Đường dẫn truy cập

Lạm phát gần ‘chạm nóc’ nhưng ‘điều thê thảm nhất hãy còn phía trước’


Khắp toàn cầu, mọi người đang chứng kiến lạm phát ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên khi giá những thứ thiết yếu như thực phẩm, hơi sưởi ấm, vận chuyển và chỗ ở tăng vọt. Và mặc dù có thể sự gia tăng này đã tới gần đỉnh, nhưng tác động sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Vì đâu nên nỗi? Đó là do đại dịch và chiến tranh.

Một thời kì dài lạm phát nhẹ và lãi suất thấp chấm dứt đột ngột sau khi COVID-19 bùng phát, khi mà các chính phủ và ngân hàng trung ương rót hàng ngàn tỉ đô la hỗ trợ vào các doanh nghiệp và các hộ gia đình chịu cảnh phong tỏa.

Ngân khoản đó giúp người lao động không phải xếp hàng chờ trợ cấp thất nghiệp, các doanh nghiệp không bị phá sản và giá nhà không bị sụt giảm. Nhưng nó cũng khiến cung và cầu bị mất cân bằng hơn bao giờ hết.

Đến năm 2021, khi các biện pháp phong tỏa kết thúc và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở tốc độ sau suy thoái nhanh nhất trong 80 năm, tất cả số tiền kích thích đó tràn ngập trong hệ thống thương mại thế giới.

Các công xưởng ngừng hoạt động không thể tăng tốc đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu, các quy định an toàn COVID gây ra tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực bán lẻ, vận tải và y tế, và sự phục hồi quá nhanh khiến giá năng lượng tăng đột biến.

Nếu như vậy vẫn chưa đủ thì việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 và các chế tài của phương Tây nhắm vào nước xuất khẩu dầu khí lớn này đã đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn nữa.

Vấn đề cấp bách

Được xem là một loại "thuế đánh vào người nghèo" vì nó đánh mạnh nhất vào những người có thu nhập thấp, lạm phát ở mức hai con số đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Trong khi những người tiêu dùng giàu có hơn có thể dựa vào khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, những người khác phải vật lộn để kiếm sống và ngày càng nhiều người dựa vào các ngân hàng thực phẩm.

Khi mùa đông đang đến trên khắp bắc bán cầu bắc, áp lực lên chi phí sinh hoạt sẽ càng nặng hơn khi hóa đơn nhiên liệu tăng cao. Nhân viên đã có hành động đình công trong các lĩnh vực từ y tế đến hàng không để đòi tăng tiền lương theo kịp lạm phát. Trong hầu hết các trường hợp, họ phải chấp nhận hầu bao eo hẹp hơn.

Những lo ngại về chi phí sinh hoạt chi phối nền chính trị ở các quốc gia giàu có – trong một số trường hợp chiếm chỗ của những ưu tiên khác, chẳng hạn như hành động chống lại biến đổi khí hậu.

Dù giá xăng đi xuống trong thời gian gần đây đã giảm bớt một số áp lực, lạm phát vẫn là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thu vén ngân sách của họ để rót hàng tỉ euro vào các chương trình hỗ trợ.

Nhưng nếu tình hình khó khăn ở các nền kinh tế công nghiệp hóa, thì giá lương thực tăng vọt đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và khổ sở ở các nước nghèo hơn, từ Haiti đến Sudan và Lebanon đến Sri Lanka.

Chương trình Lương thực Thế giới ước tính thêm 70 triệu người trên toàn thế giới đã bị đẩy đến mức cận kề đói kém kể từ đầu cuộc chiến Ukraine trong cái gọi là "cơn sóng thần của nạn đói."

2023 rồi sẽ ra sao?

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất mạnh để hạ nhiệt nhu cầu và chế ngự lạm phát. Đến cuối năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 4,7% - thấp gần một nửa so với mức hiện tại.

Mục đích là để "hạ cánh mềm" mà trong đó quá trình hạ nhiệt diễn ra mà không có sự sụp đổ của thị trường nhà ở, doanh nghiệp phá sản hoặc tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Nhưng một kịch bản tốt nhất như vậy tới nay vẫn chưa đạt được trong những lần thế giới đối mặt với lạm phát cao trong quá khứ.

Từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell đến Christine Lagarde của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng liều thuốc tăng lãi suất có thể để lại vị đắng. Thêm nữa, những rủi ro xung quanh những bất ổn lớn – chiến tranh Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây – đang nghiêng về phía tiêu cực.

Báo cáo triển vọng tháng 10 thường kì của IMF là một trong những tháng ảm đạm nhất trong nhiều năm, nói rằng: "Tóm lại, điều thê thảm nhất hãy còn phía trước và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái."

Diễn đàn

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG