Đối với phần lớn nền kinh tế toàn cầu, 2023 sẽ là một năm khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu - Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc - đều trải qua hoạt động suy yếu, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm Chủ nhật.
Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva nói trên chương trình tin tức sáng Chủ nhật của CBS là "Face the Nation" rằng năm mới sẽ "khó khăn hơn so với năm chúng ta mới bỏ lại phía sau".
“Vì sao? Bởi vì ba nền kinh tế lớn - Mỹ, EU và Trung Quốc - đều đang đồng loạt giảm tốc”, bà nói.
Hồi tháng 10 năm ngoái, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023, phản ánh tác động tiếp diễn từ cuộc chiến ở Ukraine cũng như áp lực lạm phát và lãi suất cao do các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa ra nhằm mục đích giảm bớt những áp lực về giá cả đó.
Kể từ đó, Trung Quốc đã loại bỏ chính sách gọi là “không COVID” và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế một cách hỗn loạn, mặc dù người tiêu dùng ở đó vẫn cảnh giác trong khi các ca nhiễm COVID gia tăng.
"Lần đầu tiên trong 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2022 có thể bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu", bà Georgieva nói.
Hơn nữa, “sự bùng phát” dự kiến của các ca nhiễm COVID ở đó trong những tháng tới có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế của nước này trong năm nay cũng như tới sự tăng trưởng của cả khu vực và toàn cầu, theo bà Georgieva, người đã đến Trung Quốc trong chuyến công tác của IMF vào cuối tháng trước.
Trong khi đó, bà Georgieva nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ thì ngược lại và có thể tránh được sự suy thoái có khả năng ảnh hưởng đến 1/3 nền kinh tế thế giới.
Bà nói rằng "Mỹ là nước kiên cường nhất" và nước này "có thể tránh được suy thoái”. “Chúng tôi thấy thị trường lao động vẫn khá mạnh", bà nói.