Một tập hợp an ninh ở Đông Nam Á tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là bất khả thi vào lúc này do các lợi ích và liên minh khác biệt trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết hôm 5/11.
Khi được hỏi về triển vọng của tổ chức tương tự NATO ở Đông Nam Á, ông Gilberto Teodoro phát biểu tại một diễn đàn an ninh rằng ‘tính lưỡng phân và khác biệt phức tạp về lợi ích quốc gia’ ở ASEAN sẽ khiến việc thiết lập một liên minh quân sự thống nhất trở nên khó khăn.
“Chẳng hạn, chúng ta từng có một liên minh quốc phòng với Hoa Kỳ trước khi có ASEAN. Chúng tôi tiếp tục xây dựng liên minh với các quốc gia cùng chí hướng,” ông nói tại một diễn đàn an ninh ở Manila. “Các nước ASEAN khác đã xây dựng liên minh với Trung Quốc”.
Phát biểu trên được ông Teodoro đưa ra sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phổ biến ý tưởng thành lập ‘NATO châu Á’ trước khi ông nhậm chức. Đề xuất này không có sức hút và bị Mỹ cũng như Ấn Độ bác bỏ.
Ngoại trưởng Nhật Bản sau đó nói rằng một ý tưởng như vậy không nhằm chống lại một quốc gia cụ thể, khi được hỏi liệu nó nhắm đến Trung Quốc hay không. Ông Teodoro cho biết ông muốn ASEAN nhận ra rằng Trung Quốc đang ‘vượt quá giới hạn’ ở Biển Đông. Đã có những cuộc đụng độ gần đây về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines, Việt Nam và Indonesia.
Trung Quốc và Philippines, vốn là một đồng minh của Mỹ, đã căng thẳng với nhau về một loạt các cuộc đối đầu gần các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Manila đã cáo buộc hải cảnh Trung Quốc gây hấn và Bắc Kinh cho biết họ đang đáp trả điều mà họ gọi là khiêu khích và xâm nhập lãnh thổ lặp đi lặp lại.
“Có được một số nguyên tắc hay phản ứng nào đó về các hoạt động xâm lấn và các hoạt động được thừa nhận là bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là bước đầu tiên rất tốt, và đó điều chúng ta nên hướng tới,” ông Teodoro nói.
Philippines đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc khẩn trương đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhằm quản lý các khác biệt và giảm căng thẳng.
Hồi năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague đã đứng về phía Philippines, bên đưa ra vụ kiện, để phán quyết rằng các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.
Diễn đàn