Các nhà lập pháp Nhật Bản hôm 11/11 bỏ phiếu bầu Thủ tướng Shigeru Ishiba tiếp tục làm lãnh đạo, sau khi liên minh bị hoen ố vì bê bối của ông mất đa số ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử hạ viện vào tháng trước.
Ông Ishiba, người đã kêu gọi bỏ phiếu bất ngờ sau khi nhậm chức vào ngày 1/10, hiện phải điều hành một chính phủ thiểu số mong manh khi Donald Trump theo chủ nghĩa bảo hộ trở lại nắm quyền tại Mỹ, vốn là đồng minh chính của Nhật Bản, căng thẳng tăng cao với các đối thủ Trung Quốc và Triều Tiên, và áp lực gia tăng trong nước về kiểm soát chi phí sinh hoạt.
Đảng Dân chủ Tự do và đối tác liên minh Komeito của ông đã giành được khối lượng ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử nhưng đã mất đa số ghế nắm giữ kể từ năm 2012, khiến ông phải phụ thuộc vào các đảng đối lập nhỏ để thông qua chương trình nghị sự cho chính sách của mình.
"Trước cuộc bầu cử đầy thách thức này, chúng ta phải chuyển đổi thành một đảng quốc gia phục vụ nhân dân, đồng cảm với những cuộc đấu tranh, nỗi thống khổ và niềm vui của nhân dân", ông Ishiba phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi quốc hội bỏ phiếu giữ ông lại vị trí thủ tướng.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu hôm 11/11, được phát sóng trên truyền hình, đã phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai lần đầu tiên sau 30 năm, sau khi không có ứng cử viên nào có thể tập hợp được sự ủng hộ của đa số trong vòng đầu tiên. Việc này cho thấy thêm sự mong manh của đảng của ông Ishiba.
Ông Ishiba đã giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu lần 2 đó, giành được 221 phiếu bầu, bỏ xa người đứng đầu Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính, cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda, nhưng vẫn chưa đạt được đa số trong 465 ghế tại hạ viện.
Vào năm tới, Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cho các ghế tại thượng viện vốn ít quyền lực hơn, nơi mà đa số mong manh của liên minh cầm quyền cũng có thể gặp rủi ro nếu ông Ishiba không thể khôi phục lại niềm tin của công chúng đang bị xáo trộn bởi vụ bê bối về các khoản đóng góp cho các nhà lập pháp không được ghi chép.
Thách thức về ngân sách
Thách thức trước mắt của ông Ishiba là lập ra một ngân sách bổ sung cho năm tài chính đến tháng 3, dưới áp lực từ cử tri và các đảng đối lập nhằm tăng chi tiêu cho phúc lợi và thực hiện các bước để bù đắp giá cả tăng cao.
Để được chấp thuận, ông cần sự ủng hộ của ít nhất một đảng đối lập, rất có thể là Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP) do Yuichiro Tamaki đứng đầu. Ông Tamaki đã có các cuộc đàm phán hợp tác với ông Ishiba, nhưng các nhà lập pháp DPP đã không bỏ phiếu để ông Ishiba tiếp tục làm thủ tướng.
Ông Tamaki cũng đang ở trong tình thế bấp bênh sau khi thừa nhận hôm 11/11 rằng ông có quan hệ ngoài luồng, vốn được tiết lộ trên một tạp chí lá cải.
Với chức thủ tướng được xác nhận, ông Ishiba đã bổ nhiệm ba bộ trưởng nội các mới – gồm bộ trưởng phụ trách giao thông, tư pháp và nông nghiệp – trong đó có hai người thay thế các nhà lập pháp LDP đã mất ghế trong cuộc bầu cử hạ viện.
Ông Ishiba hiện phải chuẩn bị cho một loạt các hoạt động quốc tế, bao gồm hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế lớn tại Brazil vào ngày 18 và 19 tháng này.
Ông cũng đang tìm cách sắp xếp một điểm dừng chân tại Hoa Kỳ trên đường đến hoặc từ cuộc họp đó để gặp ông Trump. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nói chuyện với tổng thống đắc cử của Mỹ lần đầu tiên vào ngày 7/11 trong một cuộc trò chuyện "thân thiện" kéo dài năm phút, trong đó ông đã chúc mừng ông Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, một số quan chức Nhật Bản lo ngại ông Trump có thể lại tấn công Tokyo bằng các biện pháp thương mại bảo hộ và khơi lại yêu cầu rằng nước này phải trả nhiều hơn cho chi phí đồn trú quân đội Hoa Kỳ tại đó.
Những vấn đề này phần lớn đã được giải quyết êm đẹp trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, từ năm 2017 đến năm 2021, nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa Tổng thống Trump và thủ tướng Nhật Bản khi đó Shinzo Abe – một mối quan hệ mà ông Ishiba dường như muốn tái lập.
Ông Trump "đã nói nhiều điều về Ukraine, Gaza và các liên minh trong cuộc bầu cử, nhưng thật khó để dự đoán chính sách của ông ấy sẽ như thế nào cho đến khi ông ấy nhậm chức", ông Ishiba cho biết. "Chúng tôi sẽ tập trung vào việc đề xuất các giải pháp có lợi cho cả hai quốc gia."
Diễn đàn