Ông Thomas Bach lên làm chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, tức IOC, chưa đầy một năm, nhưng ông đã bắt đầu những chấn chỉnh cho tổ chức này được dư luận trông đợi.
Tiếp theo sau những tranh cãi về việc để cho Olympic mùa Đông 2014 tổ chức tại Sochi, Nga, nước có luật chống đồng tính, mâu thuẫn với tinh thần của Hiến chương Olympic về không kỳ thị, IOC nay buộc thành phố đăng cai Olympic phải thỏa thuận có cùng tiếng nói không kỳ thị.
Điều này có nghĩa là các thành phố đăng cai thế vận hội trong tương lai, bắt đầu từ thành phố chủ nhà Olympic mùa Đông 2022, phải ký một thỏa thuận pháp lý nói rằng họ sẽ tuân theo Điều 6 - nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Olympic, có nội dung: “Bất cứ hình thức kỳ thị nào đối với một nước hay một cá nhân vì yếu tố sắc tộc, tôn giáo, chính trị, phái tính hay bất cứ yếu tố nào khác là không phù hợp với tinh thần của Phong trào Olympic.”
Ba thành phố ứng cử viên tranh đăng cai Olympic là Oslo, Bắc Kinh và Almaty, và các ủy viên IOC ở các nước đó đã được thông báo về thay đổi này trong công văn do Giám đốc điều hành IOC, ông Christophe Dubi, và Giám đốc Pháp lý của IOC, ông Howard Stupp, ký ngày 6 tháng 9.
Ông Andre Banks, nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của All Out, một nhóm tranh đấu đã lên tiếng phản đối luật chống đồng tính của Nga, nói: “Diễn biến này chuyển đi một thông điệp rõ ràng rằng các thành phố đăng cai thế vận hội trong tương lai mà vi phạm quyền con người, trong đó có việc kỳ thị đối với người đồng tính nam, nữ, song giới và chuyển giới sẽ không được tha thứ."
Khó khăn hiện nay là Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ ứng phó như thế nào nếu một quốc gia ban hành luật có tính kỳ thị sau khi nước họ đã tranh được quyền đăng cai, giống như trong trường hợp Nga đã làm trước Olympic Sochi. Thực thi thỏa thuận bằng cách dời thế vận hội đi nơi khác trong ba năm trước khi Olympic khởi tranh là không thể thực hiện được.
Ông Hudson Taylor, giám đốc điều hành của Athlete Ally, một nhóm tranh đấu khác cũng lên tiếng phản đối luật chống đồng tính của Nga, nói: “Chúng tôi chưa xem được chính xác nội dung của những sửa đổi trong thỏa thuận ký với các thành phố chủ nhà Olympic, nhưng chúng tôi hy vọng rằng việc vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận sẽ dẫn đến việc Olympic sẽ bị dời đi nơi khác.”
Trong công văn gửi cho các thành phố ứng cử viên đăng cai Olympic 2022 cũng có đề cập đến một lĩnh vực mà Chủ tịch Bach đã hứa sẽ thay đổi: chi phí đăng cai Thế vận hội.
Không có thay đổi nào về các môn thể thao tại các kỳ Olympic sắp tới mà thành phố đăng cai đã được chọn.
Tiêu tốn 51 tỉ đôla để tổ chức Olympic Sochi của Nga đã khiến nhiều thành phố có dự tính tranh đăng cai Olympic 2022 hoảng sợ và rút lui. Tuy nhiên số tiền khổng lồ của Nga chi ra không phải được đầu tư hoàn toàn vào hạ tầng cơ sở chỉ phục vụ cho Olympic, và một số trong đó, theo nhiều nhà phân tích, thì có lẽ đã thất thoát vì tham nhũng.
Các con số này khiến cho công chúng Na Uy không ủng hộ kế hoạch tranh đăng cai của Oslo, thành phố có nhiều khả năng nhận được quyền tổ chức Thế vận hội 2022. Hai thành phố khác có trong danh sách ứng cử viên là Bắc Kinh của Trung Quốc độc đảng, và Almaty của Kazakhstan độc trị.
Tháng 12, Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ biểu quyết về một số đề nghị nhằm giảm chi phí không những cho việc đăng cai mà cả chi phí đi tranh đăng cai Olympic. Các đề nghị này được đưa vào nghị trình 2020.