm theo chú thích “Luật An ninh mạng = Bịt mồm dân. Phản đối!”
“Họ thông qua luật an ninh mạng này và nó có hiệu lực, sau này họ sẽ đề xuất luật đặc khu kia và khi đó không ai có thể có quyền nào mà dám ý kiến nữa,” ông nói với VOA.