Nhiều ngàn người xuống đường đồng loạt tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng vào sáng ngày Chủ Nhật, 10 tháng Sáu.
Từ 8 giờ sáng, người biểu tình đã xuất hiện Hà Nội. Riêng khu vực hồ Hoàn Kiếm, có đến vài ngàn người tham gia. Tại Sài Gòn, có nhiều cuộc biểu tình tại nhà thờ Đức Bà, công viên Hoàng Văn Thụ… Giáo dân tại Nghệ An cũng tham gia biểu tình rất đông. Đà Nẵng, biểu tình diễn ra lúc gần 10 giờ sáng, với lực lượng an ninh bố trí dày đặc khắp mọi nơi.
6h sáng, tại một quán cà phê bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu – Tiến sĩ Dân tộc học Mai Thanh Sơn, nghệ sĩ Lê Nguyên Vỹ và chị Nguyễn Chiêu Ân từ Đồng Nai ra cùng với nhiều bạn nam, nữ vừa du học ở Trung Quốc về, tham gia biểu tình. Các nơi trong thành phố, công viên 29 tháng 3, Đài tưởng niệm 2 tháng 9, cầu Rồng, chân cầu Sông Hàn và chợ Hàn... dường như không thấy gì ngoài an ninh, xe cơ động và xe phá sóng.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, người tham gia biểu tình ở Đà Nẵng, chia sẻ với VOA: “Chúng tôi muốn đại diện cho các tầng lớp để bày tỏ quan điểm bất đồng của mình về dự luật đặc khu và an ninh mạng. Những thứ đó có hại cho dân tộc và có nguy cơ đẩy lùi văn minh dân tộc về mấy trăm năm trước... Ngay bây giờ, nếu chúng ta không lên tiếng thì sẽ không còn cơ hội để lên tiếng. Chúng tôi bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa và muốn gửi thông điệp đến trung ương đảng Cộng sản rằng tất cả những lựa chọn từ dự luật đặc khu cho đến dự luật an ninh mạng đều gây tổn hại cho dân tộc, quốc gia, tạo ra sức ì kéo thụt lùi dân tộc, quốc gia...”.
Nhà văn Nguyên Ngọc nói với VOA: “Chúng tôi đi biểu tình không chỉ ngừng ở việc kêu gọi bỏ luật đặc khu mà còn kêu gọi nhà nước, quốc hội và đảng phải bỏ ngay dự luật an ninh mạng. Họ làm cả hai thứ cùng một lần như vậy là quá bất ngờ và thông tin sẽ bị đánh lạc hướng ngay. Nếu như chúng ta không kịp thời kêu gọi thì hậu quả của hai việc này không hề nhỏ một chút nào...!”.
Hơn 9 giờ sáng, bắt đầu có tin nhiều người tham gia biểu tình ở Sài Gòn bị đánh đập.
Có vài chục người bị bắt khi tham gia biểu tình ở Hà Nội.
Tham gia cuộc biểu tình tại Sài Gòn, nhà văn Trần Tiến Dũng viết trên Facebook: "Đây là cuộc biểu tình lớn nhất! Tôi là người cầm bút không hề phóng đại. Tôi và nhà văn Mai Sơn, từ góc nhìn hạn hẹp chúng tôi đoán phải hơn cả vạn người dân tham gia (riêng ở khu công trường Lam Sơn). Tôi cho là so với mọi cuộc biểu tình từ sau 1975, lần này mới thấy hết sức mạnh của người Việt yêu nước không khoan nhượng giặc Tàu và tay sai."
Nhà văn Trần Tiến Dũng "ghi nhanh", mô tả không khí biểu tình tại Sài Gòn: "...Có mặt ở cuộc biểu tình. Nói Không với đặc Khu và luật an ninh mạng. Không hề quá đáng khi cho rằng đây là cuộc xuống đường khổng lồ của người Sài Gòn- Việt Nam yêu nước."
"Chúng tôi nhiều lúc đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến và hòa vào dòng người yêu nước như dòng thác lớn." "Từ sáng, khởi đầu chỉ khoảng hơn 500 người đứng ở đầu đường Phạm Ngọc Thạch, người biểu tình đứng uy nghi đưa biểu ngữ và hát, tiếng hát vang dội cùng với nhịp tiếng hô khẩu hiệu."
"Hơn 9h, một nhóm người biểu tình định di chuyển tuần hành nhưng một số khác ngăn họ lại. Ai cũng tưởng rằng nhóm biểu tình chỉ bất động nơi họ đứng để biểu lộ thái độ phản kháng nhưng không, hơn 9h30 từ đường Lê Duẩn, một đoàn biểu tình khác kéo đến, sau đó từ phía mặt chính của Vương Cung Thánh đường đoàn biểu tình khác cũng đến, từ phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng kéo về."
"Vậy là đoàn lớn biểu tình bắt đầu di chuyển về phía dinh Độc lập, người hai bên đường từ đâu không biết hòa vào dòng người biểu tình như một dòng sông lớn bất tận. người phía trước đi bộ, người phía sau đi xe máy, người phía trước thì hô khẩu hiệu, phía sau hô theo và cùng nhấn kèn xe máy."
"Đoàn người vây kín hết cả con đường trước dinh Độc Lập, phủ kín đường Lê Duẫn kéo dài hút tầm mắt chúng tôi, thật không thể ngờ, sau đó đoàn tuần hành đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua Hàn Thuyên trở lại nhà thờ Đức Bà."
"Nhưng trên hết là tất cả người tham gia biểu tình đều ôn hòa và di chuyển trong trật tự. Tất nhiên thêm điều không hề ngạc nhiên là công an và các lực lượng trấn áp khác của chế độ vây đông như quân nguyên. Tôi rời đoàn biểu tình lúc 11h15."
Các cuộc biểu tình không chỉ diễn ra trong nước. Tại Mỹ, biểu tình đã diễn ra tại California và New York vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Có khoảng hơn 300 người từ nhiều thành phố ở California đã tập trung biểu tình trước tòa Lãnh Sự Việt Nam tại thành phố San Francisco.