“Cả hai thành phố Doha và Dubai đều sẵn sàng đăng cai Olympic và Paralympic,” Chủ tịch Hội đồng Olympic Á châu Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah mới đây phát biểu, mặc dù ông thừa nhận rằng nếu các thành phố này ra tranh đăng cai “sẽ gặp phải những nghi ngờ và nhiều chỉ trích trên thế giới.”
Phát biểu tại Incheon, Nam Triều Tiên, trước ngày Á vận hội (ASIAD) khai mạc, ông Sheikh Ahmad, người Kuwait nói rằng nếu dự tranh đăng cai Olympic, các thành phố này chỉ cần tự tin là họ có đủ khả năng đăng cai một đại hội thể thao quốc tế, bất chấp những nghi ngờ và chỉ trích.
Ông Sheikh Ahmad nói tiếp rằng tranh được quyền đăng cai một đại hội thể thao quốc tế cũng sẽ tạo ra những cơ hội tích cực cho khu vực do thể thao mang lại.
“Chúng tôi có nhiều thành phố ở Trung Ðông có đủ khả năng đăng cai Olympic,” ông Sheikh Ahmad nói với Hãng thông tấn Reuters. “Dubai đã sẵn sàng, Doha cũng sẵn sàng.”
“Tôi hiểu rõ không phải mọi thành phố đều có thể đăng cai được Olympic,” ông Sheikh Ahmad nói tiếp. “Chỉ có những thành phố chính, và cho dù các thành phố đó luôn gặp phải những khó khăn, như chúng ta có thể thấy những gì đang diễn ra ở Rio, thậm chí đến giờ này những khó khăn đó vẫn tiếp diễn.”
Doha đã tranh đăng cai Olympic 2016 và 2020 nhưng không vào được danh sách ứng cử viên chung kết, và hiện đang bàn đến chuyện tranh đăng cai Olympic 2024.
Phát biểu này được đưa ra giữa những làn sóng phản đối và tố cáo tham nhũng quanh việc Qatar tranh được quyền đăng cai FIFA World Cup 2022. Chủ tịch Hội đồng Olympic Á châu Sheikh Ahmad - còn là Chủ tịch của Hiệp hội các Ủy ban Olympic Quốc gia và là một lãnh đạo nổi tiếng của Phong trào Olympic - trước đó phản bác rằng các cáo buộc đó là “kỳ thị.”
Ông Sheikh Ahmad nay cũng thừa nhận rằng Trung Ðông ra tranh đăng cai Olympic vào lúc này sẽ lại trở thành tâm điểm thu hút chỉ trích, và ông nói rằng “cho dù chúng tôi tổ chức một tiệc sinh nhật cũng gặp phải những phản ứng như vậy.”
“Truyền thông báo chí luôn là như vậy,” giới chức Olympic người Kuwait nói. “Chúng tôi tôn trọng ý kiến của họ, nhưng chúng tôi phải tự tin rằng chúng tôi có thể đăng cai các đại hội thể thao quốc tế.”
Cả Doha và Dubai trước đó đều bàn đến chuyện đăng cai Á vận hội kỳ 2018 sau khi Hà Nội hồi đầu năm nay đã từ chối đăng cai đại hội này, nhưng cả hai thành phố này đều không chính thức đứng ra nhận công việc đó, mà thay vào đó Indonesia nay trông có nhiều phần chắc sẽ đăng cai đại hội khu vực này.
Sự có mặt của hai thành phố Trung Ðông này trong các cuộc đua tranh quyền đăng cai Olympic trong tương lai sẽ phản ánh một giai đoạn hưng thịnh của châu Á, trong bối cảnh Pyeongchang của Nam Triều Tiên và Tokyo của Nhật Bản đã chính thức giành được quyền là chủ nhà Olympic mùa Đông 2018 và Olympic mùa Hè 2020, trong khi Almaty của Kazakhstan và Bắc Kinh của Trung Quốc là hai trong số ba ứng cử viên tranh đăng cai Olympic 2022.